Tương lai của đồng USD sẽ ra sao trước xu thế đa cực hóa toàn cầu?
Kiều Hồng Minh
Junior Analyst
Liệu vị thế của USD như một đồng tiền dự trữ hàng đầu có bị đe dọa bởi một thế giới ngày càng trở nên đa cực hay không? Một chuyên gia kinh tế hàng đầu đưa ra triển vọng của mình
Kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai, USD đã giữ vị trí thống trị độc tôn trong hệ thống tài chính toàn cầu, là đồng tiền ưa thích được các ngân hàng trung ương nắm giữ như một tài sản dự trữ. Chiếm 58% giá trị dự trữ ngoại hối trên toàn thế giới, không có đồng tiền nào khác có thể thách thức vị thế của đồng bạc xanh.
Tuy nhiên, hệ thống tài chính thế giới không phải lúc nào cũng đơn cực như vậy. Vào thời kỳ bản vị vàng cuối thế kỷ 19, tuy bảng Anh là đồng tiền thống trị toàn cầu, nhưng các đồng tiền khác - chẳng hạn như đồng franc Pháp - vẫn đóng một vai trò nhất định.
Giáo sư Barry Eichengreen, chuyên gia kinh tế quốc tế tại Đại học California, Berkeley, cho biết: “Tôi coi giai đoạn nửa sau của thế kỷ 20 là một điều bất thường trong lịch sử. Đó là giai đoạn mà hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế bị chi phối nặng nề bởi một đồng tiền duy nhất, bởi Hoa Kỳ khi đó là quốc gia duy nhất trên thế giới có đủ lượng thanh khoản cần thiết.”
Trật tự thế giới đa cực
Bất chấp sức mạnh của USD như một đồng tiền dự trữ, vị thế độc tôn của đồng tiền này đang dần lung lay. Kể từ đầu thế kỷ 21, USD đã mất khoảng 0.10% thị phần trong tổng dự trữ ngoại hối quốc tế. Sự suy yếu này phù hợp với kỳ vọng của Giáo sư Eichengreen. Tuy nhiên, những đồng tiền mà các ngân hàng trung ương nhắm tới lại khiến người ta bất ngờ.
Thay vì thay thế USD bằng đồng tiền của các nền kinh tế lớn nhất thế giới, như nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng Euro của Liên minh Châu Âu (EU), các NHTW lại đang nắm giữ nhiều đồng nội tệ đến từ các nền kinh tế nhỏ hơn với mức xếp hạng tín dụng cao, bao gồm AUD, CAD và KRW.
Tất cả các đồng tiền này mang lại sự đa dạng hóa trong danh mục của các NHTW, thông qua việc tiếp xúc với các nền kinh tế nhỏ nhưng cởi mở và hội nhập với thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, những tiến bộ trong công nghệ thanh toán kỹ thuật số đã giúp việc nắm giữ các tài sản này trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Tại sao đồng tiền của các nền kinh lớn khác không thể đánh bại USD?
Tại sao đồng EUR và CNY không thể giành được chỗ đứng trước đồng USD? Dưới đây là một vài giải thích
Đối với đồng Euro, có thể nói rằng chính thị trường tài chính trong khu vực đang kìm hãm sức mạnh của đồng tiền này. Mặc dù, nền kinh tế của khối này có quy mô lớn, nhưng thị trường vốn tại khu vực Eurozone lại không quá “thân thiện” với thị trường quốc tế. Chỉ một số ít thành viên của khu vực Eurozone có xếp hạng tín dụng AAA và trái phiếu chính phủ của các quốc gia này thường do chính các ngân hàng thương mại trong khu vực nắm giữ nhằm đáp ứng các yêu cầu về vốn và thanh khoản.
Giáo sư Eichengreen cho biết, các nhóm tài sản của khu vực này không đủ đa dạng và cũng không đủ thanh khoản để hỗ trợ đồng Euro trong trường hợp EUR trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế hàng đầu. Kết quả là, đồng euro luôn dao động quanh mức 20% tổng dự trữ quốc tế.
Vào năm 2020, ECB đã phát hành trái phiếu để huy động vốn trong thời kỳ đại dịch. Đây là lần đầu tiên ECB làm điều này và quy mô của việc phát hành đã làm dấy lên hy vọng rằng EU đang ở vị thế có thể phát hành đủ nợ bằng đồng Euro nhằm thúc đẩy vị thế của mình như một đồng tiền dự trữ. Nhưng, kể từ sau lần phát hành đó, NHTW này lại hạn chế thực hiện các động thái tương tự để đối phó với các sự kiện gần đây - chẳng hạn như cuộc xâm lược Ukraine của Nga và cuộc khủng hoảng năng lượng sau đó.
Ngoài đồng Euro, CNY cũng là một ứng cử viên khác. Mặc dù chỉ chiếm 2.3% dự trữ toàn cầu, nhưng việc có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chống lưng khiến cho triển vọng của đồng tiền này cũng không thể bị xem thường.
Tuy nhiên, đồng nội tệ của Trung Quốc cũng gặp phải những vấn đề tương tự như đồng euro ở chỗ thị trường tài chính trong nước không có đủ thanh khoản để hỗ trợ các nhu cầu liên quan tới dự trữ. Hơn nữa, thị trường tài chính nước này cũng không quá cởi mở đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Giáo sư Eichengreen cho rằng những hạn chế về chính trị vẫn đang hiện hữu đối với việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ: “Mọi đồng tiền quốc tế và dự trữ hàng đầu trong lịch sử đều là đồng tiền của một nước cộng hòa hoặc dân chủ, nơi hành động của chính phủ luôn bị kiểm soát”
Tương lai nào cho đồng bạc xanh?
Vị giáo sư cũng dự báo rằng xu hướng tái cân bằng của hệ thống tài chính toàn cầu khỏi USD, mặc dù vẫn đang diễn ra một cách chậm chạm, có thể tăng tốc đáng kể, nếu như xảy ra một sự kiện lớn nào đó xóa bỏ niềm tin của thị trường quốc tế vào các tài sản liên quan tới USD.
Rủi ro lớn nhất ở đây là tình hình tài khóa của Hoa Kỳ, với việc nhiều người coi khoản nợ công của nước này đang trở thành một quả bom nổ chậm. Dự báo chính thức cho thấy tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ có thể tăng lên mức kỷ lục 116% vào năm 2034 và đạt 172% vào năm 2054.
Giáo sư Eichengreen thừa nhận những lo ngại đối với chính sách tài khóa của Hoa Kỳ - đặc biệt là mô hình phân cực chính trị khiến việc giải quyết vấn đề nợ công càng trở nên khó khăn hơn. Nhưng đồng thời, ông tin rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn có thể hợp tác và tạo ra một chiến lược đưa chính sách tài khóa của Hoa Kỳ đi vào quỹ đạo bền vững hơn.
Nếu tình hình hiện tại của đồng bạc xanh không có sự biến đổi mạnh mẽ nào đó, các xu hướng hiện tại có thể sẽ được tiếp tục: các quốc gia sẽ phát triển hệ thống thanh toán hiệu quả hơn và thị trường tài chính trở nên thanh khoản hơn, khiến các NHTW ngày càng bị hấp dẫn hơn trong việc đa dạng các đồng tiền dự trữ trong danh mục.
Vị thế của đồng USD có thể sẽ tiếp tục suy yếu, nhưng trong tương lai gần, nó vẫn là lựa chọn số một của các NHTW.
HSBC