Westpac IQ – Điểm tin sáng: Câu chuyện thuế quan tiếp tục phủ sóng truyền thông, chứng khoán phân hóa, USD tăng, vàng chính thức vượt mốc 2,900 USD/oz
![Thành Duy Thành Duy](/uploads/2024/03/25/photo2024-03-2423-24-34-3b90c44f7efb470c6342e95d01a07511.jpg)
Thành Duy
Junior editor
Bản tin sáng từ Ngân hàng Westpac.
![](/uploads/2025/02/11/1.-a-c0bcb6b7ea335d7b96df37805ffb8816.png)
Điểm chính
- Câu chuyện thuế quan tiếp tục phủ sóng truyền thông – Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ áp đặt mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu.
- Sau phiên bán tháo vào cuối tuần trước, thị trường chứng khoán đã cho thấy tín hiệu phục hồi. Ngành công nghệ dẫn đầu đà tăng trưởng trên Phố Wall, trong khi thị trường chứng khoán Úc chịu áp lực giảm điểm do lo ngại về tác động của chính sách thuế quan mới.
- Chỉ số DXY tăng 0.3%, AUD duy trì mức tăng nhẹ 0.1%. Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) trên toàn cầu đồng loạt giảm.
- Giá dầu tăng khoảng 2% nhờ nhu cầu tiêu thụ mạnh mẽ từ Châu Âu. Bên cạnh đó, giá kim loại tiếp tục tăng, phản ánh tác động tiềm tàng của chính sách thuế quan từ Mỹ.
Chứng khoán
Thông tin về việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép đã thổi bùng tâm lý e ngại rủi ro trên thị trường chứng khoán Châu Á và Úc trong ngày hôm qua. Tại thị trường nội địa Úc, các công ty khai khoáng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khiến chỉ số ASX 200 giảm 0.8% trong phiên sáng. Tuy nhiên, chỉ số này sau đó đã hồi phục phần nào và đóng cửa với mức giảm 0.3%. Sau phiên bán tháo vào cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Châu Âu và Mỹ đã phản ứng tích cực hơn với thông tin về thuế quan. Giá dầu tăng đã góp phần đẩy chỉ số Euro Stoxx 50 của Châu Âu tăng 0.6%. Về phía Mỹ, thị trường được dẫn dắt bởi lĩnh vực công nghệ, cùng với sự vươn lên của các công ty sản xuất vật liệu, vốn được hưởng lợi từ chính sách thuế quan, giúp chỉ số S&P 500 tăng 0.7% trong ngày.
Lợi suất
Bức tranh lớn nhìn chung khá ảm đạm. Đường cong lợi suất của Mỹ dốc lên vừa phải, với lợi suất kỳ hạn 2 năm giảm nhẹ 1 bps, trong khi kỳ hạn 10 năm nhích lên 4.50%. Tại Châu Âu, lợi suất TPCP Đức (Bunds) giảm 1-2 bps trên toàn bộ kỳ hạn, chịu tác động bởi nhận định của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde về việc lạm phát đang hạ nhiệt. Lợi suất TPCP Anh (Gilts) cũng giảm, chủ yếu là ở kỳ hạn ngắn. Trong khi đó, TPCP Úc bị bán tháo trên toàn bộ kỳ hạn, với lợi suất kỳ hạn 10 năm tăng 4 bps lên 4.40%. Trước thềm quyết định chính sách của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) vào tuần tới, thị trường OIS tiếp tục phản ánh khả năng RBA sẽ cắt giảm lãi suất với xác suất hơn 90%.
Ngoại hối
Sau những sóng gió trong tuần trước, chỉ số DXY đã tăng trở lại vào đầu tuần này, kết phiên ở mức 108.3. Diễn biến thuế quan là yếu tố hỗ trợ chính, nhưng đà tăng của USD dường như bị hạn chế do thị trường vẫn thận trọng trước thềm công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ và bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trước Quốc hội vào cuối tuần này. Những sự kiện này có thể cung cấp thêm góc nhìn về cuộc tranh luận xung quanh lộ trình chính sách tiền tệ của Mỹ trong năm nay và cả những năm tiếp theo. Mặc dù đồng bạc xanh phục hồi, AUD/USD lại gần như không đổi ở mức 0.6280, trong khi EUR/USD giảm 0.2% xuống còn 1.0300.
Hàng hóa
Giá dầu thô tăng mạnh khoảng 2% với những dấu hiệu cho thấy sản lượng và xuất khẩu của Nga đang bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn được công bố hồi tháng 1. Bên cạnh đó, giá khí đốt tăng cao ở Châu Âu đang thúc đẩy nhu cầu dầu sưởi trong khu vực. Tại cuộc họp trực tuyến, Ủy ban Giám sát Bộ trưởng Liên minh (JMMC) của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã quyết định giữ nguyên kế hoạch sản xuất dầu.
Giá kim loại tăng trở lại sau khi Tổng thống Trump xác nhận sẽ áp đặt mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu. Giá nhôm theo đó tăng 1.3%. Đáng chú ý, giá vàng tiếp tục vượt đỉnh, tăng hơn 50 USD/oz trong phiên hôm qua, chạm mức cao kỷ lục mới là 2,912 USD/oz. Thông tin Trung Quốc phê duyệt chương trình thí điểm cho phép 10 công ty bảo hiểm đầu tư tối đa 1% tài sản vào vàng thỏi đã góp phần thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại quý này. Mặt khác, mối đe dọa áp thuế 25% lên thép nhập khẩu vào Mỹ dường như không ảnh hưởng đáng kể đến giá quặng sắt tại Châu Á.
Nhịp đập vĩ mô
Eurozone
Niềm tin nhà đầu tư Sentix của Eurozone đã được cải thiện trong tháng 2, với chỉ số tổng hợp tăng 5 điểm lên -12.7, mức đã đạt được hồi tháng 11 trước khi giảm chạm đáy trong vòng một năm vào tháng 12 và tháng 1. Chỉ số đánh giá môi trường hiện tại tăng 4 điểm, nhưng không đáng kể so với kỳ vọng về nền kinh tế trong sáu tháng tới (tăng 6 điểm), cho thấy các nhà đầu tư đang tự tin hơn về triển vọng tăng trưởng của Eurozone cũng như khả năng ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Một số rủi ro từ chính sách thuế quan nhập khẩu đã được Chủ tịch ECB Christine Lagarde nêu bật trong bài phát biểu trước Nghị viện Châu Âu. Tại đó, bà đã đề cập đến bối cảnh kinh tế đầy thách thức hiện nay. Về lạm phát, bà bày tỏ sự tin tưởng rằng áp lực lạm phát của Eurozone đang hạ nhiệt, tạo điều kiện cho ECB đạt được mục tiêu lạm phát trong năm nay. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng triển vọng lạm phát hiện nay đang trở nên bất định hơn do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại.
Mỹ
Câu chuyện thuế quan lại một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu. Mỹ nhập khẩu các kim loại này chủ yếu từ Canada, Mexico, Brazil, Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Úc cũng xuất khẩu thép và nhôm sang Mỹ, nhưng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù chính sách thuế quan của Mỹ có thể tác động đáng kể đến giá cả và dòng chảy thương mại toàn cầu, nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Úc được dự báo là không đáng kể.
Khảo sát người tiêu dùng của Fed chi nhánh New York cho thấy kỳ vọng lạm phát vẫn ổn định vào đầu năm nay. Cụ thể, kỳ vọng lạm phát 1 năm là 3%/năm, không thay đổi so với tháng 12 và tương đương với mức trung bình của năm 2024; kỳ vọng lạm phát 3 năm giữ nguyên với 3%/năm, mức cao nhất trong hơn một năm qua; trong khi kỳ vọng lạm phát 5 năm tăng 0.3% lên 3%/năm. Kết quả khảo sát này trái ngược với các số liệu kỳ vọng lạm phát gần đây của Đại học Michigan, cho thấy mức tăng đáng kể của chỉ số lạm phát trong ngắn hạn. Các thước đo kỳ vọng lạm phát dựa trên thị trường cũng tăng, với tỷ lệ hòa vốn 5 năm tăng hơn 20 bps kể từ đầu năm.
Westpac IQ