Hy vọng nào dành cho đồng USD dưới nhiệm kỳ mới của bà Yellen?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Mặc dù đã từng thừa nhận lợi ích của việc đồng bạc xanh suy yếu lên hoạt động xuất khẩu trước đây, bà Yellen có thể sẽ có cái nhìn trái ngược trên cương vị Bộ trưởng Tài chính sắp tới.
Sự sụt giảm của đồng bạc xanh trong năm nay đã làm dấy lên lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ, do lợi thế thương mại mà nó mang lại và làm gia tăng căng thẳng đối với các đối tác thương mại của nước này. Janet Yellen, người được Tổng thống mới Joe Biden lựa chọn cho vị trí Bộ trưởng Tài chính, dự kiến sẽ chính thức nhậm chức sau khoảng 1 tháng tới, sau khi người tiền nhiệm của bà vừa gắn nhãn thao túng tiền tệ đối với 2 quốc gia và đưa 10 nước vào danh sách theo dõi.
Hoa Kỳ đã áp dụng chính sách ủng hộ sức mạnh của đồng đô-la vào năm 1995, và đã duy trì xuyên suốt qua nhiều đời Bộ trưởng Tài chính, cho tới phát biểu của Tổng thống Trump vào năm 2017 rằng đồng đô-la “đang trở nên quá mạnh”. Mặc dù từ góc độ dài hạn ông Trump và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đôi khi vẫn ủng hộ một đồng đô-la mạnh, họ cho rằng việc đồng nội tệ yếu hơn sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu của Mỹ. Ông Mnuchin cũng lo ngại một "đồng đô-la mạnh quá mức" có thể có những tác động tiêu cực trong ngắn hạn đối với nền kinh tế nước này. Đó cũng chính là điều mà bà Yellen đã từng đề cập trong quá khứ. Với tư cách là Chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco vào năm 2004, Yellen đã phát đi quan điểm tới các nhà đầu tư rằng NHTW Mỹ nhìn nhận việc đồng tiền yếu hơn sẽ giúp giải quyết thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này. Sau khi lên nắm quyền tại Fed 1 thập kỷ sau đó, bà tiếp tục nhấn mạnh mối quan hệ trên, liên tục lặp lại rằng sự tăng giá của đồng đô la đã tạo ra lực cản cho xuất khẩu của Mỹ.
Công việc của Bộ trưởng Tài chính là giám sát chính sách ngoại hối và ít nhất hai cựu Bộ trưởng đã thúc giục Yellen làm rõ quan điểm rằng bà không ủng hộ việc giảm giá đô-la. Điều này diễn ra sau khi Mnuchin đã thực hiện quyết liệt chỉ đạo của ông Trump nhằm hạ giá đồng USD vào giữa năm 2019. Larry Summers, người từng là Bộ trưởng Tài chính dưới thời Bill Clinton và là cố vấn kinh tế quốc gia dưới thời Barack Obama, cho rằng “sẽ là thiếu khôn ngoan nếu tiếp tục ủng hộ việc phá giá đồng đô-la hoặc giữ quan điểm trung lập,”. Summers nhấn mạnh rằng vai trò thống trị của đồng đô la trong hệ thống tài chính toàn đòi hỏi Bộ Tài chính phải thực thi trách nhiệm của mình một cách cẩn thận. Việc ủng hộ đồng đô-la mạnh sẽ là một động thái “thận trọng khôn ngoan” đối với Bộ trưởng sắp tới, đặc biệt là với chính sách mở rộng nền kinh tế của Biden, Summers nhận định. Hank Paulson, người từng là Bộ trưởng Tài chính dưới thời George W. Bush, cũng đưa ra quan điểm tương tự khi cho rằng “Lãi suất đang ở mức thấp lịch sử và quy mô nợ chính phủ so với nền kinh tế đang ở mức cao nhất kể từ sau Thế chiến thứ II. Điều tối quan trọng lúc này đó là giảm tốc độ tăng của nợ Chính phủ, nếu không đồng đô la cuối cùng sẽ bị giảm giá trị.” Đó không phải là những mối quan tâm đối với bà Yellen trung trong thời gian làm việc tại Fed. Bà khi đó chỉ tập trung xem xét cách tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến triển vọng nền kinh tế và tác động lên việc thiết lập chính sách tiền tệ.
“Yellen có thể nói về những lợi ích của đồng đô-la yếu tới lạm phát và xuất khẩu khi là thành viên của Fed, tuy nhiên đối với cương vị của một Bộ trưởng Tài chính, quan điểm thông thường vẫn sẽ là ủng hộ đồng đô-la mạnh.” Giám đốc ngoại hối toàn cầu tại Jeffereries LLC, Brad Bechtel, nhận định.
Vấn đề gắn nhãn thao túng tiền tệ
Sau báo cáo mới nhất về vấn đề thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ, ngân hàng trung ương của Thụy Sĩ nhanh chóng từ chối yêu cầu của Bộ Tài chính Mỹ về việc giảm quy mô can thiệp vào đồng Franc. Đài Loan, quốc gia nằm trong danh sách giám sát, cũng cho phía Mỹ đã kết luận không chính xác việc mua ngoại hối của mình.
Về vấn đề này, Yellen trước đây đã đưa ra một góc nhìn thận trọng hơn về các chuyển động của tỷ giá hối đoái. Vào năm 2019, bà đã nói rằng “Thực sự khó khăn và rủi ro để xác định khi nào một quốc gia đặt cược đối với đồng nội tệ để đạt được lợi thế thương mại”.
Daniel Hui, chiến lược gia ngoại hối toàn cầu của JPMorgan Chase & Co., viết trong một báo cáo vào ngày 14/12: “Bà Yellen có thể sẽ thực hiện các chính sách tích cực đối với đồng đô-la và cũng thận trọng hơn trong việc cáo buộc các đối tác thương mại thao túng tiền tệ.
Bất kể việc sẽ chủ động đưa Mỹ trở lại chính sách đồng đô-la mạnh hay né tránh bình luận, những phát biểu của bà Yellen được cho rằng sẽ mang lại sự ổn định và dễ lường đoán hơn đối với thị trường ngoại hối. Dưới cương vị là chủ tịch Fed trước đây, bà đã từng kêu gọi các đồng nghiệp của mình chú ý đến những phát biểu về đồng đô-la và nhấn mạnh rằng Bộ Tài chính mới là cơ quan chịu trách nhiệm lên tiếng về chính sách đối với đồng USD.
Trong biên bản cuộc họp Fed vào tháng 10/2014, vị cựu Chủ tịch Fed đã từng nhấn mạnh: “Với một thỏa thuận dài hạn, Bộ Tài chính sẽ thay mặt cho Chính phủ để phát biểu về các chính sách kinh tế quốc tế và đồng đô-la”. Hơn 6 năm sau thời điểm trên, đó chính xác là vai trò đang chờ đợi bà Yellen trên cương vị mới.