Tháng 10/2008, thị trường chứng khoán cũng tăng điểm như bây giờ, nhưng bạn còn nhớ những gì xảy ra sau đó không?
Tùng Trịnh
CEO
Quan điểm của Cameron Crise - chuyên gia Bloomberg
"Không phải cái gì óng ánh cũng là vàng" (Ngạn ngữ Anh)
Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần đầy hứng khởi, khi chỉ số Dowjones và S&P 500 phục hồi tới hơn 20%. Sự bùng nổ của cổ phiếu những ngày qua chắc chắn đã khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi phấn khích, những con số nhảy múa ấn lượng đang đánh thức bản năng của phần “con” trong họ, chờ một thời điểm làm bùng lên hiệu ứng đám đông lớn. Nhiều người thậm chí sợ bỏ lỡ chuyến tàu mang tên “phục hồi hình chữ V”. Không chỉ vậy, truyền thông gần đây cũng bắt đầu nhen nhóm ý niệm về một chu kỳ tăng giá mới.
Nhưng có một nguyên tắc mọi nhà đầu tư cần nhớ: Chúng ta không bao giờ biết trước đâu là đỉnh và đáy của chu kỳ kinh tế, giống như nụ hôn cuối cùng của một mối tình nồng cháy vậy, chúng ta chỉ chiêm nghiệm lại được khi nó đã qua. Thị trường sống động trước mắt không cho phép bất cứ ai tư duy theo một lối mòn cũ kỹ.
Cho dù những gì xảy ra tuần qua xuất phát từ một một pha điều chỉnh quá bán, hay thị trường thực sự đang tạo đáy, thì hành động giá của nó cũng rất ấn tượng. Nhưng sự ấn tượng có phần thái quá xét trên môt vài khía cạnh. Thông thường, giai đoạn ứng phó với khủng hoảng sẽ làm giảm độ biến động của thị trường, nhưng thật khó để gọi mức tăng hơn 20% trong vỏn vẹn vài ngày là "biến động giảm dần” được, kinh nghiệm cay đắng chỉ ra rằng những gì tăng mạnh cũng có thể giảm mạnh với tốc độ tương tự.
Mức giảm 20% từ đỉnh, thường được sử dụng như một định nghĩa cho sự khởi đầu của một xu hướng giảm dài hạn, và đối với hầu hết các chỉ số chứng khoán, con số đó thường rất có ý nghĩa. Về bản chất, biến động nhìn chung sẽ tương đối thấp khi thị trường chứng khoán đang trên đỉnh, vì thế mức giảm 20% đầu tháng 3 vừa rồi được coi là mức biến động "đáng kể". Mặc dù vậy, con số 20% không đặc biệt hữu ích khi áp dụng cho các tài sản vốn có đăc tính biến động cao như khí Gas tự nhiên (biến động một năm thường trên 40%).
Nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng cho việc hiệu chỉnh các sóng tăng trong thời kỳ thị trường có độ biến động đặc biệt. Khi S&P 500 đang trên đỉnh, biến động một tháng vào khoảng 14%. Như vậy một sóng giảm 20% trong tháng sẽ đại diện cho một biến động bằng 5 lần độ lệch chuẩn. (Đà giảm thực tế còn mạnh hơn, xác suất xảy ra của sự kiện hy hữu càng cao hơn).
Tuy nhiên giờ đây, độ biến động trong một tháng đã lên tới 83%, có nghĩa là cho dù giá di chuyển tới 20% cũng chỉ được coi là hiện tượng có độ lệch chuẩn 0.83 – một độ lệch không đáng để mắt tới, và chắc chắn không thể dùng để đưa ra kết luận về tương lai trong trung hạn.
Cuộc khủng hoảng năm 2008 từng chứng kiến nhiều trường hợp cổ phiếu tăng với biên độ lớn nhưng sau đó vẫn quay đầu giảm mạnh. Chỉ số S&P 500 đã tăng 24% chỉ trong 3 ngày giao dịch vào tháng 10/ 2008, tăng gần 20% trong một tuần vào đầu tháng 11 và tăng 27% từ lễ Tạ ơn cho đến đầu năm mới. Nhưng không có đợt tăng giá nào kể trên chống lại được lực bán tháo sau đó và đủ sức tạo đáy cho thị trường.
Có thể lời khuyên này hơi sáo rỗng, nhưng nếu các nhà đầu tư coi đây là thời điểm tốt để quay trở lai cuộc chơi, họ nên thận trọng một chút khi phân tích các con số đang nhấp nháy trên màn hình của mình. Diễn biến giá gần đây cho thấy thị trường đã thực hiện xong phần nào quá trình tái phân bổ tài sản, và chẳng ai biết được hai ngày cuối tuần vừa rồi giới đầu tư nghĩ gì trong đầu. "Tôi không thích thứ Hai" là cụm từ ám ảnh nhất trong nhiều tuần qua.
Trong khi đó, những người theo trường phái Elliott đang coi đà tăng trên thị trường cổ phiếu hiện nay là "sóng điều chỉnh số 4", báo trước sự xuất hiện của một đợt bán tháo và tạo đáy mới. Và rất có thể đợt tăng điểm lần này sẽ có kết thúc đáng nhớ như những gì từng xảy ra cuối năm 2008.