Những điều cần biết về các quỹ ETF vàng (P1)
Uông Quang
Manager, Technical Analyst
Đây sẽ là một chuỗi bài viết tương đối dài, nhưng đầy đủ và toàn diện nhất về một trong những tay to máu mặt trên thị trường vàng – các quỹ ETF.
Giới thiệu
Các công cụ đầu tư giao dịch hoán đổi dựa trên cơ sở bằng vàng vật chất đề cập đến một nhóm các quỹ tín thác, là các quỹ hoặc pháp nhân nắm giữ vàng miếng cùng với một sự giám sát, sau đó phát hành chứng khoán, hoặc chứng nhận quyền sở hữu đối với số vàng đó. Những chứng khoán này được chào bán và tiếp thị như một sự thay thế cho quyền sở hữu trực tiếp vàng miếng. Những sản phẩm này đang ngày càng phổ biến trong 10 năm qua.
Có một số sản phẩm như vậy bao gồm Chứng chỉ quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) và Chứng chỉ giao dịch hoán đổi (ETC). Các loại sản phẩm này hiện chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng giá trị đầu tư vào vàng. Ngoài các tổ chức rất lớn và nổi tiếng như SPDR Gold Trust (GLD) và iShares Gold Trust (IAU), còn có một số sản phẩm tương tự khác từ các nhà phát hành như ETF Sercurities, Source ETFs và Xetra-Gold. Tại thời điểm viết bài này được thực hiện, GLD đang nắm giữ gần 900 tấn vàng, ETF Securities nắm giữ hơn 300 tấn, quỹ ETF vàng iShares nắm giữ khoảng 275 tấn vàng và Xetra-Gold nắm giữ 110 tấn. Do đó, tổng lượng vàng dự trữ của các quỹ ETF hiện nay chỉ đứng sau dự trữ vàng của FED. Bạn có thể tìm hiểu thêm về toàn bộ các thành phần đang tham gia giao dịch trên thị trường vàng trong một bài viết khác của tôi tại đây.
Không có hoạt động giao nhận và sở hữu vàng vật chất
Mục tiêu chính của tất cả các sản phẩm này là cung cấp cho chủ sở hữu chứng khoán khả năng giao dịch dựa trên biến động của giá vàng chứ không phải vàng vật chất trong thực tế. Mặc dù các chứng khoán này dựa trên hàng hóa cơ sở là vàng, nhưng chúng không cho người sở hữu quyền sử dụng vàng vật chất. Các thanh vàng được giữ làm cơ sở các sản phẩm này thường là những thanh vàng có trọng lượng thay đổi lớn, được gọi là London Good Delivery, có trọng lượng từ 350 đến 430 ounce.
Tuy nhiên, vẫn có một số ngoại lệ, ví dụ như Xetra-Gold cung cấp một lựa chọn đường vòng cho người nắm giữ, bằng cách chuyển đổi chứng khoán của họ thành vàng vật chất nếu họ muốn. Xetra-Gold giữ một lượng vàng bổ sung chưa phân bổ cho mục đích chuyển đổi, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối vàng vật chất. Công ty giữ một lượng vàng giới hạn trên tài khoản chưa phân bổ với Umicore AG - nhà tinh chế và tái chế kim loại có trụ sở chính của Bỉ. Điều này có thể được hiểu như một loại tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương tự như ngân hàng.
Rủi ro đối tác
Một đặc điểm chung khác của các ETF vàng và các sản phẩm tương tự là chúng đều có cấu trúc khá phức tạp, bản cáo bạch dài chứa nhiều cảnh báo rủi ro và rất nhiều thành phần tham gia. Những thành phần đó bao gồm những người được ủy thác, người giám sát, đại lý tiếp thị, người tham gia được ủy quyền (AP), tổ chức phát hành và nhà tạo lập thị trường, điều này đồng nghĩa với việc rủi ro đối tác là rất lớn. Một nhà đầu tư cá nhân nói chung sẽ cần một tài khoản môi giới để nắm giữ và giao dịch các ETF và chứng khoán này, đây cũng là một loại rủi ro đối tác khác.
Chứng chỉ ETF vàng là các chứng khoán nợ có bảo đảm, không xác định thời hạn, có giới hạn truy đòi được niêm yết trên các sàn giao dịch như Sở giao dịch chứng khoán London. Trong trường hợp thị trường tài chính khủng hoảng nghiêm trọng, không nên bỏ qua cấu trúc phức tạp của các sản phẩm này và các kịch bản rủi ro đối tác phức tạp tiềm ẩn có thể phát sinh.
(Còn tiếp)