JPMorgan Asset Management: Mổ xẻ đòn thuế đánh vào Mexico và Canada - Công cụ chiến lược của chính quyền mới!
Thành Duy
Junior editor
Con đường phía trước có thể gập ghềnh, khi thuế quan được sử dụng như một đòn bẩy đàm phán, tiềm ẩn nguy cơ gây ra những biến động ngắn hạn trên thị trường cho đến khi các bên đạt được thỏa thuận.
Mặc dù sắc lệnh hành pháp về thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump không đề cập đến việc hành động ngay lập tức, nhưng ông đã bóng gió về khả năng áp đặt mức thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada, bắt đầu từ ngày 01/02. Nếu được triển khai, mức thuế này có thể giáng một đòn nặng nề lên nền kinh tế Mexico và Canada, bởi xuất khẩu sang Mỹ chiếm lần lượt 32% và 21% GDP của hai nước.
Mặc dù vậy, trong lúc chờ đợi thêm thông tin mới, việc phân biệt giữa "chiến thuật gây áp lực" và hành động thực tế là vô cùng quan trọng. Rõ ràng chính quyền hiện tại coi thuế quan như một công cụ chiến lược để giải quyết những vấn đề rộng lớn hơn, đặc biệt là:
- Nhập cư: Số lượng người vượt biên trái phép vào Mỹ qua biên giới Mexico và các trường hợp đang chờ xử lý đã đạt mức kỷ lục lần lượt là 2.5 và 2.1 triệu vào năm 2023. Qua đó, làm gia tăng mối lo ngại về tình trạng nhập cư và hiệu quả của các biện pháp an ninh biên giới của Mexico. Ngay ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Trump đã tái khởi động chương trình "Ở lại Mexico", có tên gọi chính thức là Nghị định thư Bảo vệ người di cư (MPP). Chính sách này yêu cầu người xin tị nạn phải ở lại Mexico trong thời gian chờ xét duyệt, đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại biên giới.
- Buôn lậu ma túy: Số ca tử vong do Fentanyl, chiếm 70% tổng số ca quá liều tại Mỹ, đang gia tăng đáng báo động. Mỹ đang tích cực tìm kiếm sự hợp tác sâu rộng hơn để kiểm soát dòng chảy chất cấm xuyên biên giới.
- Thâm hụt/tranh chấp thương mại: Năm 2023, Mỹ ghi nhận thâm hụt 152 tỷ USD với Mexico và 64 tỷ USD với Canada, hai đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Mặc dù Hiệp định Mỹ – Canada – Mexico (USMCA) đã thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) từ năm 2020, nhưng những vướng mắc như việc di dời nhà máy sản xuất ô tô ra nước ngoài và các chính sách năng lượng vẫn tồn tại. Mỹ cũng quan ngại về chính sách hạn chế nhập khẩu ngô biến đổi gen của Mexico và khả năng tiếp cận thị trường sữa của Canada. Phiên đánh giá lại USMCA dự kiến diễn ra vào năm 2026 sẽ là yếu tố then chốt định hình tương lai của khối thương mại này.
- Ảnh hưởng của Trung Quốc: Đầu tư của Trung Quốc vào Mexico trong 5 năm qua được ước tính vượt quá con số báo cáo chính thức tới 7 tỷ USD, làm dấy lên những quan ngại về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mexico và Canada, đặc biệt trong các lĩnh vực như ô tô và khai khoáng.
Mexico và Canada đã dự đoán trước những leo thang này và có thể sẽ đáp trả bằng nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cả việc áp dụng thuế quan. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, cả hai quốc gia đều chọn cách phát đi tín hiệu về mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ. Mexico gần đây đã áp dụng mức thuế 19% đối với hàng nhập khẩu từ một số quốc gia, bao gồm Trung Quốc, đồng thời khởi động "Kế hoạch Mexico" nhằm thu hút đầu tư và khuyến khích sản xuất gần bờ (nearshoring). Mặt khác, Canada cam kết rót 1 tỷ USD để tuyển dụng thêm nhân viên biên phòng.
Việc áp đặt thuế quan sẽ gây thiệt hại cho cả ba bên, xét tới mối quan hệ kinh tế đan xen giữa Mỹ, Mexico và Canada. Mexico và Canada chiếm 52% tổng lượng phụ tùng ô tô nhập khẩu vào Mỹ, trong khi Canada chiếm tới 60% lượng dầu thô nhập khẩu. Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) ước tính mức thuế 25% sẽ khiến GDP của Mexico và Canada giảm lần lượt 1.7% và 1.2% trong 5 năm tới, kèm theo đó là lạm phát tăng lên mức 2.3% và 1.7%. Mặc dù GDP của Mỹ được dự báo sẽ chịu tác động ít hơn, nhưng thuế quan vẫn sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp trọng yếu như ô tô, nông nghiệp và năng lượng, gây áp lực lên giá cổ phiếu và xếp hạng tín nhiệm của các công ty phải đối mặt với chi phí nhập khẩu cao hơn. Thuế quan cũng có thể đẩy USD lên cao trong khi làm suy yếu các đồng tiền khác, bằng chứng là phản ứng của thị trường hôm thứ Hai khi đồng Peso Mexico (MXN) và Dollar Canada (CAD) đều giảm 1.5%.
Con đường phía trước dự kiến sẽ còn nhiều chông gai, khi thuế quan được sử dụng như một công cụ đàm phán, có thể dẫn đến những biến động ngắn hạn trên thị trường cho đến khi các bên đạt được thỏa thuận chung. Song, những hậu quả nặng nề nếu USMCA sụp đổ có thể sẽ ngăn cản các hành động mang tính cực đoan.
Ảnh hưởng không đồng đều của thuế quan lên Mexico, Canada và Mỹ
Biến động tăng trưởng GDP thực tế (%), so với dự báo gốc, giai đoạn 2024 – 2029. Nguồn: Viện Kinh tế Quốc tế Peterson. Warwick McKibbin, Megan Hogan và Marcus Noland. Chính quyền Trump 2.0 và những tác động tiềm tàng đến nền kinh tế toàn cầu, Báo cáo PIIE số 24-20. Dữ liệu được cập nhật đến ngày 17/01/2025.
JPMorgan