UST, Luna và "tài sản rủi ro an toàn": Khủng hoảng tài chính năm 2008 tái hiện trên thị trường crypto?
Đức Nguyễn
FX Strategist
Một chuyên gia Bloomberg đã bình luận về lùm xùm Luna như sau. Tài sản “an toàn” có rủi ro cao hơn nhiều so với tài sản rủi ro. Đây là bài học từ khủng hoảng năm 2008, và thị trường crypto đang ôn lại những bài học của thị trường tài chính truyền thống. Rủi ro hệ thống luôn ăn sâu trong tài sản an toàn.
Đây là một quan điểm rất quan trọng khi nghĩ về thứ gọi là Fed Put (chính sách nguyên chủ tịch Alan Greenspan đưa ra để hạn chế đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ năm 1987), và khi nào Fed sẽ buộc phải nới lỏng lại. Sự thiếu đi tài sản “an toàn” là một phần lớn buộc Fed phải can thiệp. Và ở hiện tại, điều đó có thể là thị trường định giá lại cổ phiếu “an toàn”, như các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn.
Rõ ràng là cần phải có tài sản an toàn. Đó là nơi mọi người tìm đến trú ẩn khi cần thanh khoản, vì họ tin chúng có thể tốt như tiền. Sự kiện Luna này cho ta thấy rằng ta không thể biết được một hệ thống, dù là tài sản ảo hay tài sản thực, có đủ tài sản an toàn không, cho đến khi một phép thử thanh khoản rơi xuống đầu.
Trong thế giới tài sản thực, trước khủng hoảng năm 2008, có rất nhiều chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp nhà ở (RMBS) do tư nhân phát hành, và đa phần đều được xếp hạng tín nhiệm AAA. Trong một thời điểm nào đó, ta có thể nghĩ đây là tài sản an toàn. Nhưng rồi khủng hoảng vay thế chấp dưới chuẩn ập đến, bỗng nhiên chúng không còn an toàn nữa. Và cơn hoảng loạn sau đó đã khiến nhiều người đổ vào trái phiếu chính phủ bảo trợ. Hãy coi vụ UST như một vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 của giới crypto, nhưng với hậu quả lớn hơn, khi thị trường không có một người cho vay cuối cùng để giải cứu.
Bài học của chúng ta là gì? Vẫn còn quá sớm để nói rằng thời kỳ thoái-trào-của-tài-sản-an-toàn đã đến hồi kết. Lịch sử chứa đầy những ví dụ về thời điểm thiếu đi tài sản an toàn, như khủng hoảng repo tháng 9/2019.
Trong thế giới hiện tại, điều này sẽ xảy ra khi thị trường định giá lại cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn. Những cổ phiếu này có tầm quan trọng mang tính hệ thống. Trong một thế giới thèm khát lời lãi, nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào cổ phiếu tech, tin rằng thanh khoản và doanh thu ổn định của các công ty này khiến chúng không khác gì tài sản phi rủi ro của chính phủ, nhưng với tỷ suất sinh lời cao hơn.
Nhưng những ngày tươi đẹp đó đã không còn. Meta, Netflix hay Amazon đều đang giảm rất sâu, cuốn bay hàng trăm tỷ USD vốn hóa thị trường. Và nếu những gì chủ tịch Fed Cleveland nói, “ta có thể có 1 hoặc 2 quý tăng trưởng âm, nhưng đó là cần thiết để hạ lạm phát,” trở thành sự thực, cổ phiếu công nghệ đang gặp nguy.
Tăng trưởng chậm lại sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới doanh thu các công ty công nghệ. Lãi suất tăng cũng sẽ gây thêm áp lực lên định giá. Và thị trường sẽ tự nhìn nhận lại cái gọi là “tài sản rủi ro an toàn” và tìm đến tài sản an toàn thực sự - trái phiếu chính phủ. Với lạm phát tăng cao, Fed sẽ sớm phải quyết định xem có thể tăng 50bp bao nhiêu lần nữa mà không gây rủi ro hệ thống.
Bloomberg