Vì sao giới đầu tư lo ngại về lạm phát?
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Không còn hoài nghi gì nữa, lạm phát đang tăng mạnh và bào mòn túi tiền của các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang tăng nhanh nhất kể từ năm 1990. Ở Trung Quốc và Nhật Bản, chỉ số giá sản xuất (PPI) vượt xa dự báo của giới quan sát. Đức - nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới - cũng chứng kiến điều tương tự.
Cụ thể hơn, giá của mọi thứ từ thức ăn, xăng đến hóa đơn tiền điện của người tiêu dùng đồng loạt tăng mạnh. Có khả năng lạm phát sẽ ảnh hưởng ngày càng nặng nề tới túi tiền của người tiêu dùng trong những tháng tới, khi các nền kinh tế lớn mở cửa trở lại sau dịch Covid-19.
“Lạm phát bào mòn túi tiền của người dân Mỹ và đảo ngược xu hướng này là ưu tiên hàng đầu của tôi”, ông Biden cho biết trong một tuyên bố. Vị Tổng thống Mỹ lưu ý yếu tố chính dẫn tới đà tăng của CPI là giá năng lượng và chính quyền đang nỗ lực để giảm bớt các chi phí này.
Phía sau cánh gà, lạm phát cũng đang là một trong những chủ đề đang được tranh luận sôi nổi nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, trước tình cảnh này, Fed vẫn cho rằng lạm phát chỉ tăng tạm thời và rồi sẽ trở lại mục tiêu trung bình 2%. Câu hỏi đặt ra là liệu việc giá hàng hóa có phải chỉ tăng tạm thời, hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác sẽ phải hành động.
Lạm phát có tạm thời như Fed nghĩ?
Theo góc nhìn của Fed, lạm phát chủ yếu được thúc đẩy bởi tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng do các biện pháp kiểm soát liên quan đến dịch Covid-19. Theo các nhà hoạch định chính sách Mỹ, khi đại dịch phai tàn, những vấn đề này sẽ trở nên ổn thỏa hơn mà không cần đến các biện pháp can thiệp mạnh tay như nâng lãi suất.
Nhưng đến nay, lạm phát mà Fed cho là tạm thời đã tồn tại lâu hơn rất nhiều dự báo của nhiều chuyên gia. Dường như áp lực lạm phát sẽ kéo dài ít nhất vài tháng nữa.
Chi phí tăng mạnh hiển hiện rõ trong khắp chuỗi cung ứng toàn cầu. Tình trạng khan hiếm chất bán dẫn đã cản trở hoạt động sản xuất và thu hẹp biên lợi nhuận. Các tập đoàn như Apple và Amazon.com có thể phải đối mặt với một mùa mua sắm đáng thất vọng vì chi phí lao động tăng cao và sản xuất trì trệ.
Tình trạng này càng kéo dài, sức mua của người tiêu dùng càng bị ảnh hưởng khi lạm phát tăng nhanh hơn tốc độ tăng lương.
Đối với giới đầu tư, cả cổ phiếu và trái phiếu đều có thể bị ảnh hưởng nếu lạm phát bắt đầu ảnh hưởng đến đà phục hồi của nền kinh tế.
Điều này đã thôi thúc nhiều nhà đầu tư tìm tới các loại tài sản có thể phòng ngừa rủi ro lạm phát như vàng và tiền kỹ thuật số.
Tệ hơn nữa là lạm phát được thúc đẩy bởi nhu cầu trong năm nay có thể chỉ là khởi đầu cho một cú sốc giá thậm chí còn lớn hơn thế nếu như sự bùng nổ của lĩnh vực dịch vụ thúc chi phí lao động tăng cao hơn, Paul O’Connor, Chuyên gia quản lý tài sản tại Janus Henderson Investors, cho biết.
Tất cả yếu tố này có thể dẫn tới một cuộc suy thoái toàn cầu, dù rằng kịch bản này có khả năng xảy ra rất thấp.
Đà tăng mạnh của CPI gây áp lực lên các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và có thể buộc họ phải nâng lãi suất sớm hơn dự tính, đồng thời đẩy nhanh quá trình giảm mua tài sản.
Tuy nhiên, tình trạng lạm phát đang đẩy NHTW đang trong thế khó vì họ cũng cần vun đắp cho sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. Nếu không, họ có thể đẩy thế giới vào suy thoái, ông nói thêm.
Link gốc tại đây.