Vị thế của các quỹ ETF nói lên điều gì về giá Vàng và Bạc?
Các phân tích của chúng tôi cho thấy mối tương quan cùng chiều giữa những thay đổi trong vị thế các quỹ ETF và biến động nối tiếp sau đó của giá vàng.
Thỉnh thoảng bạn lại nghe được một chủ đề đầu tư được bàn tán rôm rả và nhanh chóng lan rộng. Đó là những gì đang xảy ra trong những ngày gần đây, khi mà đồng Dollar đã "xuyên” thủng qua một số ngưỡng tâm lý đáng quan tâm trong tương quan với một loạt các loại tiền tệ. Có lẽ dạng thuần khiết nhất của một giao dịch trong đó đồng USD bị mất giá đi không gì khác chính là kim loại quý mạnh lên. Rốt cuộc, bạn có thể đào vàng, bạc và những thứ tương tự... nhưng không thể nào in ra được nó. Với những bước biến động mạnh mẽ được quan sát trong những ngày gần đây, chắc chắn hợp lý khi đặt ra câu hỏi liệu giao dịch này đã đi xa tới mức “lố bịch”, với các lệnh mua đang “cầm đèn chạy trước ô tô”. Có một điều không phải bàn cãi là lượng nắm giữ của các quỹ ETF đã bùng nổ gần đây, nhưng trong lịch sử, đó là một dấu hiệu về đà tăng trong tương lai hơn là phản ánh bản chất chuyển động của chính các kim loại đó.
- Với việc Fed đang đẩy mạnh in tiền hơn bao giờ hết, không có gì đáng ngạc nhiên rằng đồng Dollar có liên can tới xu hướng này. Dĩ nhiên, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới cũng đang làm điều tương tự, nhưng nếu Jerome Powell đứng thứ hai thì không ai thứ nhất trong việc giữ vững "đạo đức" trong khi thực hiện chính sách áp chế tài chính. Môi trường thực sự gây tổn thương cho đồng bạc xanh sẽ đến nếu cán cân vãng lai bị hủy hoại đáng kể và nếu Fed “hứa” rằng bạn sẽ không được bù đắp cho việc tài trợ nó. Điều đó chưa bao giờ xảy ra sau cuộc Đại suy thoái, đó là lý do tại sao thời đại QE ngày nay ta sẽ không thấy các giao dịch dựa trên quan điểm “đồng Dollar đi xuống mãi mãi” đã từng rất phổ biến trước cuộc khủng hoảng đó được lặp lại.
- Tuy nhiên, ý tưởng rằng Fed có thể in tiền ra để mua tài sản mà không có hậu quả nào thật khó có thể “tiêu hóa” được. Đó là một trong những lý do khiến các kim loại quý đang là “kèo” rất hấp dẫn vào lúc này. Tất nhiên, chúng mang đặc tính nào đó của một giao dịch tiền tệ như đồng EUR hay AUD hoặc tương tự, nhưng ảnh hưởng trực tiếp hơn từ lãi suất thực. Không giống như cổ phiếu, có cả núi bằng chứng lịch sử cho thấy lãi suất thực thấp thúc đẩy kim loại quý tăng giá trị. Tuy nhiên, giá cả đang biến động rất nhiều và các nhà đầu tư, đặc biệt là nhỏ lẻ, đang ôm chặt lấy xu hướng này. Gần đây, khối lượng nắm giữ của các quỹ ETF với cả vàng lẫn bạc đã tăng “lên nóc nhà”. Liệu phe mua có nên lo lắng bởi điều này?
- Hãy cùng đánh giá ý tưởng này bằng cách tạo ra một mô hình giao dịch đơn giản. Chúng ta sẽ sử dụng giá giao ngay của Bloomberg với vàng và bạc, tạo ra một mô hình giao cắt đơn giản giữa 2 đường trung bình. Cụ thể, khi đường MA5 nằm trên đường MA55, mô hình sẽ thực hiện Long 1 đơn vị ; khi MA5 nằm dưới MA55, nó sẽ Short một lệnh tương đương. Lợi nhuận hàng ngày được dựa trên chỉ số tổng lợi nhuận vàng và bạc của Bloomberg để tính chi phí nắm giữ và các chi phí tương tự, nhưng để đạt được mục đích của thử nghiệm này, chúng ta sẽ bỏ qua chi phí giao dịch.
- Mặc dù mô hình bạc thực sự hoạt động tốt trong một vài năm và có lợi nhuận trung bình hàng ngày dương, tổng cộng cả hai mô hình đã cho một khoản lỗ nhỏ kể từ hè năm 2006. Thật lòng thì điều đó khá dễ hiểu, sẽ hơi “ảo tưởng" nếu thực sự là năm phút làm việc có thể cho ra một tín hiệu giao dịch đem lại lợi nhuận cho một số loại hàng hóa được theo dõi nhiều nhất trên thế giới.
- Bây giờ, hãy sử dụng cùng một phương thức tạo tín hiệu giao cắt 2 đường trung bình cho vị thế nắm giữ của các quỹ ETF. Khi đường trung bình 5 ngày của "ETF Holding" nằm cao hơn đường trung bình 55 ngày, chúng ta sẽ Long, và Go Short trong trường hợp ngược lại. Một lần nữa, lãi và lỗ sẽ được tính toán bằng cách sử dụng chỉ số tổng lợi nhuận. Kết quả đạt được không quá xuất sắc, nhưng chúng vẫn tốt hơn áp dụng phương pháp kỹ thuật này vào giá giao ngay của vàng. Có vẻ như chúng ta sẽ có thể đúc kết được một số thông tin về giá vàng từ động lực của dòng nắm giữ của ETF.
- Chắc chắn rằng, phương pháp này không phải là một điều gì đó để bạn sẽ đặt làm nền tảng cho quá trình đầu tư, nhưng cũng không có gì đáng ngạc nhiên cả. Sẽ mất nhiều công sức hơn là chỉ một buổi sáng mày mò tìm cách sử dụng tín hiệu đơn trung bình chuyển động để khai thác được tất cả thông tin từ các tín hiệu định vị. Để hoàn thiện hơn, bảng bên dưới đưa ra số liệu thống kê tóm tắt lợi nhuận tổng của mô hình này từ năm 2006, cũng như cho tín hiệu 1 tuần/11 tuần được lấy từ dữ liệu định vị thông số kỹ thuật CFTC.
- Rõ ràng ở thời điểm hiện tại, mối quan tâm với kim loại quý đang cao ngút trời, và vì những lý do rõ ràng. Dòng chảy vào các ETF đã tăng mạnh, và trong khi tất cả các giao dịch này đang được cho là hợp lý, việc băn khoăn liệu các vị thế có đang quá "hung hãn" hay không cũng chẳng có gì là sai. Dựa trên phân tích tương đối đơn giản này, có một mối tương quan cùng chiều giữa những thay đổi trong vị thế ETF và những biến động theo sau của giá vàng. Như vậy, mặc dù vàng có thể đang bị quá mua một chút, vị thế và dòng tiền vào ETF như hiện tại sẽ không phải là trở ngại cho kim loại này tiếp tục tăng giá.