Danske Bank Research: Chứng khoán nối dài đà tăng, sự thận trọng vô tình khiến nhiều nhà đầu tư "bỏ lỡ" khoản lợi nhuận không nhỏ chỉ trong ít ngày
Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.
Điểm chính
Cho đến thời điểm hiện tại, thị trường vẫn đang dõi theo sát sao nhất cử nhất động của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần đầu tiên nhậm chức. Dự kiến ông sẽ ban hành một loạt sắc lệnh hành pháp, tiếp nối đà hiện tại, khiến tin tức từ Mỹ tiếp tục phủ sóng trên khắp các phương tiện truyền thông. Cả thị trường và giới lãnh đạo trên toàn cầu cũng đang nỗ lực đánh giá và điều chỉnh theo những tác động tiềm tàng.
Về phía Eurozone, dữ liệu niềm tin người tiêu dùng tháng 1 sẽ được công bố vào tối nay. Sau xu hướng tăng trưởng liên tục trong hai năm qua, niềm tin tiêu dùng đã suy giảm trong cả tháng 11 và 12. Do tiêu dùng được dự báo là động lực tăng trưởng chính tại Eurozone trong năm nay, dữ liệu này sẽ rất đáng quan tâm.
Bên cạnh đó, dữ liệu CPI và PMI tháng 12 sẽ được công bố trước thềm cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vào sáng mai. Dữ liệu CPI Tokyo cho thấy áp lực lạm phát đã hạ nhiệt trong tháng 12. Do đó về tổng thể, nền kinh tế Nhật Bản đang trên đà phục hồi ổn định và lạm phát gần đạt mục tiêu. Dự kiến BoJ sẽ tăng lãi suất chính sách thêm 25 bps, điều này phần lớn đã được các nhà đầu tư phản ánh vào giá.
Chính quyền Trump 2.0
Tổng thống Trump đã tuyên bố với Tổng thống Nga Putin rằng Nga cần đạt được thỏa thuận tại Ukraine, nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn từ Mỹ. Đây là bình luận đầu tiên của ông về cuộc chiến tại Ukraine kể từ khi nhậm chức. Mặt khác, trước đó ông cũng đã quyết định tạm dừng hơn 300 tỷ USD tài trợ cho cơ sở hạ tầng xanh của Mỹ, đồng thời mở đường cho khoản đầu tư 500 tỷ USD từ khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI). Ngoài ra, ông tiết lộ chính quyền mới đang cân nhắc việc áp thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc và EU cũng sẽ phải đối mặt với thuế quan do thặng dư thương mại "đáng lo ngại" với Mỹ.
Chứng khoán
Chứng khoán toàn cầu nối dài chuỗi tăng sang phiên tăng thứ bảy liên tiếp vào hôm qua, với chỉ số MSCI World đạt mức cao kỷ lục mới. Điều này cần được lưu tâm bởi trước đó tồn tại nhiều lo ngại và dự đoán về sự biến động mạnh mẽ xoay quanh lễ nhậm chức của Trump. Song, trên thực tế, thị trường lại tiếp tục đà tăng một cách ổn định, và những nhà đầu tư nào giảm tỷ trọng tài sản rủi ro trước đó đã bỏ lỡ mức lợi nhuận 4%, tương đương với lợi nhuận trung bình nửa năm chỉ trong vòng bảy ngày. Đây là bài học nhắc nhở về việc không nên quá thận trọng trong việc giảm tỷ trọng tài sản rủi ro khi các chính sách kinh tế vĩ mô, vi mô và tiền tệ đang chuyển biến theo hướng có lợi, ngay cả khi các vấn đề chính trị chiếm sóng trên truyền thông.
Kết phiên hôm qua tại Mỹ, Dow Jones và Nasdaq tăng lần lượt 0.3% và 1.3%; trong khi S&P 500, Russell 2000 cùng tăng 0.6%. Cho đến đầu giờ chiều nay, thị trường chứng khoán Châu Á nhìn chung diễn biến trái chiều. Chứng khoán Trung Quốc khởi sắc sau những bình luận về việc tăng cường hỗ trợ cho thị trường, nhưng đà tăng này đã không được duy trì. Mặt khác, hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ và Châu Âu giảm nhẹ.
Ngoại hối
USD/JPY tăng trở lại trên mốc 156.00, trong bối cảnh thị trường chờ đợi quyết định lãi suất của BoJ vào ngày mai. Nhìn chung, khả năng BoJ tăng lãi suất 25 bps gần như đã được phản ánh vào giá. Do đó, USD/JPY khó có thể giảm mạnh sau cuộc họp nếu BoJ không phát đi những tín hiệu diều hâu hơn về định hướng chính sách tiền tệ trong tương lai. Ngoài ra, việc lợi suất TPCP Mỹ giảm trong những ngày gần đây đã gây áp lực tương tự lên USD/JPY do thiếu vắng các hành động chính sách tức thì từ Tổng thống Trump. Dù vậy, vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu ông có khiến thị trường thất vọng với chương trình nghị sự ban đầu hay không. Vì vậy, dự kiến lợi suất TPCP Mỹ và USD vẫn sẽ biến động tương đối khó lường trong ngắn hạn.
Danske Bank Research