Quốc gia kỳ lạ nhất thế giới: Lạm phát tăng hơn 58%, NHTW vẫn theo đuổi chính sách 'khác người', chỉ hạ lãi suất
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Vấn đề chính của những rắc rối mà Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp phải là chính sách kinh tế "không giống ai" do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan áp dụng trong nhiều năm. Ông Erdogan lập luận rằng lãi suất cao sẽ đẩy lạm phát tăng cao và lãi suất thấp sẽ khiến lạm phát giảm.
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm gần 1 nửa giá trị so với đồng USD trong năm nay và lạm phát tại quốc gia này cũng đang tăng vọt. Đối với nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà đầu tư và nhà kinh tế lo ngại rằng mọi thứ thậm chí còn có thể trở nên tồi tệ hơn.
Diễn biến của đồng tiền tệ của các thị trường mới nổi so với USD.
Vấn đề chính của những rắc rối mà Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp phải là chính sách kinh tế "không giống ai" do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan áp dụng trong nhiều năm. Ông Erdogan lập luận rằng lãi suất cao sẽ đẩy lạm phát tăng cao và lãi suất thấp sẽ khiến lạm phát giảm. Điều này hoàn toàn trái ngược với những bước đi mà các nền kinh tế trên thế giới thực hiện để ứng phó với tác động của đại dịch.
Lãi suất của Thổ Nhĩ Kỳ so với các quốc gia mới nổi khác trong năm nay.
Ngoài ra, quan điểm của ông Erdogan cũng đi khác hoàn toàn so với hầu hết những gì các NHTW ở thị trường mới nổi thực hiện trong năm nay. Những quốc gia như Nga, Mexico hay Brazil đều nâng lãi suất để chống lạm phát và tránh tác động từ việc đồng USD mạnh hơn - khiến các khoản nợ bằng ngoại tệ khó thanh toán hơn.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải gần như mọi quan chức kinh tế phản đối quan điểm của ông. Hiện tại, rất ít dấu hiệu cho thấy ông sẽ thay đổi quyết định.
William Jackson - nhà kinh tế trưởng nghiên cứu các thị trường mới nổi tại Capital Economics, cho biết: "Chúng tôi không nhận thấy các nhà hoạch định chính sách nước nay sẽ đổi hướng đi và nỗ lực thu hút nhà đầu tư quay trở lại."
Việc hạ lãi suất đã khiến đồng lira trượt giá mạnh và trở thành một trong những khoản đầu tư tồi tệ nhất thế giới trong năm nay. Khi lãi suất thấp hơn tỷ lệ lạm phát, các doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà đầu tư nước ngoài lo ngại sức mua của đồng tiền tệ sẽ giảm sút. Một đồng tiền tệ suy yếu nhanh chóng có thể tạo ra "vòng xoáy" lạm phát. Nguyên nhân là bởi tình trạng này sẽ đẩy giá của các mặt hàng nhập khẩu chủ lực như thực phẩm và năng lượng tăng vọt.
Ước tính lạm phát của ENAGroup và số liệu chính thức của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Thống kê của chính phủ cho thấy lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên mức 21,3% vào tháng 11 so với năm trước, cao hơn 6 điểm phần trăm so với lãi suất chuẩn. Tuy nhiên, các nhà kinh tế bày tỏ sự nghi ngờ đối với tính chính xác của các số liệu mà nước này công bố. Nhóm nghiên cứu lạm phát độc lập ENAGroup ước tính lạm phát hàng năm của Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 11 là hơn 58%.
Veysel Ulusoy - nhà kinh tế học và trưởng nhóm nghiên cứu lạm phát của ENAGroup, cho hay: "Không ai biết điều gì đang xảy ra giữa việc thu thập và công bố dữ liệu. Dữ liệu này không thể hiện cho tâm lý của xã hội."
Khi đồng lira chịu áp lực vào năm 2020, NHTW Thổ Nhĩ Kỳ đã ứng phó với sự sụt giảm này bằng cách đi vay ngoại tệ từ các ngân hàng trong nước và các tổ chức khác, sau đó bán số tiền đó ra thị trường để mua đồng lira.
Động thái này đã khiến nguồn ngoại tệ trong kho bạc của Thổ Nhĩ Kỳ cạn sạch, khi NHTW ước tính các khoản nợ còn lớn hơn tài sản họ có. Việc NHTW nước này không còn nhiều khả năng để ngăn chặn đà giảm cũng khiến cho đồng lira lao dốc nhanh và mạnh hơn nhiều so với những lần trước đó.
Một số chuyên gia lo ngại rằng ngành ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ là yếu tố mang nhiều rủi ro. Tính đến tháng 9, quốc gia này có khoảng 83 tỷ USD nợ nước ngoài đến hạn trong 12 tháng tới, theo dữ liệu từ NHTW Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đây, các ngân hàng có thể đảo các khoản nợ cho chủ nợ nước ngoài, có nghĩa là họ không phải sử dụng số ngoại tệ đang dự trữ. Các nhà kinh tế cho biết họ sẽ chú ý đến việc các ngân hàng có cho phép thực hiện việc đảo các khoản nợ lớn tiếp theo đến hạn vào mùa xuân hay không.
Một vấn đề quan trọng khác với ngành ngân hàng nước này là thậm chí người dân địa phương cũng đang tháo chạy khỏi đồng lira. Theo số liệu của Capital Economics, gần 60% lượng tiền gửi ngân hàng hiện nay là ngoại tệ. Việc người dân Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu rút USD đột ngột có thể buộc các ngân hàng phải cắt giảm dự trữ ngoại hối hoặc chính phủ phải áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn, hạn chế việc người dân rút tiền.
Link gốc tại đây.
Theo CafeF