[Glossary] Các ngân hàng trung ương kiểm soát cung ứng tiền như thế nào?
Tùng Trịnh
CEO
Nếu coi nền kinh tế của một quốc gia như cơ thể con người, thì ngân hàng trung ương đóng vai trò là trái tim. Trái tim có nhiệm vụ bơm máu lưu thông và mang lại sự sống trên khắp cơ thể. Tương tự như vậy, ngân hàng trung ương sẽ điều tiết việc cung ứng tiền để giữ cho nền kinh tế khỏe mạnh và tăng trưởng. Dưới đây là một số công cụ phổ biến mà các ngân hàng trung ương sử dụng để kiểm soát nguồn cung tiền.
Tầm quan trọng của lượng tiền tệ lưu thông
Lượng tiền lưu thông sẽ tác động tới nền kinh tế cả ở cấp độ vi mô và vĩ mô.
Ở cấp độ vi mô, nguồn cung tiền quá lớn và dễ dàng sẽ dẫn đến tăng chi tiêu đối với cá thể và doanh nghiệp. Cụ thể, người dân sẽ dễ tiếp cận các khoản vay tiêu dùng cá nhân, mua xe, mua thế chấp nhà. Đối với các doanh nghiệp, việc vay vốn mở rộng đầu tư cũng dễ dàng hơn.
Ở cấp độ vĩ mô, lượng tiền lưu thông trong một nền kinh tế ảnh hưởng đến GDP và tăng trưởng nói chung, cũng như lãi suất và tỷ lệ thất nghiệp. Các ngân hàng trung ương có xu hướng kiểm soát và điều tiết lượng tiền này để đạt được các mục tiêu kinh tế và tác động đến chính sách tiền tệ.
Thông thường, ngân hàng trung ương sẽ sử dụng một số công cụ cơ bản sau
In tiền
Cách đây nhiều năm, các quốc gia thường gắn đồng tiền của mình vào chế độ bản vị vàng, khiến lượng tiền họ có thể cung cấp bị giới hạn. Tuy nhiên chính sách này hầu như đã kết thúc vào giữa thế kỷ 20, hiện nay các ngân hàng trung ương có thể tăng lượng cung tiền trong lưu thông bằng cách đơn giản là in thêm tiền, thậm chí có thể in thêm bất cứ lượng tiền nào họ cần (mặc dù sẽ có nhiều hệ lụy nếu lạm dụng giải pháp này).
Chỉ đơn thuần là in nhiều tiền hơn mà sản lượng kinh tế tạo ra không tương xứng sẽ khiến đồng tiền của quốc gia đó mất giá trị. Vì thế, việc in thêm tiền không phải là lựa chọn hàng đầu của các ngân hàng trung ương.
Yêu cầu dự trữ bắt buộc
Một trong những công cụ được tất cả các ngân hàng trung ương sử dụng để kiểm soát lượng tiền trong nền kinh tế là yêu cầu dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại.
Dự trữ bắt buộc là tỷ lệ phần trăm tiền gửi mà các ngân hàng thương mại buộc phải giữ làm dự trữ theo yêu cầu. Nói cách khác, sẽ tồn tại một lượng tiền nhất định được giữ lại thay vì đem ra lưu thông. Nếu một ngân hàng trung ương yêu cầu dự trữ bắt buộc ở mức 9%, và một ngân hàng thương mại có tổng tiền gửi của khách hàng là 100 triệu USD, ngân hàng đó bắt buộc phải giữ lại tối thiểu 9 triệu USD để đáp ứng yêu cầu dự trữ, và chỉ được phép đem 91 triệu USD ra lưu thông.
Khi các ngân hàng trung ương muốn lưu hành nhiều tiền hơn trong nền kinh tế, họ sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống, đồng nghĩa các ngân hàng thương mại có thể cho vay nhiều tiền hơn.
Ngược lại, ngân hàng trung ương sẽ giảm lượng tiền trong lưu thông bằng cách tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, khiến ngân hàng thương mại có ít tiền hơn để cho vay và vì thế sẽ phải cân nhắc khi đưa ra một sản phẩm tín dụng.
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ được điều chỉnh định kỳ. VD: từ ngày 16/1/2020 tại Mỹ, dự trữ bắt buộc là 0% đối với các ngân hàng có tổng tài khoản tiền gửi dưới 16.9 triệu USD; 3% đối với tổng tài khoản từ 16.9 – 127.5 triệu USD, và 10% với nhóm trên 127.5 triệu USD.
Trong diễn biến gần nhất, tháng 3/2020, FED đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 0% cho tất cả các ngân hàng thương mại, để đối phó với ảnh hưởng từ đại dịch Coronavirus.
Tác động đến lãi suất
Về cơ bản, một ngân hàng trung ương không thể trực tiếp đặt một mức lãi suất cho các khoản vay như vay thế chấp, vay tự động hoặc vay tiêu dùng cá nhân. Tuy nhiên, họ có thể gián tiếp tác động và đưa các loại lãi suất đó về mức mong muốn, thông qua một công cụ khác: lãi suất chiết khấu – mức lãi suất mà ngân hàng thương mại phải trả khi vay tiền từ ngân hàng trung ương. Khi lãi suất chiết khấu thấp, ngân hàng thương mại sẽ tiết kiệm được chi phí và qua đó giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, lượng tiền cho vay sẽ tăng lên và khiến tiền lưu thông nhiều hơn trong nền kinh tế.
Nghiệp vụ thị trường mở
Ngân hàng trung ương cũng có thể điều tiết lượng tiền trong lưu thông bằng cách mua hoặc bán giấy giờ có giá của chính phủ (chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu kho bạc, trái phiếu chỉnh phủ) thông qua hoạt động thị trường mở (OMO). Khi một ngân hàng trung ương tìm cách tăng số lượng tiền trong lưu thông, họ mua lại các giấy tờ có giá này từ các ngân hàng thương mại, giúp ngân hàng thương mại có thêm tiền để cho vay. Hoạt động này là một phần trong chính sách nới lỏng tiền tệ.
Nếu muốn rút bớt tiền ra khỏi lưu thông, ngân hàng trung ương chỉ cần làm ngược lại.
Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang tham gia hoạt động thị trường mở nhằm đưa lãi suất cơ bản (Fed Funds rate - lãi suất qua đêm mà các ngân hàng cho vay lẫn nhau) hướng đến mục tiêu. Hoạt động thị trường mở là một công cụ được sử dụng rộng rãi nhờ tính linh hoạt, dễ áp dụng và hiệu quả.
Nới lỏng định lượng – QE
Khi nền kinh tế lâm vào hoàn cảnh nghiêm trọng hơn, các ngân hàng trung ương có thể đưa hoạt động thị trường mở tiến thêm một bước nữa: thực hiện nới lỏng định lượng. Cụ thể, họ sẽ in thêm tiền và dùng nó để mua lại nhiều giấy tờ có giá hơn. Số tiền này được đẩy vào tài khoản của ngân hàng thương mạị dưới dạng thanh toán cho giao dịch OMO và làm tăng dự trữ của nhóm ngân hàng này, khiến lượng tiền cho vay ra ngoài nhiều hơn, giúp hạ lãi suất dài hạn và khuyến khích hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, Ngân hàng trung ương Anh, và Cục dự trữ liên bang Mỹ đã phải áp dụng chương trình nới lỏng định lượng. Những năm gần đây, nới lỏng định lượng cũng được Ngân hàng trung ương Châu Âu và Nhật Bản sử dụng.
Kết luận
Các ngân hàng trung ương hoạt động liên tục để đảm bảo sức khỏe của nền kinh tế của quốc gia, và kiểm soát lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế là biện pháp được sử dụng phổ biến. Các công cụ chính của họ bao gồm: Tác động tới lãi suất, thiết lập mức dự trữ bắt buộc, tham gia hoạt động thị trường mở. Lượng tiền được điều tiết phù hợp trong lưu thông đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nền kinh tế ổn định và bền vững.
Chuyên mục Glossary trên trang Dubaotiente.com là tập hợp những bài viết mang tính định nghĩa về những khái niệm cơ bản trên thị trường. Bằng cách luận giải khởi đầu từ những vấn đề học thuật căn bản nhất, chúng tôi mong muốn mang đến cho các bạn nền tảng vững chắc để đi xa. Từ đây, để nâng cao kiến thức hoặc đi sâu hơn vào từng vấn đề, các bạn có thể theo dõi các bài viết trong các chuyên mục khác hoặc đăng đàn thảo luận trên facebook fanpage và group Dubaotiente.com.