Petrodollar muôn năm!
Nguyễn Phương Anh
Junior Analyst
Ta có thể định giá dầu bằng bất cứ thứ gì, trừ đồng USD, (lại) là một nhận định vĩ cuồng.
“Hoàng đế" Petrodollar đã băng hà trong tháng này. Trong 2 tuần qua, số lượt tìm kiếm trên Google về từ khoá “petrodollar" đã tăng vọt lên mức kỷ lục, và các bài đăng đều đề cập tới việc Ả Rập Saudi từ bỏ USD đã lan truyền khắp các phòng giao dịch hàng hoá và tiền tệ. Rõ ràng, một sự kiện mang tính lịch sử đã chấm dứt quyền bá chủ kinh tế của Hoa Kỳ.
Tưởng chừng là những biến động mang tính thời đại, nhưng tất cả đều là những “cú lừa".
“Petrodollar" - Từ khoá thịnh hành
Số lượng tìm kiếm trên Google cho từ khoá “Petrodollar" đã bùng nổ trong 2 tuần qua, khi thế giới blog tài chính đang đổ dồn sự chú ý về cái chết của nó.
Nguồn: Google Trends
Lưu ý: Các con số thể hiện mức độ quan tâm tìm kiếm so với điểm cao nhất trên biểu đồ trong khu vực và thời gian nhất định. Giá trị 100 là mức độ phổ biến cao nhất của từ khoá này.
Trong vài ngày qua, tôi đã cố gắng không tham gia vào các cuộc thảo luận về chủ đề này. Sẽ là tốn công vô ích nếu chúng ta cố gắng cãi nhau với các nhà đầu cơ crypto, những “con bọ vàng", những kẻ theo thuyết âm mưu, và những tài khoản ảo từ Nga trên các trang mạng xã hội. Bất kỳ ai hỏi ý kiến của tôi, tôi vẫn kiên định cho rằng dầu vẫn sẽ được định giá bằng đồng USD - sẽ không có chuyện đồng Nhân dân Tệ có thể soán ngôi.
Tôi đã hy vọng rằng thực tế sẽ nhanh chóng chứng minh cho quan điểm của tôi: Rốt cuộc, Ả Rập Saudi vẫn đang bán dầu bằng đồng USD hơn 2 tuần sau khi đồng Petrodollar được cho là đã chết. Nhưng tôi đã lầm. Ngay cả trong các phòng giao dịch ở Phố Wall và các nhà bình luận tài chính vẫn tiếp tục lan truyền thông tin sai sự thật này.
Vì vậy, tôi muốn chia sẻ thêm về những gì đã thực sự xảy ra và không xảy ra.
Đầu tiên, cách đây vài tuần, một số bài đăng trên mạng xã hội đã đánh dấu kỷ niệm 50 năm kể từ ngày diễn ra cuộc gặp giữa các quan chức Hoa Kỳ và Ả Rập Saudi tại Washington vào ngày 8/6/1974, dẫn tới việc thành lập Uỷ ban Liên kết Kinh tế Hoa Kỳ - Ả Rập Saudi. Mọi người tin rằng đây là sự kiện ra đời của Petrodollar, ngày mà Washington và Riyadh đạt được thoả thuận bí mật để liên kết vàng đen và đồng bạc xanh.
Nhưng mọi thứ đã không diễn ra như mọi người nghĩ. Trên thực tế, Ả Rập Saudi đã bán dầu của mình bằng các loại tiền tệ khác, bao gồm cả đồng bảng Anh, cho đến cuối năm 1974, khi quốc gia này quyết định - hoặc có thể là do Hoa Kỳ khuyến khích - sử dụng độc quyền đồng USD. Thậm chí, vào thời điểm bấy giờ, đôi khi Ả Rập Saudi đã chấp nhận thanh toán không bằng USD cho dầu mỏ của họ, bao gồm cả máy bay chiến đấu của Anh thông qua thoả thuận đổi dầu lấy vũ khí gây tranh cãi Al-Yamamah vào những năm 1980 và 1990. Vì London là bên bán nên giá của những chiếc máy bay được tính bằng đồng bảng Anh.
Điều mà người Saudi và người Mỹ đã đồng ý cách đây 50 năm là chuyển nguồn tài sản mới có được của vương quốc này, sau khi giá dầu tăng vọt sau cuộc khủng hoảng năng lượng đầu tiên, vào thị trường kho bạc Hoa Kỳ.
Trong phiên bản ban đầu của câu chuyện này, “Petrodollar” được sử dụng để ám chỉ việc tái đầu tư tiền bán dầu, thay vì để chỉ loại tiền tệ được định giá và ghi trên hoá đơn. Ả Rập Saudi đổ tiền vào các khoản nợ chính phủ của Mỹ, giúp Washington tài trợ cho các khoản thâm hụt của mình, và đổi lại, Mỹ phải giữ bí mật về các giao dịch tài chính và an ninh quân đội.
Cách đây 50 năm, người Ả Rập Saudi có rất nhiều tiền, nhưng lại không có khả năng tiêu thụ trong nước. Năm 1974, thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trị giá hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội, phản ánh trong Petrodollar. Mỹ không được hưởng lợi vì Ả Rập Saudi định giá dầu của mình bằng USD, và vì quốc gia này đã tái sử dụng số tiền đó vào thị trường nợ của Mỹ. Kết quả tự nhiên của những dòng chảy đó là đồng USD mạnh hơn.
Theo nghĩa đó, Petrodollar thực chất đã “chết" từ rất lâu trước đây - mà không ai nhận ra. Có lẽ, nó đã không còn ảnh hưởng rõ rệt đến thị trường tài chính toàn cầu từ cách đây 30 năm, thậm chí là hơn. Ngay cả trong thời kỳ giá cả tăng vọt từ năm 2003 đến năm 2008, giá trị của đồng USD được tái sử dụng thành các công cụ nợ của Mỹ vẫn rất hạn chế, vì các quốc gia OPEC có khả năng - và cần - sử dụng tài sản của mình trong nước, chi tiêu vào việc nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ.
Ngày nay, Ả Rập Saudi không còn thừa tiền để mà quay vòng vốn. Thay vào đó, quốc gia này đang vay mượn rất nhiều trên thị trường nợ chính phủ và bán tài sản, bao gồm cả một phần công ty dầu mỏ quốc gia, để tài trợ cho các kế hoạch kinh tế vĩ mô của mình. Đúng là Riyadh vẫn nắm giữ lượng dự trữ ngoại tệ đáng kể, một số trong số đó được đầu tư vào Kho bạc Hoa Kỳ. Tuy nhiên, giờ đây, Trung Quốc và Nhật Bản đã có lượng tiền nhiều hơn đáng kể trên thị trường nợ của Mỹ so với Ả Rập Saudi.
Người Ả Rập Saudi không có Petrodollar
Ả Rập Saudi đã chứng kiến thặng dư tài khoản vãng lai của mình giảm từ mức cao nhất mọi thời đại là 50% GDP vào năm 1974, khi đồng Petrodollar ra đời.
Nguồn: IMF, World Bank
Theo IMF, từ mức đỉnh 50% GDP, thặng dư tài khoản vãng lai của Ả Rập Saudi sẽ thu hẹp xuống chỉ còn 0.5% trong năm nay, trước khi chuyển sang thâm hụt ngay sau năm 2025 và cho tới hết thập kỷ này. Nếu điều này trở thành sự thật, đây sẽ là khoản thâm hụt tài khoản vãng lai dài nhất đối với vương quốc này kể từ khi Riyadh tràn ngập thị trường vào năm 1986, khiến giá cả sụt giảm.
Nếu không có dầu dư thừa để tái đầu tư thì sẽ không có Petrodollar để mọi người xôn xao. Nếu đồng USD mạnh - và đúng là nó mạnh thật, khi chỉ số đồng USD luôn ở một trong những giá trị cao nhất trong 20 năm qua - thì điều đó không đến từ việc Ả Rập Saudi đang tài trợ cho các khoản thâm hụt của Mỹ.
Đúng là dầu của Saudi vẫn được định giá bằng USD và Saudi Aramco, công ty quốc doanh của vương quốc này, cũng lập hoá đơn cho mọi người bằng USD. Nhưng đó chỉ là một phần của Petrodollar trước đây. Tôi nghĩ đây không phải lý do giải thích cho sự lớn mạnh của đồng USD, hay tại sao Mỹ là quốc gia mạnh nhất thế giới, xuất khẩu sức mạnh kinh tế, quân sự, khoa học, và văn hoá. Những người phản đối đồng Petrodollar có thực sự tin rằng nếu người Ả Rập Saudi định giá dầu của họ bằng bất kỳ loại tiền tệ nào khác thì Hollywood sẽ biến mất? Hay Phố Wall? Hay Thung lũng Silicon? Hay Lầu Năm Góc? Làm ơn.
Ngay cả khi vai trò của Petrodollar giảm sút, tôi không mong đợi Petrodollar sẽ sớm biến mất. Trong các cuộc trò chuyện mà tôi có mặt ở Trung Đông, tôi không cảm thấy có bất kỳ ai ở đây mong muốn đổi đồng USD để bán dầu. Điều quan trọng là người Ả Rập Saudi cũng giữ đồng tiền của họ được neo với đồng USD. Hiện tại, gia đình hoàng gia đang bận rộn cố gắng đạt được một thoả thuận với Nhà Trắng để vực dậy mối quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Hoa Kỳ, và như một phần của quá trình đó, việc giữ giá dầu của Ả Rập Saudi bằng USD có ý nghĩa ít nhiều.
Việc chuyển sang các loại tiền tệ khác có nhiều bất cập hơn là lợi thế - và khi nói đến các loại tiền tệ khác, chúng ta đang nói tới đồng euro, đồng bảng Anh, đồng franc Thuỵ Sỹ, hay đồng Yên. Chấp nhận đồng tiền Trung Quốc, như cộng đồng mạng đang gợi ý, sẽ còn nhiều vấn đề hơn. Đồng USD có thể tự do chuyển đổi, còn đồng Nhân dân Tệ thì không; đồng USD có tính thanh khoản cao, đồng Nhân dân Tệ thì không. Tôi nói vậy chắc mọi người đã tự hiểu.
Những lời bàn tán về việc người Ả Rập Saudi nghĩ đến việc sử dụng các đồng tiền khác đã có từ lâu. Đây là tiêu đề trên trang nhất của tờ The New York Times: “OPEC SẼ BUỘC LIÊN KẾT VỚI ĐỒNG USD ĐỂ ĐỊNH GIÁ DẦU”, được xuất bản năm 1975. Có lẽ năm tới chúng ta có thể kỷ năm 50 năm bản tin “dự báo tương lai" đó, và để “tạo nhiệt" cho thế giới mạng - một lần nữa.
Bloomberg