Kế hoạch phát hành nợ chung của EU: Điểm sáng giữa muôn vàn khó khăn
Một thị trường trái phiếu chính phủ quốc tế đích thực của khu vực đồng tiền chung Euro có thể đang gần hơn chúng ta nghĩ. Để tài trợ cho quá trình phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, Ủy ban châu Âu sẽ trực tiếp tìm đến các thị trường trong hai năm tới với kế hoạch huy động tổng cộng 750 tỷ Euro. Điều này mang lại cho các nhà đầu tư tổ chức một khoản chứng khoán nợ dài hạn khổng lồ và có xếp hạng AAA, giúp thúc đẩy thị trường vốn châu Âu và đồng Euro.
Các tranh cãi về việc tạo ra một loại tài sản an toàn chung của châu Âu, hay còn gọi là eurobonds, đã gây bất bình trong ít nhất một thập kỷ. Không giống như ở Mỹ, nơi mà nhà nước liên bang làm trụ cột cho một thị trường trái phiếu chính phủ rộng lớn, các quốc gia khu vực Eurozone không có ngân khố chung và vì thế phải phát hành nợ riêng rẽ.
Điều đó cũng có nghĩa là họ có các xếp hạng tín dụng khác nhau và do đó xác định mức độ an toàn khác nhau, với chỉ 2 quốc gia là Đức và Hà Lan có được xếp hạng AAA. Nhiều đề xuất phức tạp đã được đưa ra trước đây để ổn định thị trường trái phiếu chính phủ đồng euro, chẳng hạn như “trái phiếu xanh-đỏ”, trong đó một phần sẽ trở thành trái phiếu chung của khu vực, hoặc chứng khoán được bảo đảm bằng trái phiếu chính phủ quốc tế với các nhánh cấp cao và cấp thấp (senior và junior tranches). Nhưng tất cả các dự án đó đều có cấu trúc tài chính quá phức tạp ở đằng sau và ít được các nhà đầu tư quan tâm.
Tuy nhiên, thảm họa bất ngờ COVID-19 đã thay đổi suy nghĩ của thế giới, và để ứng phó với tình hình kinh tế chưa từng có tiền lệ, Ủy ban châu Âu hiện có thể vay trực tiếp trên thị trường, theo Điều 122 của Hiệp ước EU. Cơ sở pháp lý này đã được áp dụng cho chương trình hỗ trợ việc làm tạm thời vào hồi tháng 5, cho phép EU huy động thành công 100 tỷ Euro để hỗ trợ cho các chương trình quốc gia. Nó tạo ra một khoản nợ tiềm tàng (Contingent liability) - một loại nợ có thể được ghi nhận tùy thuộc vào kết quả của một sự kiện không chắc chắn trong tương lai - cho EU27 dựa trên sự bảo đảm của các quốc gia thành viên, công bằng phù hợp với tỷ lệ đóng góp của họ trong tổng thu nhập quốc dân toàn khu vực. Nền tảng tương tự bây giờ sẽ được áp dụng cho quỹ phục hồi kinh tế 750 tỷ euro cho ngân sách trong 7 năm tới của EU.
Trái phiếu hồi phục kinh tế được phát hành bởi Ủy ban, nếu được các nhà lãnh đạo châu Âu chấp thuận vào ngày 17-18/07 tới, sẽ đại diện cho một sự thay đổi to lớn trong nền tài chính châu Âu. Thời gian đáo hạn sẽ kéo dài đến năm 2058, tức là khoảng 30 năm, với khoản đạo hạn đầu tiên chỉ diễn ra vào năm 2028. Cùng với khoản vay 500 tỷ Euro từ Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, Cơ chế Ổn định Châu Âu (ESM) và các đơn vị khác, chương trình mới này sẽ tạo ra ít nhất 1.4 triệu euro tài sản thực sự của châu Âu xếp hạng AAA.
Từ năm 2007 đến 2019, nhu cầu vay của các chính phủ thuộc khu vực đồng Euro đã tăng mạnh mẽ và dư nợ chung của chính phủ đã tăng 69% trên danh nghĩa, từ 4.9 lên tới 8.3 nghìn tỷ euro. Tính đến tháng 4 năm 2020, gần sát với cuộc khủng hoảng Covid-19, tổng lượng dư nợ chứng khoán chính phủ đã ở mức 8.5 triệu euro, với bốn quốc gia - Pháp, Ý, Đức và Tây Ban Nha - chiếm gần 80% trong số đó.
Mặc dù tới 75% các trái phiếu chính phủ này được xếp loại A trở lên, chỉ 23% là xếp hạng AAA. Trong khi đó, khoản nợ phát hành mới của các chính phủ khu vực đồng euro dự kiến sẽ tăng cao hơn mức 2.3 nghìn tỷ Euro của năm 2019. Vào cuối tháng 4 năm nay, nó đã ở mức 1.1 nghìn tỷ Euro.
Tài chính công đã phải đẩy mạnh hơn bao giờ hết để đối phó với đại dịch. Nhưng điều này cũng đem đến một cơ hội để phát hành nợ như một tài sản an toàn mới của châu Âu. Để thực sự củng cố vị thế tài chính của EU, ứng phó với tình hình địa chính trị hiện tại và gia tăng sức mạnh kiểm soát của châu Âu, sự phát triển như vậy là rất cần thiết. Nghĩa vụ nợ dài hạn của EU cũng tạo ra nhiều kỳ vọng cho giai đoạn sắp tới – nguồn doanh thu mới chẳng hạn.
Một thị trường trái phiếu niêm yết bằng đồng euro lớn hơn còn cho phép đường cong lợi suất trở nên hoàn thiện hơn với các kỳ hạn đa dạng, có thể đóng vai trò làm tham chiếu cho các tổ chức phát hành khác và cho các thị trường phái sinh. Nó cũng sẽ tạo ra một thị trường thanh khoản dồi dào hơn, giảm chênh lệch lợi suất và chi phí phát hành cho các nước nhỏ hơn thuộc EU. Điều này sẽ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, và đồng thời gia tăng vị thế đồng euro như một loại tiền tệ toàn cầu.
Từ góc độ thận trọng, một lợi thế nữa của trái phiếu euro là một loại tài sản lớn hơn ở châu Âu xuất hiện để các tổ chức tài chính đầu tư vào, không liên kết cụ thể với bất kỳ một quốc gia nào. Điều này làm giảm cái gọi là “doom loop” – các chính phủ chịu rủi ro từ các ngân hàng và các ngân hàng cũng chịu rủi ro khi nắm giữ trái phiếu chính phủ trong danh mục – và giảm thiểu sự phụ thuộc của các ngân hàng vào mức xếp hạng chính phủ cấp cho họ ảnh hưởng đối với chi phí vốn, đây là một yếu tố gây chia rẽ trong thị trường ngân hàng châu Âu.
Nó cũng giảm bớt các cuộc tranh luận đau đầu về những hạn chế liên quan đến việc mở trạng thái quá lớn đối với rủi ro chính phủ và việc đưa ra tỷ trọng rủi ro cho các loại trái phiếu chính phủ. Đó là bởi vì các tổ chức tài chính sẽ tự động phân phối lại tài sản của họ qua các trái phiếu mới này và do đó danh mục đầu tư sẽ trở nên cân bằng hơn.
Vấn đề sau đó có thể bàn tới tiếp theo là thống nhất việc phát phát hành trái phiếu chính phủ và các quy trình thanh toán, hoặc các rào cản xuyên biên giới khác để hội nhập thị trường, và để mở rộng phạm vi của các kỳ hạn. Tất cả điều này sẽ là sự thúc đẩy lớn cho một thị trường vốn thực sự của châu Âu.