Tại sao Trung Quốc tăng trưởng chậm lại?
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng trong năm 2021 nhưng sự giảm tốc là rất đáng báo động. Để đảo ngược tình trạng này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải cải cách hệ thống, ban hành các quy định mới cũng như có biện pháp kiểm soát đại dịch. Việc này cần tới một quy trình thảo luận, kiểm tra kỹ lưỡng và triển khai hợp lý.
* Bài viết thể hiện quan điểm của SHANG-JIN WEI
Chính sách “Zero COVID-19” không phải là lý do duy nhất gây giảm tốc nền kinh tế
Đầu năm 2021, sự đồng thuận về dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay từ báo cáo của 25 ngân hàng lớn trên toàn cầu và các chuyên gia là tăng trưởng sẽ ở mức 8.3%. Ngược lại, mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ Trung Quốc đặt ra cho mình chỉ khoảng 6%, thấp hơn nhiều so với dự báo. Liệu Chính phủ Trung Quốc có giấu bí mật gì đó mà những người bên ngoài không biết hay không? Hay Chính phủ Trung Quốc có dự định làm điều gì đó rất tham vọng có thể có tác động xấu đến tốc độ tăng trưởng?
Gần đây, các ngân hàng quốc tế đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cả năm của Trung Quốc do tốc độ mở rộng của nền kinh tế bị chậm lại. Tăng trưởng quý 3/2021 chỉ đạt 4.9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn khá nhiều so với con số 18.3% và 7.9% trong hai quý đầu năm. Mức tăng trưởng cao của quý đầu tiên đến từ mức tăng trưởng âm trong quý 1/2020 do việc đóng cửa mà đại dịch gây ra. Mức tăng trưởng thấp trong quý 3/2021 đang làm dấy lên lo ngại về triển vọng tăng trưởng trong quý 4 và năm sau.
Sự giảm tốc bắt nguồn từ chính sách “Zero COVID-19” của Trung Quốc, kéo tới nhiều đợt đóng cửa thường xuyên hơn so với hầu hết các quốc gia khác. Một loạt các đợt bùng phát COVID-19 tại các địa phương vào mùa hè đã gây ra tình trạng đóng cửa hoặc các lệnh hạn chế đi lại ở nhiều thành phố của Trung Quốc. Nhưng điều này không chỉ làm giảm sản lượng sản xuất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều việc làm trong lĩnh vực dịch vụ khi mà du lịch chỉ mới bắt đầu phục hồi.
Nhưng đại dịch không phải là yếu tố duy nhất đằng sau sự chững lại của nền kinh tế. Chính sách công nghiệp xanh của Chính phủ, quy định chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực bất động sản và danh sách đen (blacklist) cho các nền tảng trực tuyến cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng chung.
Sau cam kết giảm khí thải carbon-dioxide của Trung Quốc trước năm 2030 và đạt mức 0 vào năm 2060, Chính phủ đã ra các chính sách quyết liệt và thường xuyên có động thái cắt giảm đột ngột việc phát điện tại các nhà máy nhiệt điện than, đôi khi có thể giảm tới 20%. Việc mất điện đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại nhiều nhà máy.
Ngoài ra, chính sách “ba lằn ranh đỏ” (three red lines), được khởi xướng vào tháng 8/2020 và được tăng cường trong năm nay, đặt ra mức trần đối với tỷ lệ nợ trên tổng tài sản, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu và tỷ lệ nợ trên tiền mặt của các nhà phát triển bất động sản. Vì nhiều công ty trong số này không thể đáp ứng một hoặc nhiều lằn ranh đỏ, các ngân hàng và thị trường vốn sẽ hạn chế cung cấp thêm nguồn tài chính mới. Do vậy, các doanh nghiệp bất động sản phải bán bớt tài sản, giảm quy mô hoạt động hoặc có trường hợp phải làm cả hai.
Evergrande, doanh nghiệp bất động sản nổi tiếng của Trung Quốc, đang dính vào những rắc rối về tài chính nhưng Evergrande không phải là trường hợp duy nhất. Ngoài ra, sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản có thể có ảnh hưởng sang các ngành khác như: sắt thép, xi măng, nội thất…
Cuối cùng, việc chính quyền đưa các công ty giáo dục trực tuyến vào danh sách đen, đẩy mạnh việc thực thi chống độc quyền và ban hành luật bảo vệ dữ liệu đã làm giảm đáng kể giá cổ phiếu của nhiều công ty công nghệ niêm yết trong vòng 12 tháng qua. Việc định giá cổ phiếu giảm chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì nhiều công ty công nghệ và các nhà cung cấp của họ đã phải thu hẹp lại tham vọng và các kế hoạch tương lai. Hàng trăm nhà cung cấp dịch vụ giáo dục trực tuyến đã cho thôi việc và sa thải các nhân viên của mình.
Cách triển khai như thế nào là hợp lý?
Các mục tiêu của các chính sách từ Trung Quốc được đánh giá là hợp lý nhưng cách thức thực hiện chúng đang kéo tới nhiều hệ lụy. Chiến lược “Zero COVID-19” được cho là hợp lý trong giai đoạn tiền vắc xin của đại dịch và đã giúp Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan vào năm ngoái. Tuy nhiên, khi các biến thể mới tiếp tục xuất hiện, tất cả các quốc gia cuối cùng sẽ phải học cách sống chung với COVID-19. May mắn thay, cái giá phải trả của việc sống chung đang trở nên dễ chịu hơn nhiều, khi tỷ lệ tiêm chủng và miễn dịch tự nhiên ngày một cải thiện.
Nếu Trung Quốc sử dụng năng lực triển khai mạnh mẽ của mình thì việc thúc đẩy tiêm chủng COVID-19 phổ cập dường như nằm trong tầm tay (vì những cá nhân từ chối tiêm vắc xin này có thể gây hại cho người khác). Mặt khác, việc đóng cửa định kỳ và đóng cửa biên giới sẽ gây gián đoạn lớn đến nền kinh tế, trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và rõ ràng đây không phải là một chiến lược bền vững cho giai đoạn hậu vắc xin.
Về chính sách công nghiệp xanh, sản xuất điện là lĩnh vực sản sinh ra nhiều carbon nhất ở Trung Quốc, chiếm khoảng 40% lượng khí thải dựa trên tiêu thụ năng lượng của đất nước này. Vì vậy, việc giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiệt điện than sẽ góp phần to lớn vào các nỗ lực giảm phát thải của quốc gia và toàn cầu. Nhưng có nhiều cách khác hợp lý hơn để thực thi chính sách trên.
Kinh nghiệm của riêng Trung Quốc về cải cách kinh tế cho thấy rằng việc sử dụng các chính sách giá cả và tận dụng sức mạnh của thị trường để có thể giảm thiểu chi phí cho quá trình thay đổi lớn mang tính cấu trúc. Đặc biệt, việc tăng giá carbon của Trung Quốc lên mức đủ cao và công bố một lộ trình giá có thể dự đoán được với thời gian thực hiện đủ lâu cho phép các nhà sản xuất điều chỉnh kế hoạch và thích ứng tốt hơn, từ đó sẽ giúp họ đạt được mức cắt giảm khí thải theo mục tiêu mà không phải hy sinh tốc độ tăng trưởng GDP. Cách tiếp cận như vậy cũng sẽ ít gây khó khăn hơn cho các hộ gia đình Trung Quốc, bao gồm nhiều hộ gia đình ở vùng Đông Bắc, những người có sự lo lắng nhất định về hệ thống sưởi và cung cấp điện khi mùa đông lạnh giá đến gần.
Tương tự như vậy, trong khi kiềm chế tăng giá do hoạt động đầu cơ bất động sản là một mục tiêu cần đạt được, việc hạn chế phát triển bất động sản không thật sự cần thiết để giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu đó. Với khoảng 30% nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng mạnh bởi lĩnh vực bất động sản và xây dựng, một cách tiếp cận khác có thể giảm bớt những tác động không mong muốn. Ví dụ, việc thúc đẩy nhà ở với giá cả phải chăng hơn cho các gia đình có thu nhập thấp và người di cư từ các vùng nông thôn có thể tạo ra nhu cầu bù đắp cho đồ nội thất, thiết bị gia dụng, sắt thép và xi măng.
Việc hạn chế các chương trình học sau giờ học chính có thể dành thời gian cho trẻ em tham gia vào các hoạt động phát triển khả năng sáng tạo và thể thao. Đồng thời giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình trước đây cảm thấy áp lực khi mua nội dung giáo dục trực tuyến cho con cái họ. Khi đó, chúng ta sẽ có một nền tảng xã hội đáng khen ngợi cho những quy định mới. Tuy nhiên, việc triển khai tương đối đột ngột không chỉ làm giảm lợi nhuận, giá cổ phiếu và việc làm của các công ty giáo dục trực tuyến mà còn làm nổi bật nguy cơ thay đổi chính sách đột ngột trong các lĩnh vực khác, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Trung Quốc hoàn toàn có thể khôi phục lại niềm tin của nhà đầu tư và trở lại với tốc độ tăng trưởng ấn tượng của mình. Để làm được điều đó, Trung Quốc cần phải tiến hành thực hiện các quy định và biện pháp kiểm soát đại dịch mới, thông qua một quy trình thảo luận chặt chẽ, đánh giá kỹ lưỡng và thực thi hợp lý.
Giới thiệu về tác giả
Shang-Jin Wei là cựu kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển Châu Á. Ông còn là Giáo sư Tài chính và Kinh tế tại Đại học Columbia.
Ông đã từng là cố vấn cho nhiều tổ chức Chính phủ bao gồm Hội đồng Thống đốc Hoa Kỳ của Hệ thống Dự trữ Liên bang, Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về Châu Âu và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Ngân hàng Phát triển Châu Á và cho các công ty tư nhân như PricewaterhouseCoopers.
Link gốc tại đây.
Theo Vietstock