Làn sóng Covid-19 mới đe dọa đà phục hồi của châu Âu
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Vài tuần gần đây, châu Âu trải qua đợt Covid-19 thứ 4, kéo theo tắc nghẽn chuỗi cung ứng, tăng giá năng lượng và mối lo lạm phát.
Đà phục hồi kinh tế mong manh của châu Âu bị đe dọa bởi làn sóng bùng phát dịch lần thứ tư đang hoành hành khắp châu lục. Các chính phủ áp đặt hạn chế ngày càng nghiêm ngặt. Du lịch không được khuyến khích. Các trung tâm mua sắm, quán bar, nhà hàng và khu trượt tuyết nghỉ dưỡng cũng phải giảm lượng khách.
Áo áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt nhất, bắt buộc tiêm phòng và đóng cửa nhiều hoạt động trên toàn quốc từ thứ Hai (22/11). Ở Bỉ, người có hộ chiếu vaccine đến từ Pháp và Thụy Sĩ sẽ phải làm việc tại nhà 4 ngày mỗi tuần.
"Chúng ta đang tiến đến một mùa đông khó khăn. Đại dịch dường như đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ ban đầu", Stefan Kooths, Giám đốc nghiên cứu của Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức) đánh giá.
Các đợt đóng cửa đầu đại dịch năm ngoái đã khiến GDP châu Âu giảm gần 15%. Được sự hỗ trợ của chính phủ, hầu hết quốc gia đã xoay sở để phục hồi sau khi vaccine được phủ rộng, tỷ lệ lây nhiễm giảm và các hạn chế được nới lỏng.
Hồi tháng 9, các nhà kinh tế lạc quan tuyên bố rằng châu Âu đã đến bước ngoặt. Nhưng những tuần gần đây, các mối đe dọa với đà phục hồi đã quay lại, với việc tái bùng phát dịch dẫn đến tắc nghẽn chuỗi cung ứng, tăng giá năng lượng và lạm phát. Tiêm chủng được kỳ vọng sẽ giúp mọi người có thể tiếp tục tự do mua sắm, ăn uống và du lịch.
Nhưng giờ một số chính phủ phải ban bố các hạn chế cứng rắn hơn. Nguyên nhân là một biến thể rất dễ lây lan và phong trào chống đeo khẩu trang đã khiến virus tái bùng phát ở một số khu vực. "Tỷ lệ tiêm chủng càng thấp thì triển vọng kinh tế càng ảm đạm trong mùa đông năm nay", Kooths nói.
Khoảng hai phần ba dân số châu Âu đã được tiêm phòng, nhưng tỷ lệ này rất khác nhau giữa các quốc gia. Chẳng hạn, chỉ một phần tư dân số ở Bulgaria đã tiêm vaccine, so với 81% ở Bồ Đào Nha, theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu.
Trước khi bị yêu cầu đóng cửa, các cửa hàng ở Áo đã mất 25% doanh thu trong tháng 11 so với cùng kỳ năm 2019, theo Hiệp hội Thương mại Bán lẻ của nước này. Hiệp hội khách sạn Áo (Ö.H.V.) thì cho biết, tuần trước khi phong tỏa, các khách sạn vẫn ảm đạm. Cứ hai đơn đặt phòng thì có một bị hủy.
Tuy nhiên, triển vọng tổng thể không quá khó khăn như năm ngoái. Dù một số nhà phân tích đã bỏ dự báo cho tháng 10, 11 và 12, tăng trưởng năm nay vẫn được kỳ vọng tích cực, dao động quanh mốc 5%. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm. Ở một số khu vực, các doanh nghiệp thậm chí phàn nàn về tình trạng thiếu lao động.
Quyết định phong tỏa 3 tuần của Áo bao gồm: đóng tất cả các cửa hàng ngoại trừ những nơi cung cấp nhu yếu phẩm, chỉ cho nhà hàng bán mang đi và yêu cầu mọi người phải ở nhà ngoại trừ các hoạt động thiết yếu.
Tuy nhiên, không phải nước nào cũng làm vậy. Pháp và Anh tuần trước đã phát tín hiệu rằng họ không có kế hoạch tái phong tỏa. "Chúng tôi không có ý định đó", Bộ trưởng Y tế Anh cho biết hôm 21/11. Thậm chí, ông hy vọng mọi người có thể "cùng nhau chờ đón Giáng sinh".
Claus Vistesen - kinh tế trưởng khu vực đồng euro tại Pantheon Economics, nói rằng mặc dù các hạn chế có tác động lớn và tức thì đối với nền kinh tế, việc phong tỏa có giới hạn và không liên tục ít có khả năng gây ra ảnh hưởng lớn trong tăng trưởng tổng thể.
Theo ông, tỷ lệ lây nhiễm gia tăng cũng sẽ kéo theo một chút lo ngại về lạm phát trong tương lai gần. Với các doanh nghiệp và khu vực riêng lẻ, những hạn chế hiện tại có thể gây thiệt hại.
Những tuần trước Giáng sinh là một trong những ngày mua sắm quan trọng nhất ở Áo và Đức. Mọi người tập trung tại các chợ ngoài trời để ăn uống và mua quà. Các khu chợ mùa lễ hội, thường mở cửa từ cuối tháng 11 đến ngày 24/12, cũng là điểm thu hút khách du lịch quan trọng và tạo ra doanh thu lớn, thông qua việc đặt phòng khách sạn và các sự kiện văn hóa khác.
Năm ngoái, nhiều chợ đã đóng cửa hoàn toàn nên người bán, người mua đều trông đợi vào năm nay. Ở Vienna, chợ trên đường Maria Theresien Platz đã mở giữa tuần trước. Nhưng các sạp hàng đã buộc phải đóng cửa chỉ sau bốn ngày.
Maria Kissova muốn bán khăn trải bàn, vỏ gối và đồ trang trí bằng ren mà cô mang đến từ Slovakia. Năm nay là lần đầu tiên cô đến Vienna - một chuyến đi đòi hỏi nhiều tháng lên kế hoạch và thủ tục giấy tờ. Với việc phong tỏa, cô phải đối mặt với viễn cảnh chỉ được kinh doanh trong vài ngày, nếu chợ mở cửa trở lại giữa tháng 12. "Thật là một cú sốc", Maria nói khi hay tin đóng chợ. Cô cho rằng còn quá sớm để tính toán tổn thất. "Chúng tôi đành phải chấp nhận", cô nói.
Czech và Slovakia cũng đã áp đặt các hạn chế mới. Ở Đức, một số bang đã áp dụng chính sách phong tỏa một phần từ 24/11. Người chưa tiêm chủng sẽ được yêu cầu xét nghiệm âm tính trước khi bắt đầu làm việc.
Hiện tại, việc đóng cửa toàn quốc ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, khó có thể xảy ra. Carl B. Weinberg - kinh tế trưởng tại High Frequency Economics, cảnh báo rằng nếu làm vậy, toàn bộ châu Âu sẽ đi xuống. "Nếu nước Đức phong tỏa, châu Âu sẽ suy thoái kinh tế trở lại", ông nói.
Tại Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu, Tổng thống Emmanuel Macron không muốn đảo ngược thành quả kinh tế khi một cuộc bầu cử lớn sẽ diễn ra vào tháng 4. Bất chấp cảnh báo của các chuyên gia y tế rằng một làn sóng bùng phát đang tấn công Pháp "với tốc độ nhanh như chớp", ông Macron tuần trước cho biết sẽ không đóng nền kinh tế một lần nữa.
Gần 70% dân số Pháp đã được tiêm hai mũi và nước này đã áp dụng thông hành y tế. Họ yêu cầu mọi người phải xuất trình bằng chứng đã tiêm phòng để đi tàu hỏa, máy bay và vào các nhà hàng, rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm lớn.
Chính phủ sẽ cho tiêm một liều tăng cường với những người từ 65 tuổi trở lên. Hội đồng Phòng thủ Y tế Pháp sẽ họp với ông Macron để thảo luận về các lựa chọn khác nhằm làm chậm sự lây lan của virus. Một phát ngôn viên của chính phủ cho biết có thể đưa ra "sức ép hạn chế đối với những người không được tiêm chủng hơn là những người đã được tiêm".
Link gốc tại đây.
Theo VnExpress