"Vận đen" vẫn sẽ còn dai dẳng đối với đồng Bảng Anh
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Một thỏa thuận Brexit vào phút chót có thể sẽ mang lại tín hiệu tích cực cho đồng GBP trong chốc lát, dù vậy những yếu tố bất lợi vẫn sẽ đè nặng đồng tiền này trong năm 2021 và thậm chí là xa hơn thế.
Đồng Bảng Anh đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn với những sự bất ổn của môi trường quốc tế cũng như các bất lợi ở trong nước. Một thỏa thuận Brexit vào phút chót có thể sẽ mang lại tín hiệu tích cực cho đồng GBP trong chốc lát, dù vậy những yếu tố mang tính chu kỳ và cấu trúc vẫn sẽ đè nặng lên đồng tiền này trong năm 2021 và thậm chí là xa hơn thế.
Triển vọng ngắn hạn (Dưới 1 năm): Tiêu cực
Thời hạn cuối cho Brexit ngày một tới gần
Diễn biến tương đối tích cực của đồng Bảng Anh trong vài tháng qua đến từ kỳ vọng rằng Anh và EU cuối cùng sẽ đạt được thỏa thuận vào cuối tháng 12 tới và tránh khỏi viễn cảnh Brexit không thỏa thuận, bất chấp thời hạn cuối mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra vào 15/10. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây là một kỳ vọng quá lạc quan. Các vấn đề lớn về vùng đánh bắt cá của Anh và trợ cấp từ chính phủ, hiện vẫn chưa có nhiều tiến triển và do đó sẽ làm gia tăng rủi ro của kịch bản Brexit không thỏa thuận. Hơn thế nữa, một thỏa thuận vào phút chót có thể sẽ chỉ dừng ở mức rất cơ bản và sẽ chỉ mang tới sự phục hồi trong ngắn hạn đối với đồng Bảng Anh.
Trên thực tế, các phiên họp bất thường vẫn có thể được tổ chức sau ngày 15/10 như rất nhiều những lần trước đây, tuy nhiên chúng ta đang dần hết thời gian và những rủi ro lớn hơn đối với đồng Bảng Anh có thể vẫn chưa hoàn toàn được thị trường tính tới.
Sự bùng phát trở lại của dịch bệnh
Vừa mới bắt đầu gượng dậy trở lại, nước Anh đã phải đối mặt với sự bùng phát trở lại của số ca nhiễm Covid-19 khiến cho các hoạt động kinh tế đình trệ. Các biện pháp mở rộng hạn chế và có thể là phong tỏa từng phần có thể gây cản trở cho triển vọng tăng trưởng của Anh và tạo áp lực lên đồng GBP. Ngoài ra, việc dịch bệnh tại đây có độ trễ so với phần còn lại của Châu Âu cũng là một yếu tố tác động tiêu cực tới đồng Bảng Anh.
Về mặt số liệu, chỉ số cao tần từ Bloomberg Economics, bao gồm dữ liệu về sử dụng thẻ tín dụng và di chuyển của người dân, cho thấy kinh tế Anh đã đánh mất động lực trong 2 tuần qua khi dịch bệnh quay trở lại. Từ mức đỉnh 73.88 vào ngày 15/09, chỉ số trên đã giảm xuống mức 69.77 vào ngày 06/10.
Triển vọng ảm đạm sau Brexit
Sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Anh trong Quý 3 có thể sẽ không kéo dài lâu với sự bùng phát của dịch bệnh, tình hình bấp bênh của Brexit và khả năng thất nghiệp gia tăng khi các chương trình trợ cấp nghỉ phép kết thúc. Theo chúng tôi, tất cả những yếu tố trên nhiều khả năng sẽ gây cản trở cho triển vọng tăng trưởng ngắn hạn của Anh, cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng của NHTW (BOE) sẽ khiến đồng Bảng Anh bước vào chu kỳ suy yếu. Bối cảnh trên có thể sẽ hối thúc các cuộc thảo luận về chính sách lãi suất âm tại BOE, nhưng trước khi điều đó xảy ra, quy mô nới lỏng định lượng có thể sẽ tiếp tục mở rộng thêm 100 tỷ Bảng trong tháng 11 tới.
Việc thảo luận về lãi suất âm có thể sẽ là đủ để đẩy lợi suất giảm sâu hơn nữa khi lợi suất kỳ hạn 2 năm của Anh hiện đang ở mức -0.03%. Mặc dù cho mối tương quan giữa lợi suất TPCP và lãi suất của Anh không phải lúc nào cũng chặt chẽ, việc lợi suất điều chỉnh giảm liên tục có thể gây sức ép lên đồng Bảng Anh.
Triển vọng trung hạn (1-3 năm): Tiêu cực
Các yếu tố bất lợi ngắn hạn ở trên có thể sẽ khuếch đại triển vọng tiêu cực của đồng Bảng Anh trong trung hạn thông qua việc làm suy yếu thêm tình hình tài khóa và cán cân thanh toán của quốc gia này. Trong khi đó, việc không đạt được thỏa thuận với EU có thể sẽ làm xói mòi yếu tố hỗ trợ trong dài hạn khi làm giảm sự hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Mất cân bằng tài khóa, tài khoản vãng lai
Sự mất cân bằng tài khóa và cán cân thanh toán đang theo hướng tiêu cực đối với đồng Bảng Anh và có thể sẽ tiếp tục xấu hơn nếu dịch bệnh hiện tiếp tục kéo dài và viễn cảnh Brexit không thỏa thuận. Các động lực về mặt cấu trúc, như tài khoản vãng lai hay tình hình tài khóa, thường có ý nghĩa hơn đối với các đồng tiền mới nổi do phải phụ thuộc vào dòng vốn bên ngoài, tuy vậy các yếu tố trên có thể sẽ có tác động lớn hơn tới đồng Bảng Anh nếu đàm phán Brexit thất bại.
Dữ liệu của Bloomberg cho thấy tỷ trọng tài khoản vãng lai so với GDP của Anh ở mức cao 3.5% trong năm nay và 3.7% trong năm 2021; thâm hụt ngân sách so với GDP lần lượt ở mức 13.9% và 7%. Văn phòng phụ trách vấn đề ngân sách của Anh dự báo tỷ lệ nợ/GDP ở mức 87.7% trong năm 2019-2020, 104.1% năm 2020-2021 và 103.6% năm 2021-2022. Rủi ro đối với nợ công được đánh giá vẫn nghiêng về kịch bản kém tích cực hơn.
Vị thế thị trường
Vị thế giao dịch ròng Bảng Anh của các nhà quản lý tài sản đang cho thấy khả năng phục hồi, trong khi đó việc thu hẹp vị thế của các quỹ giao dịch đòn bẩy cho thấy kỳ vọng xu hướng không rõ ràng. Hơn thế nữa, tỷ trọng của đồng Bảng trong vị thế của các nhà quản lý tài sản cũng ở mức thấp trong lịch sử, ám chỉ rằng bất kỳ động thái short-squeeze nào sau Brexit có thể không tác động mạnh tới tỷ giá.
Vào ngày 29/09, số hợp đồng của các quỹ đòn bẩy đối với Bảng Anh chỉ ở mức trên 1,724, so với mức dương 10,845 vào 22/09 và -26,536 vào 28/07. Đối với các nhà quản lý tài sản, số hợp đồng bán ròng GBP là -29,612 vào 29/09 so với mức -39,868 vào 07/07 và -74,053 vào 01/10/2019.
Triển vọng dài hạn (Trên 3 năm): Trung tính
Bảng Anh liệu có thật sự đang bị định giá thấp?
Sử dụng phương pháp tính toán theo tỷ giá thực (REER) hay sức mua tương đương (PPP), Bảng Anh đang định giá thấp hơn so với một số các đồng tiền trong nhóm G10, bao gồm đồng đô-la. Tuy nhiên, các phương pháp định giá thường có khả năng dự báo kém và sẽ cần được sử dụng một cách thận trọng. Trên thực tế, chúng tôi cho rằng chỉ báo trung bình động dài hạn sẽ có ích hơn trong việc định giá tiền tệ dài hạn.
So với dữ liệu lịch sử, đồng GBP đang được định giá thấp hơn so với EUR và USD. Tỷ giá EUR/GBP đang được giao dịch ở mức cao hơn 17.5% so với đường trung bình động 20 năm (0.7750), trong khi GBP/USD đang ở mức thấp hơn 18.5% (1.58).
Dư địa hạn chế của Bảng Anh trong dự trữ ngoại hối của các NHTW toàn cầu
Bảng Anh đã phải cố gắng đuổi theo đô-la, EUR và Yên Nhật trong tỷ trọng dự trữ của các NHTW toàn cầu và những bấp bênh từ Brexit rõ ràng là không có lợi cho điều này. Chúng tôi kỳ vọng tỷ trọng đồng GBP sẽ tăng lên nếu như vấn đề Brexit được giải quyết êm đẹp, tuy nhiên nếu như thỏa thuận không thể đạt được thì các tài sản bằng đồng Bảng Anh sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư toàn cầu.
Về tỷ trọng, dữ liệu từ IMF trong Quý 4/2019 cho thấy dẫn đầu vẫn là đồng đô-la, theo sau là đồng EUR (20.5%), Yên Nhật (5.9%) và Bảng Anh (4.6%). Quy mô nhỏ hơn của nền kinh tế Anh và thị trường vốn nợ đã hạn chế dư địa gia tăng đối với Bảng Anh, kể cả khi vấn đề Brexit đi qua. Dù cho Bảng Anh luôn giữ được vị trí trong top 5 đồng tiền dẫn đầu, đồng tiền này sẽ không có khả năng để thách thức vị thế của đồng đô-la.