Action Forex: Đồng bạc xanh tiếp tục suy yếu trong bối cảnh thị trường ngoại hối lặng sóng. Nhận định USD/CAD, USD/CNH và bộ đôi kim loại quý
Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.
Bối cảnh chung
Tương tự các phiên giao dịch gần đây, thị trường ngoại hối hôm nay khá yên ắng. Tính đến thời điểm viết bài, USD nhìn chung vẫn suy yếu bất chấp nhiều nỗ lực phục hồi. Do vắng bóng các dữ liệu kinh tế quan trọng trong ngày, phiên giao dịch được dự báo sẽ duy trì trạng thái hiện tại đến hết tuần. Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ nhộn nhịp hơn vào ngày mai, dù có lẽ chỉ trong thời gian ngắn, với dự đoán Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tăng lãi suất và loạt dữ liệu PMI sơ bộ từ các nền kinh tế lớn được công bố.
Kinh tế Nhật Bản
Lần đầu tiên sau nửa năm, Nhật Bản đã ghi nhận thặng dư thương mại 130.9 tỷ Yên trong tháng 12, nhờ xuất khẩu tăng 2.8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 9,910 tỷ Yên. Nhập khẩu cũng tăng 1.8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 9,800 tỷ Yên. Tuy nhiên, xuất khẩu sang hai đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ lại giảm lần lượt 3.0% và 2.1% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi điều chỉnh theo mùa, xuất khẩu tăng 6.3% so với tháng trước, đạt 9,440 tỷ Yên, trong khi nhập khẩu tăng 2.2%, đạt 9,470 tỷ Yên, dẫn đến thâm hụt thương mại 33 tỷ Yên.
Tính chung cả năm 2024, thâm hụt thương mại của Nhật Bản đã thu hẹp đáng kể, giảm 44% so với năm trước, xuống còn 5,330 tỷ Yên. Xuất khẩu đạt mức kỷ lục 107,090 tỷ Yên, tăng 6.2%, nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với xe hơi và các sản phẩm liên quan đến chất bán dẫn. Nhập khẩu cũng tăng 1.8%, đạt 112,420 tỷ Yên.
USD/CAD
CAD có thể sẽ tương đối biến động khi dữ liệu doanh số bán lẻ được công bố vào tối nay. Hiện tại, thị trường đang kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps tại cuộc họp vào giữa tuần sau. Quan điểm này càng được củng cố bởi khảo sát của Reuters, với sự đồng thuận của 25/31 nhà kinh tế. Kỳ vọng chung cũng hướng tới việc BoC sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất thêm 25 bps tại cuộc họp tháng 3, và một đợt khác vào cuối năm, đưa lãi suất qua đêm xuống còn 2.50%.
Đối với USD/CAD, động lực thực sự để thoát khỏi vùng sideway hiện tại, bên cạnh những rung lắc ngắn hạn, sẽ phụ thuộc vào diễn biến của quan hệ thương mại Mỹ - Canada. Thị trường đang chờ đợi thông tin chi tiết về các mức thuế quan dự kiến được công bố vào ngày 01/02, bao gồm phạm vi áp dụng và danh sách các sản phẩm bị ảnh hưởng.
Về mặt kỹ thuật, USD/CAD tiếp tục giao dịch trong biên độ hẹp và xu hướng trong ngày nhìn chung vẫn là sideway. Dự kiến tỷ giá sẽ tiếp tục tăng, miễn là ngưỡng hỗ trợ 1.4260 được giữ vững. Nếu vượt qua mốc 1.4516, xu hướng tăng dài hạn sẽ tiếp diễn, hướng tới vùng kháng cự quan trọng 1.4667/89. Ngược lại, nếu xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 1.4260, xu hướng giảm sẽ chiếm ưu thế, hướng về EMA 55 (giá trị tại thời điểm viết bài là 1.4205), thậm chí thấp hơn.
Về dài hạn, xu hướng tăng từ 1.2005 (2021) vẫn đang tiếp diễn, hướng tới kiểm định vùng kháng cự quan trọng 1.4667/89 (đỉnh của năm 2020/2015). Việc break-out vùng này sẽ là tín hiệu xác nhận xu hướng tăng dài hạn tiếp diễn. Mục tiêu tiềm năng sau đó sẽ là ngưỡng mở rộng Fibonacci 100% (1.2401 - 1.3976 - 1.3418) tại 1.4993. Mặt khác, triển vọng trung hạn vẫn lạc quan miễn là ngưỡng hỗ trợ 1.3976 (đỉnh năm 2022) còn được giữ vững.
Đồ thị USD/CAD khung 1D
Đồ thị USD/CAD khung 4H
USD/CNH
Một diễn biến quan trọng trong tuần này là sự sụt giảm mạnh của tỷ giá USD/CNH, được xem là dấu hiệu cho thấy tâm lý thị trường đối với rủi ro thương mại toàn cầu đang dần ổn định. Về mặt kỹ thuật, một đỉnh ngắn hạn có thể hình thành tại 7.3694, ngay dưới ngưỡng kháng cự quan trọng 7.3745 (đỉnh của năm 2022). Dự kiến tỷ giá sẽ tiếp tục đi ngang trong ngắn hạn với nguy cơ điều chỉnh giảm sâu hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý mức hỗ trợ gần tương đối tin cậy là ngưỡng thoái lui Fibonacci 38.2% (6.9709 - 7.3694) tại 7.2172. Nhìn rộng hơn, xu hướng tăng vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp diễn.
Đồ thị USD/CNH khung 1D
Vàng tăng vọt khi USD suy yếu, bạc lép vế
Giá vàng đã bứt phá mốc 2,750 USD trong tuần này, chủ yếu nhờ vào sự suy yếu của đồng bạc xanh. Tâm lý thị trường nhìn chung đã dịu đi, với quyết định trì hoãn áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump giúp giảm bớt những lo ngại về thương mại. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị cũng hạ nhiệt khi lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas có hiệu lực vào đầu tuần. Liệu vàng có thể trở lại thách thức đỉnh lịch sử 2,790 USD hay không sẽ còn phụ thuộc phần lớn vào mức độ suy yếu của USD trong những ngày tới.
Về mặt kỹ thuật, nhịp hồi phục của vàng từ 2,537 USD có thể xem là sóng điều chỉnh thứ hai (b) của xu hướng giảm từ đỉnh 2,790 USD. Ngưỡng kháng cự mạnh tại vùng giá này có thể hạn chế đà tăng của vàng. Mặt khác, việc xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 2,689 USD sẽ là dấu hiệu mở đầu cho sóng điều chỉnh thứ ba (c) của mô hình, hướng về vùng hỗ trợ quanh 2,536 USD.
Trong khi đó, bạc lại thể hiện kém sắc hơn hẳn. Nhịp hồi phục của bạc từ 28.74 USD vẫn còn yếu và chỉ mang tính chất điều chỉnh. Hiện tại, miễn khi nào ngưỡng kháng cự 32.30 USD còn được giữ vững, xu hướng giảm từ 34.84 USD vẫn có thể tiếp diễn về vùng hỗ trợ quanh 26.44 USD.
Đồ thị giá vàng (XAU/USD) khung 1D
Đồ thị giá bạc (XAG/USD) khung 1D
Action Forex