Liệu trái phiếu có còn đáng để nắm giữ trong thời gian tới?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Xu hướng tăng lên của lãi suất có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tỷ suất lợi nhuận của trái phiếu trong tương lai
Trong khoảng hơn 4 thập kỷ trở lại đây, việc nắm giữ trái phiếu đã trở thành một chiến lược tuyệt vời. Trong môi trường lạm phát và lãi suất có xu hướng đi xuống, giá của hầu hết tất cả các loại trái phiếu đều đã được hưởng lợi. Theo dữ liệu từ Deutsche Bank, trái phiếu chính phủ Mỹ đã có đạt mức tỷ suất lợi nhuận thực dương trong 40 năm qua.
Loại tài sản này cũng rất hữu ích trong việc giữ sự ổn định cho các danh mục đầu tư. Nếu như chỉ nắm giữ cổ phiếu trong danh mục của mình kể từ năm 1970 đến nay, chắc hẳn bạn đã phải trải qua một vài cú sốc lớn nếu so với việc phân bổ giữa cổ phiếu và trái phiếu theo tỷ lệ 60/40. Điều này đặc biệt đúng trong các giai đoạn sụp đổ của thị trường chứng khoán như tháng 3/2000 hay cuộc khủng hoảng 2008-2009.
Tuy vậy, mọi chuyện có thể sẽ không còn suôn sẻ đối với trái phiếu trong thời gian tới. Xu hướng tăng trở lại của lãi suất sẽ khiến giá trái phiếu suy giảm và qua đó tác động tới giá trị của các khoản đầu tư. Cùng với đó, mối lo về lạm phát dường như đang trở lại trên phạm vi toàn cầu, bất chấp việc các NHTW vẫn tiếp tục khẳng định đây chỉ là hiện tượng tạm thời và không phải hệ quả của chính sách tiền tệ nới lỏng. Còn nhớ vào cuộc khủng hoảng gần nhất, tác động của các gói QE đã được cân bằng một cách hiệu quả khi hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng đóng băng. Tuy vậy, tình hình hiện tại là hoàn toàn trái ngược và điều này gợi ý cho việc lãi suất có nhiều khả năng tăng hơn là giảm trong tương lai. Và kể cả trong trường hợp lãi suất không tăng trở lại, dư địa để tiếp tục giảm thêm cũng gần như không còn, trừ khi có một cú sốc mới đối với thị trường tài chính toàn cầu.
Kịch bản đi ngang hay giảm giá của giá trái phiếu có thể khó tin sau một chu kỳ tăng giá kéo dài 40 năm, tuy vậy điều này không phải là chưa từng xảy ra trong quá khứ. Theo dữ liệu từ Deutsche Bank, trái phiếu từng có tỷ suất lợi nhuận thực âm trong 6/12 thập kỷ kể từ năm 1900. Câu hỏi được đặt ra lúc này đó là nếu việc nắm giữ trái phiếu nhiều khả năng sẽ mang lại tỷ suất lợi nhuận âm trong tương lai, vậy tại sao các nhà quản lý quỹ vẫn thực hiện điều này?
Câu trả lời một phần có thể do thói quen. Những người tham gia thị trường tài chính thường rất xuất sắc trong việc ngoại suy. Do đó, nếu một danh mục cổ phiếu và trái phiếu với tỷ lệ 60/40 hoạt động hiệu quả trong quá khứ, phần lớn các nhà quản lý quỹ sẽ cho rằng nó sẽ tiếp tục thành công trong tương lai và các hệ thống giao dịch sẽ tiếp tục hoạt động dựa trên giả định rằng một danh mục với tỷ lệ 60/40 sẽ đạt được sự cân bằng và có rủi ro thấp.
Bên cạnh lý do trên, một nguyên nhân khác đến từ các quy định nghiêm ngặt đối với các quỹ nhằm buộc phải mua các khoản nợ của chính phủ. Điều này cũng có thể hiểu được trong tình hình hiện tại khi nợ chính phủ đang ngày một chồng chất. Do đó, câu trả lời từ các nhà quản lý quỹ cho câu hỏi "Tại sao lại mua trái phiếu trong thời gian tới?" có lẽ sẽ là "vì tôi buộc phải làm vậy theo quy định" bất chấp viễn cảnh đã được cảnh báo trước đối với tài sản này.
Financial Times