Liệu các NHTW có thể xoay sở thành công giữa các mục tiêu của mình?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Sự rối loạn trong chính sách điều hành của các NHTW vừa qua đang khiến mâu thuẫn giữa các mục tiêu điều hành ngày càng trở nên rõ ràng hơn
Thị trường đã chứng kiến sự khó lường trong điều hành chính sách của các NHTW lớn trong thời gian gần đây. Chỉ 1 tuần trước, Fed được kỳ vọng sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm, ECB vừa thông báo sẽ chấm dứt chương trình mua tài sản của mình. Tuy nhiên sau đó, Fed đã quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm trong phiên họp tháng 6, ECB đã có một phiên họp chính sách bất thường.
Sự rối loạn trong chính sách điều hành của các NHTW đã xảy ra cùng lúc với tình trạng băn khoăn của các nhà đầu tư trên thị trường tài chính. Chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc khi giảm tới gần 20% từ mức đỉnh hồi tháng 1. Thị trường tiền điện tử cũng chứng kiến sự sụp đổ. Chênh lệch lợi suất TPCP 10 năm giữa Đức và Italia cũng tăng vượt mức 2.4% trước phiên họp của ECB. Các trader trong trạng thái sẵn sàng trừng phạt các đồng tiền như Yên Nhật và Bảng Anh khi các NHTW nước này không thể bắt kịp tốc độ thắt chặt của Fed.
Sự hỗn loạn trên đang ngày một chỉ ra sự mâu thuẫn trong mục tiêu điều hành của các NHTW. Fed cam kết sẽ đối phó với tình trạng lạm phát nhưng vẫn miễn cưỡng thừa nhận rằng điều này có thể sẽ gây ra một cuộc suy thoái mới. Về nguyên tắc, để các NHTW có thể đối phó với lạm phát sẽ cần tiếp tục tăng lãi suất cao hơn nữa. Sự chần chừ của Fed trong vòng 1 năm qua đã làm trầm trọng hơn sự mâu thuẫn giữa 2 mục tiêu của cơ quan này là ổn định giá cả và giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.
Tình hình đối với ECB thậm chí còn nan giải hơn rất nhiều. Hiệu ứng phụ của việc thu hẹp chính sách tiền tệ đồng nghĩa sẽ gây áp lực lên các quốc gia đang vay nợ. Tình hình tài khóa của các chính phủ sẽ chịu tác động tiêu cực bởi xu hướng tăng của lãi suất và sự thiếu hụt nhu cầu đầu tư TPCP. Nếu không có sự can thiệp, mức nợ trên 150% GDP của Italia hiện tại có thể sẽ bị lung lay. ECB nói rằng sẽ không cho phép những rủi ro này làm ảnh hưởng tới tính thống nhất của đồng tiền chung. Tuy nhiên, cơ quan này cũng không thể hy sinh mục tiêu lạm phát để giải quyết vấn đề về nợ công.
NHTW Nhật Bản cũng đang phải đánh đổi lây mục tiêu kinh tế thay vì chính trị. Sự suy yếu của đồng Yên có thể giúp nâng lạm phát của Nhật Bản về mức mục tiêu 2%, sau khi đã duy trì ở dưới mức này trong khoảng thời gian rất dài. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đó là chi phí nhập khẩu tăng sẽ tác động tiêu cực tới cuộc sống của người dân và sẽ gây ra sự chú ý từ chính phủ. Vào đầu tháng này, thống đốc NHTW Nhật Bản Kuroda đã phải xin lỗi vì đã nói rằng các hộ gia đình Nhật Bản đang dần chấp nhận xu hướng tăng của giá cả.
Trong môi trường hiện tại, các nguyên tắc điều hành của các NHTW được sử dụng trong giai đoạn những năm 2010 đang không còn chính xác. Chúng được xây dựng trong bối cảnh lạm phát toàn cầu ở mức thấp và được hạn chế tối đa nỗi lo sợ của việc tăng lãi suất. Sự xoay trục trong chính sách là rất hiếm bởi các nhà làm luật không muốn làm bất ngờ thị trường. Trong khi ở bối cảnh hiện tại, các nguyên tắc trên sẽ làm cho các NHTW trở nên chậm chạp hơn trong điều hành chính sách. Việc tồn tại những sự mâu thuẫn trong mục tiêu điều hành khiến cho chặng đường phía trước của các NHTW càng trở nên khó dự đoán hơn và buộc các cơ quan này tiếp tục phải xoay sở một cách nhanh nhẹn hơn nữa.
The Economist