Tiền mã hoá (Cryptocurrency)
Uông Quang
Manager, Technical Analyst
Tiền mã hoá (Cryptocurrency) là loại tiền được xây dựng bằng kĩ thuật máy tính và các công thức toán học dạng mật mã, giúp chúng không thể bị làm giả và cung cấp tính ẩn danh cho người dùng.
Khái niệm
Tiền mã hoá là một loại tiền kĩ thuật số được bảo mật bằng các mật mã toán học. Do tính chất phức tạp của các công thức toán học được sử dụng, tiền mã hóa rất khó để làm giả. Nhiều loại tiền mã hoá là các hệ thống phi tập trung dựa trên công nghệ blockchain - một “sổ cái” được phân tán và chia sẻ bằng một mạng lưới gồm nhiều máy tính khác nhau. Tính năng đặc biệt và sức hấp dẫn chính của của tiền mã hoá là bản chất độc lập của hệ thống. Tiền mã hoá không được phát hành bởi bất kì ngân hàng trung ương nào, khiến về mặt lí thuyết chúng miễn nhiễm với sự can thiệp hoặc thao túng của chính phủ và các Ngân hàng trung ương.
Loại tiền mã hoá đầu tiên dựa trên công nghệ blockchain được biết đến là Bitcoin, vẫn đang là đồng tiền phổ biến và có giá trị nhất hiện nay. Ngày nay, có hàng ngàn loại tiền mã hoá thay thế với các chức năng hoặc thông số kĩ thuật khác nhau (Altcoins). Chúng ta sẽ cùng làm rõ những khái niệm về blockchain và altcoins trong một bài viết khác.
Lợi ích của tiền mã hoá
Tiền mã hoá giúp việc chuyển tiền trực tiếp giữa hai bên trong giao dịch trở nên dễ dàng hơn, mà không cần đến bên thứ ba như ngân hàng hoặc công ty tín dụng, việc chuyển tiền này được thực hiện thông qua việc sử dụng khóa công khai và khóa riêng cho mục đích bảo mật. Trong các hệ thống tiền mã hoá hiện đại, "ví điện tử" – tên gọi khác của một địa chỉ tài khoản của người dùng có khóa chung và khóa riêng, được sử dụng để “kí” các giao dịch. Việc chuyển tiền được thực hiện với mức phí giao dịch tối thiểu, giúp người dùng tránh được các khoản phí tương đối cao mà ngân hàng và các tổ chức tài chính thường đòi hỏi cho các giao dịch chuyển khoản.
Sự hấp dẫn chính của Bitcoin là công nghệ blockchain mà nó sử dụng tạo ra một sổ cái trực tuyến lưu trữ của tất cả các giao dịch đã được thực hiện bằng bitcoin, cung cấp cấu trúc dữ liệu cho sổ cái này và giúp nó hạn chế tối đa mối đe doạ từ hacker, dữ liệu có thể được sao chép trên tất cả các máy tính chạy phần mềm Bitcoin trong cùng mạng lưới.
Mỗi khối Bitcoin mới được tạo phải được xác minh bằng sổ cái của từng người dùng trên thị trường, khiến cho việc giả mạo lịch sử giao dịch gần như không thể xảy ra. Ngoài bitcoin, blockchain còn có nhiều ứng dụng quan trọng trong các lĩnh vực phục vụ cuộc sống như bỏ phiếu trực tuyến hay gây quỹ cộng đồng,..
Những hạn chế của tiền mã hoá
Do tiền mã hoã không có một trung tâm lưu trữ như các tài khoản ngân hàng, số dư tiền mã hoá trong ví của bạn có thể bị mất sạch, nếu như bạn quên mất mã khoá riêng của mình.
Tính bán ẩn danh của các giao dịch tiền mã hoá tạo điều kiện cho chúng được sử dụng trong những hoạt động bất chính như rửa tiền và trốn thuế. Nhiều loại tiền mã hoá có tính ẩn danh cao như Dash, ZCash hay Monero, .. khiến chúng ta rất khó để truy tìm dấu vết các giao dịch được thực hiện bởi các đồng tiền này.
Do giá trị các đồng tiền mã hóa được xác định theo quy luật cung cầu, tỷ giá của một loại tiền mã hoá được trao đổi so với một loại tiền tệ khác có thể biến động nhanh chóng mà không có sự can thiệp để ổn định tỷ giá của một Ngân hàng trung ương. Ví dụ, Bitcoin từng có giá trên 19,000 USD mỗi Bitcoin vào tháng 12/2017, và sụt xuống còn 7,000 USD chỉ trong một vài tháng sau đó. Ngoài ra, mối lo ngại lớn là giá trị của tiền mã hoá không được đảm bảo bởi bất kì loại hàng hóa vật chất (như vàng) nào.