Fed liệu sẽ còn gồng gánh thị trường tới khi nào?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Fed đã tương đối thành công trong phiên họp tháng 3 vừa qua khi tránh được sự xáo trộn đối với thị trường. Tuy nhiên tình hình dự kiến sẽ ngày càng một phức tạp hơn trong thời gian sắp tới.
Fed đã hành xử một cách khéo léo trong phiên họp tháng 3 vừa qua khi vừa thể hiện sự lạc quan đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế đồng thời vẫn giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại. Điều này đã khích lệ tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư chứng khoán và trái phiếu. NHTW Mỹ đã cải thiện đáng kể kỳ vọng tăng trưởng đối với kinh tế Mỹ bằng việc nâng dự báo tăng trưởng năm 2021 lên mức 6,5%. Tỷ lệ thất nghiệp dự báo cũng dự báo giảm xuống mức 3,5%. Trong khi đó, dự báo chỉ số giá tiêu dùng PCE được điều chỉnh tăng từ 1,8% lên 2,4% trong năm nay, và chỉ số PCE cơ bản cũng dự kiến tăng lên mức 2,2%. Bất chấp những điều chỉnh đáng kể trên, quan điểm chính sách của Fed vẫn gần như không thay đổi. Thông điệp về việc Fed sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nền kinh tế tăng trưởng nóng hơn đã được xác nhận bởi phát biểu "cực kỳ nới lỏng" của chủ tịch Powell tại phiên họp báo sau đó. Ông Powell đã làm rõ rằng mặc dù có một số thành viên Fed thể hiện mong muốn tăng lãi suất trong biểu đồ dot plot, Fed vẫn chưa có ý định thay đổi chính sách siêu nới lỏng hiện tại bao gồm lãi suất ở sát mức 0, khối lượng mua tài sản lớn (120 tỷ USD/tháng) và định hướng chính sách cực kỳ nới lỏng. Ông nhấn mạnh rằng cơ quan này "sẽ không dựa vào việc dự báo để hành động trước".
Với việc các trạng thái bán ròng đang áp đảo trên thị trường trái phiếu, cùng với rủi ro về khả năng can thiệp của Fed vẫn còn tiềm ẩn, lợi suất TPCP đã không phản ứng theo cách thường lệ sau phát biểu của Fed. Thay vào đó, lợi suất kỳ hạn 10 năm đã giảm so với mức đầu ngày sau cuộc họp chính sách. Qua đó, mối quan hệ cùng chiều hiếm gặp giữa tài sản trú ẩn (TPCP) và tài sản rủi ro (cổ phiếu) vẫn tiếp diễn.
Fed đã mang tới thông điệp mà rất nhiều người trước đó cho rằng sẽ là rất khó khăn: Thừa nhận sự cải thiện đáng kể của tình hình kinh tế, duy trì chính sách điều hành và không làm xáo trộn thị trường. Khả năng tiếp tục lặp lại điều này sẽ ngày một khó khăn hơn trong những phiên họp sắp tới do sẽ phải chịu áp lực điều chỉnh dự báo tăng trưởng ngày một tăng. Dự kiến, Fed sẽ buộc phải xem xét việc đánh đổi giữa 1 trong các kịch bản sau:
- Cố gắng xoa dịu lo ngại về lợi suất bằng cách đưa ra tín hiệu mua vào thêm tài sản, có thể khiến rủi ro lạm phát kỳ vọng tiếp tục tăng lên;
- Không có thay đổi về định hướng chính sách bởi lợi suất tăng lên do triển vọng kinh tế được cải thiện và áp lực lạm phát sẽ chỉ trong ngắn hạn, khiến rủi ro biến động tiếp tục tiềm ẩn đối với thị trường;
- Phát đi thông điệp về khả năng thắt chặt dần chính sách tiền tệ do vai trò của chính sách tài khóa ngày một lớn, có thể dẫn tới khả năng hỗn loạn của thị trường khi hiện vẫn đang dựa vào kỳ vọng Fed sẽ duy trì nới lỏng.
Một kịch bản khác có thể sẽ cho phép Fed một lần nữa làm yên lòng cả thị trường trái phiếu và cổ phiếu, tuy nhiên sẽ là một điều mà không ai mong muốn: Một làn sóng dịch bệnh mới bùng phát nhấn chìm những nỗ lực về vắc-xin và kiểm soát dịch bệnh vừa qua, buộc Fed phải tăng đáng kể lượng thanh khoản bơm ra thị trường.
Bloomberg