Tại sao Thống đốc Michelle Bowman không đồng tình với việc Fed hạ lãi suất 50 bps?
Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
FOMC hiếm khi có ý kiến bất đồng khi nói đến việc cắt giảm lãi suất. Vậy tại sao Michelle Bowman không đồng ý với việc Fed cắt giảm lãi suất 50 bps.
Vào 2 tuần trước, FOMC đã đồng thuận hạ lãi suất quỹ liên bang 50 bps. Tuy nhiên có một thành viên không đồng ý với điều này, đó là Thống đốc Fed Michelle Bowman.
FOMC luôn cố gắng để có được sự đồng thuận tuyệt đối từ các nhà hoạch định chính sách. Trên thực tế, lần gần nhất một thống đốc Fed không đồng tình với FOMC về quyết định lãi suất là vào năm 2005.
Bowman không phản đối việc cắt giảm lãi suất, bà chỉ muốn cắt giảm 25 bps lãi suất vào cuộc họp FOMC ngày 17-18/9.
Vào thứ Hai, khi phát biểu trước Hiệp hội Ngân hàng Georgia, Bowman đã giải thích lý do tại sao bà ủng hộ việc cắt giảm lãi suất nhẹ hơn. Trong bài phát biểu của mình, Bowman giải thích rằng nền kinh tế vẫn mạnh, và lạm phát cơ bản vẫn là mối quan tâm. Trong khi chỉ số PCE giảm xuống 2.2% vào tháng 8, tỷ lệ lạm phát cơ bản đã tăng lên 2.7%, cho thấy lạm phát có vẻ vẫn cứng đầu.
"Lạm phát cơ bản liên tục ở mức cao phần lớn là do giá nhà tăng, điều này xảy ra do lượng nhà ở giá rẻ tồn kho thấp. Tiến triển trong quá trình kiểm soát lạm phát kể từ tháng 4 là một điều đáng hoan nghênh, nhưng lạm phát cơ bản vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của ủy ban", Bowman cho biết trong bài phát biểu của mình trước hiệp hội.
Tuy nhiên, bà nói rằng có nhiều yếu tố khác khiến bà ủng hộ cách tiếp cận thận trọng: “Đầu tiên, tôi lo ngại rằng việc giảm lãi suất 50 bps có thể được hiểu là tín hiệu cho thấy Fed đánh giá nền kinh tế đang suy yếu”.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy sự suy yếu ở nền kinh tế, Bowman tin rằng cắt giảm lãi suất 25 bps sẽ là lựa chọn phù hợp hơn với tình hình kinh tế hiện tại: "Theo tôi, một cách tiếp cận thận trọng hơn sẽ thể hiện sự ổn định và sức mạnh của nền kinh tế, tránh gây ra lo ngại không cần thiết."
Thứ hai, Bowman lo ngại rằng việc Fed cắt giảm 50 bps lãi suất sẽ khiến thị trường kỳ vọng FOMC sẽ duy trì tốc độ này tại các cuộc họp trong tương lai. Bà nói thêm rằng điều này có khả năng làm tăng lạm phát trở lại.
Ngoài ra, bà cũng cảnh báo rằng việc giảm lãi suất quá nhanh có thể dẫn đến sự gia tăng đột ngột trong chi tiêu và đầu tư từ những người đang nắm giữ tiền mặt, điều này có thể tạo ra áp lực lạm phát không mong muốn.
Cuối cùng, Bowman ước tính lãi suất trung lập của Fed sẽ cao hơn nhiều so với trước đại dịch: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang gần với lãi suất trung lập hơn nhiều so với trước đại dịch. Mặc dù đã có những tiến bộ có ý nghĩa trong việc giảm lạm phát, nhưng vẫn cần phải duy trì thận trọng trong các quyết định chính sách, để tránh việc công chúng và thị trường có thể hiểu sai rằng tình hình lạm phát đã hoàn toàn ổn định."
Tuy nhiên, Bowman vẫn kết luận rằng bà tôn trọng và đánh giá cao quyết định của các FOMC, đồng thời vẫn cam kết hợp tác với họ để đạt được các mục tiêu của Fed.
Investing