JPMorgan Research: Chính sách thương mại Mỹ, giai đoạn hỗn loạn bắt đầu
![Như Quỳnh Như Quỳnh](/uploads/2024/07/10/photo2024-07-0913-48-05-72c5bc599052aeab829fe95b4f0fd4df.jpg)
Như Quỳnh
Junior Analyst
Nhận định của JPMorgan New York.
![](/uploads/2025/02/11/photo6190268284654435219y-3f5634c0928c98e0ea0002f1aecbdc80.jpg)
Những phát đạn đầu tiên đã được bắn ra trong tuần này, đánh dấu khởi đầu của một cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều năm và diễn ra trên nhiều mặt trận. Sau khi Canada và Mexico đồng ý tăng cường lực lượng bảo vệ biên giới với Mỹ, Tổng thống Trump đã rút lại lời đe dọa áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ hai nước này (10% đối với năng lượng nhập khẩu từ Canada) vào cuối tuần, đồng thời hoãn việc áp thuế ít nhất 30 ngày. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa được miễn trừ khỏi mức thuế cao hơn, với mức tăng 10 điểm phần trăm trên toàn bộ thuế suất theo giá trị, đưa mức thuế suất trung bình gia quyền đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên gần 30% (theo trọng số sản phẩm trước cuộc chiến thương mại đầu tiên) hoặc 21% (theo trọng số hiện tại). Phản ứng của Trung Quốc khá hạn chế, với việc áp thêm thuế 15% đối với than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), và 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp và một số loại xe, làm tăng mức thuế suất trung bình gia quyền đối với hàng xuất khẩu của Mỹ thêm 1.0%. Trung Quốc cũng áp dụng thêm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với một số khoáng sản quan trọng và thực hiện các hành động phi thuế quan đối với ba công ty Mỹ.
Việc áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc có thể gây ra một số tác động nhỏ nhưng đáng chú ý đến dữ liệu giá cả và hoạt động kinh tế trong vài tháng tới. Tuy nhiên, hậu quả lâu dài quan trọng hơn là sự xói mòn niềm tin của doanh nghiệp vào một môi trường thương mại ổn định, nhất là khi Trump đang cân nhắc áp thuế mới với châu Âu. Như Lady Gaga từng nói: "Niềm tin giống như một tấm gương, có thể sửa chữa nếu vỡ, nhưng vẫn còn vết nứt". Khi niềm tin của doanh nghiệp vào chính sách thương mại ổn định bị phá vỡ, đầu tư của doanh nghiệp có thể suy giảm trong các quý tới, tương tự như những gì đã xảy ra cuối năm 2019.
Mỹ-Trung lại đối đầu
Năm ngoái, Mỹ đã nhập khẩu 439 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, trong đó dịch vụ chiếm 22 tỷ USD (tính trong bốn quý kết thúc vào quý III/2024). Mức thuế 10% lần này khác với các đợt thuế trước ở ba điểm quan trọng. Thứ nhất, hành động mới nhất được áp dụng trên toàn bộ hàng hóa. Các mức thuế trước đây thường chỉ áp dụng cho các sản phẩm cụ thể sau khi Đại diện Thương mại Mỹ kết luận rằng Trung Quốc đã thực hiện các hành vi thương mại không công bằng.
Thứ hai, miễn trừ “de minimis” cho phép một người nhập khẩu tối đa 800 USD mỗi ngày mà không phải chịu thuế đã bị bãi bỏ. Việc miễn trừ này từng bảo vệ khoảng 40 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc khỏi thuế suất 15-19%, nhưng giờ đây mức thuế này sẽ được áp dụng thêm 10%.
Thứ ba, không có khoản hoàn thuế nào được áp dụng đối với các mức thuế hiện tại. Các doanh nghiệp không còn được hoàn thuế nếu hàng hóa bị tiêu hủy hoặc tái xuất.
Theo ước tính năm 2022 của Ngân hàng Thế giới, khoảng 45% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng tiêu dùng. Nếu tỷ lệ này áp dụng cho khối lượng nhập khẩu năm 2024 (tương đương 200 tỷ USD), thì mức thuế mới có thể làm tăng chi phí tiêu dùng thêm 20 tỷ USD, tương đương 0,1% chỉ số giá tiêu dùng (PCE). Tuy nhiên, tác động thực tế có thể nhỏ hơn một nửa do đồng USD mạnh lên, doanh nghiệp tìm nguồn thay thế ngoài Trung Quốc và khả năng chuyển giá đến người tiêu dùng không hoàn toàn.
Trong Triển vọng 2025, JPMorgan giả định rằng thuế suất đối với Trung Quốc có thể đạt mức 60% như Trump từng đề xuất trong chiến dịch tranh cử, tức là cần tăng thêm 40-50% so với mức hiện tại. Tuy nhiên, việc chỉ tăng thêm 10% lần này và phản ứng hạn chế của Trung Quốc có thể cho thấy Bắc Kinh muốn giữ mức thuế dưới ngưỡng 60%, hoặc đang chờ đợi các động thái lớn hơn của Mỹ trước khi đáp trả mạnh hơn.
Thực tế, việc chỉ tăng thuế 10% lúc này có lẽ phản ánh bối cảnh pháp lý đặc thù mà các mức thuế đang được áp dụng, nhưng khả năng Mỹ tiếp tục nâng thuế trong tương lai vẫn còn cao. Xung đột Mỹ - Trung xoay quanh các vấn đề như vị thế sản xuất, sở hữu trí tuệ và quốc phòng. Tuy nhiên, lệnh hành pháp của Trump về thuế quan mới tập trung vào chuỗi cung ứng opioid, liên quan đến chính sách nhập cư và ma túy, giúp tránh phải đưa ra các lý do kinh tế cụ thể như thiệt hại do thương mại không công bằng.
JPMorgan kỳ vọng quá trình pháp lý sẽ tiếp tục. Cụ thể, sắc lệnh "Chính sách Thương mại Nước Mỹ Trên Hết" mà Trump ký ngày 20/1 đã khởi động một cuộc rà soát thương mại toàn diện, với báo cáo dự kiến công bố vào ngày 1/4. Sắc lệnh này không chỉ áp dụng cho Trung Quốc mà còn xem xét lại thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 năm 2020, đánh giá cuộc điều tra Mục 301 trước đây và xem xét lại quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) của Trung Quốc. JPMorgan dự báo những đánh giá này sẽ làm cơ sở cho đợt thuế quan 30% vào quý III/2025 và có thể mở rộng sang các quốc gia khác.
Trở lại tương lai bất định
Việc hoãn áp thuế đối với Canada và Mexico chỉ kéo dài 30 ngày và có thể tiếp tục hoãn đến sau đợt rà soát thương mại ngày 1/4. Tuy nhiên, ngay cả khi các mức thuế này bị hủy bỏ, thực tế rằng Tổng thống có thể công bố chúng dù USMCA (Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada) vẫn đang có hiệu lực có thể làm giảm động lực mở rộng chuỗi cung ứng xuyên biên giới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến Canada và Mexico mà còn có thể tác động đến các quốc gia khác, vì nếu USMCA không đủ để ngăn chặn thuế quan, thì có khả năng các hiệp định thương mại khác cũng không ngoại lệ. Chính quyền Mỹ có thể coi sự bất ổn này là một “tính năng” chứ không phải “lỗi”, nếu nó buộc các doanh nghiệp phải dần tái định hướng sang sản xuất trong nước. Những mối đe dọa về thuế quan cũng có thể thúc đẩy việc đàm phán lại USMCA, một chủ đề được JPMorgan phân tích chi tiết hơn trong một báo cáo khác.
Trong khi các đợt tăng thuế thực sự có thể làm chậm nền kinh tế, chỉ riêng sự bất ổn thương mại (TPU - Trade Policy Uncertainty) cũng có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Theo nghiên cứu của Caldata và cộng sự, trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đầu tiên, sự bất ổn đã khiến GDP Mỹ giảm khoảng 1% từ đầu năm 2018 đến giữa năm 2019. Nhóm nghiên cứu này đã xây dựng chỉ số TPU tổng hợp dựa trên tần suất xuất hiện của các từ khóa liên quan trong các bài báo, sau đó mô hình hóa mối quan hệ của TPU với sản xuất công nghiệp (IP), kiểm soát tác động của thuế suất và các yếu tố khác. Kết quả cho thấy, với công thức quy đổi %GDP = 1/3 * %IP, mức độ TPU gia tăng đã kéo giảm đáng kể tăng trưởng kinh tế.
Hiện tại, chỉ số TPU đã tăng vọt kể từ tháng 11 năm ngoái. Sau khi chuẩn hóa dữ liệu bằng cách lấy logarit và điều chỉnh theo trung bình và độ lệch chuẩn, chỉ số này cao hơn khoảng 50% so với mức trung bình giai đoạn 2018-2019. Nếu tình trạng bất ổn vẫn duy trì ở mức cao, mô hình này dự báo GDP Mỹ có thể bị kéo giảm hơn 1% trong 1-2 năm tới. Tuy nhiên, do TPU giai đoạn 2018-2019 là cú sốc lớn duy nhất trong dữ liệu lịch sử, nên kích thước mẫu có thể chưa đủ để đưa ra kết luận chính xác. Ngoài ra, mối liên hệ giữa GDP và sản xuất công nghiệp có thể yếu hơn bình thường nếu sự bất ổn ảnh hưởng chủ yếu đến ngành sản xuất mà không lan rộng ra nền kinh tế.
Mặc dù mục tiêu của các chính sách thuế quan là thúc đẩy sản xuất trong nước, nhưng trong ngắn hạn, ngành sản xuất có thể chịu tác động tiêu cực nhiều nhất. Sau cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của Trump, nhiều chỉ số về sản xuất và tâm lý sản xuất đã suy yếu vào năm 2019. Một cuộc khảo sát toàn quốc của Fed Atlanta vào đầu năm 2019 cũng cho thấy các doanh nghiệp sản xuất đã cắt giảm chi tiêu vốn (capex) mạnh hơn so với các ngành khác do lo ngại về thuế quan. Họ cũng có xu hướng đánh giá lại kế hoạch đầu tư năm 2019 nhiều hơn. Với tình hình đàm phán thương mại liên tục biến động, JPMorgan vẫn duy trì dự báo GDP nhưng nhận thấy rủi ro đối với capex bắt đầu gia tăng.
JPMorgan