Lãi suất âm là gì?
Anh Tùng, CFA
Senior Analyst
Lãi suất thường được định nghĩa là cái giá phải trả để vay tiền.
Thoạt nhìn, lãi suất âm có vẻ như là một chính sách không được đúng logic, nếu không muốn nói là cực kỳ điên rồ. Tại sao một người cho vay sẵn sàng trả tiền cho một người nào đó để vay tiền, nhưng vẫn là người chịu rủi ro khi vỡ nợ? Tuy nhiên, chính sách này vẫn xuất hiện, bởi có những thời điểm các NHTW đã sử dụng toàn bộ các chính sách nới lỏng tiền tệ, đồng thời đẩy lãi suất về mức 0 nhưng vẫn không thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khiến họ dường như “bất lực” phải sử dụng đến biện pháp cuối cùng là lãi suất âm.
Lãi suất âm là gì?
Lãi suất thường được định nghĩa là cái giá phải trả để vay tiền. Ví dụ, lãi suất 2% mỗi năm tức là người đi vay phải trả thêm $2 mỗi năm đối với mỗi $100 tiền gốc vay. Vậy điều đó có nghĩa là gì khi chúng ta có lãi suất âm? Người đi vay có lãi thay vì bị tính lãi? Giả sử, lãi suất -2% có nghĩa là ngân hàng trả cho người vay $2 mỗi năm đối với $100 tiền gốc vay.
Lãi suất âm xảy ra khi người đi vay được nhận thêm lãi từ người cho vay. Mặc dù đây là một điều rất bất thường, tuy nhiên nó đã xảy ra trong các cuộc suy thoái kinh tế khi chính sách tiền tệ và áp lực từ thị trường đã đẩy lãi suất danh nghĩa về dưới mức 0.
Tại sao phải sử dụng lãi suất âm?
Trong khi lãi suất thực có thể âm nếu lạm phát vượt quá lãi suất danh nghĩa, thì về mặt lý thuyết, lãi suất danh nghĩa bị giới hạn bởi 0. Khi lãi suất đã về mức 0 mà nền kinh tế vẫn cần phải được kích thích hơn nữa, thì lãi suất âm là một biện pháp cuối cùng.
Lãi suất âm có thể xảy ra trong thời kỳ giảm phát. Trong thời gian này, người dân và doanh nghiệp có xu hướng tích trữ tiền thay vì tiêu tiền. Điều này có thể khiến tổng cầu giảm mạnh và khiến giá các mặt hàng giảm xuống, đồng thời tăng trưởng GDP bị đình trệ và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Để đối phó với giảm phát, thông thường, chính sách tiền tệ nới lỏng được sử dụng, các NHTW sẽ cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, khi giảm phát là quá mạnh mẽ, thậm chí việc NHTW cắt giảm lãi suất về 0 có thể vẫn chưa đủ để kích thích đi vay và cho vay. Điều này khiến NHTW phải sử dụng một biện pháp không thường thấy là đưa lãi suất về mức âm.
Nếu như NHTW không quyết liệt trong thời kỳ giảm phát, nền kinh tế có thể rơi vào vòng xoáy giảm phát. Trong thời kỳ kinh tế khắc nghiệt, người dân và doanh nghiệp có xu hướng giữ tiền mặt của họ thay vì chi tiêu trong khi họ chờ đợi nền kinh tế được cải thiện. Nhưng hành vi này có thể làm suy yếu nền kinh tế hơn nữa, vì việc nhu cầu biến mất sẽ khiến nền kinh tế bị đình trệ, và giá cả trên toàn thị trường giảm xuống (giảm phát). Điều đó lại khiến người dân có xu hướng tích trữ tiền mặt hơn nữa vì họ nghĩ rằng giá sẽ tiếp tục giảm, do đó nhu cầu lại sụt giảm, giá lại tiếp tục giảm xuống, lại khiến người dân ít tiêu tiền hơn để đợi giá giảm hơn nữa.
Các nước đã sử dụng lãi suất âm
Thụy Điển là quốc gia đầu tiên triển khai chính sách này: Vào tháng 7 năm 2009, NHTW Thụy Điển (Riksbank) đã cắt giảm lãi suất tiền gửi qua đêm xuống -0.25%. Sau đó, NHTW Châu Âu (ECB) cũng đã áp dụng chính sách này khi hạ lãi suất tiền gửi xuống -0.1% vào tháng 6/2014, và hiện nay lãi suất này được đẩy xuống mức -0.5%. Các quốc gia khác kể từ đó cũng đã đưa ra chính sách lãi suất âm, như Thụy Sĩ (-0.75%) và Nhật Bản (-0.1%). Công cụ chính sách tiền tệ này được thiết kế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua chi tiêu và đầu tư; người dân sẽ được khuyến khích chi tiêu tiền mặt hơn là cất giữ tại ngân hàng, vì sẽ phải chịu lỗ.
Tại sao họ phải thực hiện biện pháp quyết liệt này? Vào tháng 2/2015, châu Âu chứng kiến mức giảm phát 0.6%, khiến các nhà hoạch định chính sách tiền tệ lo ngại rằng châu Âu có nguy cơ rơi vào vòng xoáy giảm phát. ECB đã sử dụng công cụ lãi suất âm để ngăn điều này xảy ra.
Rủi ro của lãi suất âm
Về lý thuyết, lãi suất âm sẽ giúp kích thích hoạt động kinh tế và ngăn chặn lạm phát, nhưng các nhà hoạch định chính sách vẫn thận trọng vì chính sách này có thể phản tác dụng. Lãi suất âm có thể làm giảm lợi nhuận của ngân hàng, thậm chí dẫn đến các ngân hàng sẵn sàng cho vay ít hơn.
Cũng không có gì ngăn cản người dân rút khoản tiền gửi của họ và cất trữ trong két sắt. Hiểm họa ban đầu của lãi suất âm có thể sẽ là một cuộc tháo chạy của người dân khỏi các ngân hàng, và việc cạn kiệt tiền mặt tại các ngân hàng có thể sẽ dẫn đến lãi suất tăng trở lại – trái ngược hoàn toàn với những mục đích ban đầu của lãi suất âm.