Lãi suất - Phần 2: Các loại lãi suất điều hành của Ngân hàng Trung ương
Anh Tùng, CFA
Senior Analyst
Trong bài viết này, tôi sẽ đi sâu vào các loại lãi suất điều hành của các NHTW, cũng như cái cách công cụ chính sách tiền tệ lãi suất được vận hành.
(Xem phần 1 tại đây)
LÃI SUẤT CHO VAY CỦA NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG
Các NHTW có thể cho các ngân hàng thương mại vay bằng nhiều hình thức, ví dụ như:
Vay qua đêm
Khi các ngân hàng thương mại vay NHTW với kỳ hạn qua đêm, họ sẽ phải chịu một mức lãi suất được gọi chung là Bank rate. Các ngân hàng thương mại có thể phải thế chấp các loại giấy tờ có giá hoặc không.
Tái cấp vốn, tái chiết khấu
Đối với các kỳ hạn dài hơn, các ngân hàng thương mại sẽ được yêu cầu thế chấp các giấy tờ có giá (như trái phiếu, tín phiếu hoặc hợp đồng vay khách hàng) tại NHTW. Trong trường hợp đó, lãi suất mà các ngân hàng thương mại phải chịu được gọi là lãi suất tái chiết khấu (discount rate) hoặc lãi suất tái cấp vốn (refinancing rate), tùy thuộc vào cách định nghĩa của từng NHTW. Chẳng hạn, lãi suất tái cấp vốn ở ECB được định nghĩa là lãi suất mà các ngân hàng thương mại vay ECB trong một tuần (có đảm bảo bằng tài sản). Tương tự, Fed định nghĩa việc sử dụng giấy tờ có giá để vay từ NHTW là lãi suất tái chiết khấu.
Tại Việt Nam, tài sản cầm cố khi vay tái chiết khấu là các giấy tờ có giá như trái phiếu, tín phiếu, trong khi đối với tái cấp vốn, họ có thể cầm cố hợp đồng vay của khách hàng, do đó lãi suất tái cấp vốn tại SBV thường sẽ cao hơn lãi suất tái chiết khấu, do sự khác nhau về độ rủi ro của tài sản cầm cố.
Một chỉ số mà các ngân hàng thương mại quan tâm khi đi vay bằng hình thức này, đó là tỷ lệ vay trên giá trị tài sản cầm cố (loan-to-value ratio hay LTV), được NHTW quy định dựa trên từng loại tài sản khác nhau.
Ngoài ra một số hình thức phổ biến khác là mua trái phiếu, tín phiếu ngân hàng, hay giao dịch repo (sẽ được nói chi tiết hơn trong một bài viết khác).
LÃI SUẤT CHÍNH SÁCH
Chính vì có rất nhiều loại lãi suất trên thị trường, nên các NHTW thường thiết lập một loại lãi suất để làm tham chiếu cho các loại lãi suất khác, cũng như kiểm soát hoặc đặt ra các mục tiêu đối với lãi suất đó, được gọi là lãi suất chính sách (policy rate), hay lãi suất cơ bản. Các NHTW khác nhau quy định các loại lãi suất chính sách khác nhau, ví dụ đối với Fed là lãi suất quỹ liên bang (Federal funds rate), với ECB là lãi suất tái cấp vốn (refinancing rate).
CÔNG CỤ LÃI SUẤT CỦA NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG
Một trong những công cụ chính sách tiền tệ của NHTW đó là lãi suất. NHTW không thể trực tiếp can thiệp đến lãi suất liên ngân hàng và lãi suất của các ngân hàng thương mại, do vậy họ sẽ gián tiếp can thiệp bằng cách thay đổi lãi suất điều hành. Chẳng hạn, khi NHTW giảm lãi suất vay qua đêm, khiến các ngân hàng thương mại có thể vay được nhiều tiền hơn, làm tăng dự trữ tiền mặt trong ngân hàng thương mại. Khi đó, ngân hàng thương mại sẽ giảm lãi suất cho vay khách hàng xuống để khách hàng có thể tiếp cận được nhiều khoản vay hơn, làm tăng lợi nhuận cho ngân hàng (lưu ý rằng các ngân hàng thương mại không muốn nắm giữ quá nhiều tiền trong hệ thống, vì sẽ phải chịu nhiều chi phí cơ hội). Cùng với đó, lãi suất liên ngân hàng cũng sẽ được điều chỉnh giảm (nếu không các ngân hàng thương mại sẽ lựa chọn đi vay NHTW vì có lãi suất thấp hơn).
Trong mỗi cuộc họp chính sách tiền tệ, NHTW thường có những quyết định liên quan đến từng loại lãi suất, cụ thể:
- Trực tiếp thay đổi lãi suất điều hành: lãi suất tiền gửi và cho vay NHTW.
- Đặt ra mục tiêu lãi suất liên ngân hàng.
- Đặt ra mục tiêu hoặc áp trần, sàn lãi suất của các ngân hàng thương mại.