Hội đồng Thống đốc BoJ bất đồng về chính sách tiền tệ
Quế Anh
Junior Editor
Theo biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ hồi tháng 7 vừa được công bố, các thành viên hội đồng thống đốc BoJ đang có những quan điểm trái chiều về định hướng lãi suất trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, hội đồng thống đốc nhận định hoạt động kinh tế và giá cả của Nhật Bản "nhìn chung đang phát triển nhất quán với triển vọng của BoJ". Triển vọng kinh tế tháng 7 của BoJ cho thấy lạm phát cơ bản - không bao gồm giá thực phẩm tươi sống - có thể đạt khoảng 2.5% trong năm tài khóa 2024 và khoảng 2% trong hai năm tới. Năm tài khóa của Nhật Bản bắt đầu từ ngày 1/4.
BOJ đặt mục tiêu lạm phát toàn phần ở mức 2%. Hội đồng thống đốc cũng lưu ý giá nhập khẩu đã tăng trở lại và cần chú ý đến rủi ro tăng giá.
Một số thành viên cho rằng "BoJ nên có những điều chỉnh vừa phải" nhằm đối phó với những rủi ro này. Theo ý kiến của một thành viên trong hội đồng, lãi suất cần được tăng một cách dần dần. Hành động này nhằm tránh khả năng lạm phát vượt mục tiêu 2%, dẫn đến việc bắt buộc phải tăng lãi suất đột ngột.
Tuy nhiên, một số thành viên khác có quan điểm trái ngược: "Chính sách tiền tệ không nên tự bình thường hóa". Đồng thời, họ nhấn mạnh chính sách trong tương lai cần được "thực hiện thận trọng" bằng cách theo dõi các rủi ro liên quan đến mục tiêu bình thường hóa chính sách của ngân hàng.
Một thành viên khác chỉ ra rằng kỳ vọng lạm phát trung và dài hạn chưa ổn định ở mức 2%, giá cả vẫn dễ bị tác động bởi rủi ro giảm phát. Do đó, BoJ nên tránh tình huống thị trường định giá mức tăng lãi suất "quá cao" trong tương lai.
Quyết định hồi tháng 7
Trong quyết định tháng 7, BoJ đã nâng lãi suất điều hành lên "khoảng 0.25%", đánh dấu mức lãi suất cao nhất kể từ năm 2008. Quyết định này được đưa ra sau kết quả bỏ phiếu 7-2, với hai phiếu không đồng tình từ các thành viên hội đồng Toyoaki Nakamura và Asahi Noguchi. Họ cho rằng các dữ liệu về kinh tế và doanh nghiệp cần được nghiên cứu thêm.
Ngân hàng cũng công bố kế hoạch giảm mua trái phiếu chính phủ xuống khoảng 3 nghìn tỷ JPY (19.64 tỷ USD) mỗi tháng trong quý I/2026. Kể từ đợt phát hành trái phiếu hồi tháng 3, BoJ cho biết số tiền mua trái phiếu chính phủ đã lên tới khoảng 6 nghìn tỷ JPY mỗi tháng.
Ngay sau quyết định của BOJ vào ngày 30/7, đồng JPY đã tăng giá 5 ngày liên tiếp, đạt mức đỉnh trong 8 tháng. Điều này dẫn đến việc thoái lui khỏi các vị thế "carry trade" đồng JPY, gây áp lực lên thị trường chứng khoán. Kết hợp với nỗi lo suy thoái từ những số liệu kinh tế đáng thất vọng của Mỹ thời điểm đó, chỉ số Nikkei đã sụt giảm mạnh, ghi nhận 3 ngày giảm điểm liên tiếp từ 31/7, trong đó có mức giảm 12.4% vào ngày 5/8 - ngày giảm điểm mạnh nhất kể từ năm 1987.
CNBC