Action Forex: Vàng tiến gần hơn đến mốc 3,000 USD/oz khi thị trường phớt lờ thuế kim loại, sự chú ý đổ dồn về Chủ tịch Fed Jerome Powell
![Thành Duy Thành Duy](/uploads/2024/03/25/photo2024-03-2423-24-34-3b90c44f7efb470c6342e95d01a07511.jpg)
Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.
![](/uploads/2025/02/11/1.-a-ae680bc847f4951509fde7d07489843a.png)
Bối cảnh chung
USD tăng nhẹ, trong khi vàng đang tiến gần hơn đến mốc tâm lý 3,000 USD/oz sau quyết định tăng thuế nhập khẩu nhôm và thép của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, phản ứng chung của thị trường lại khá thờ ơ với thông tin này. Các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ vẫn tăng điểm nhẹ đêm qua, lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn 10 năm cũng phục hồi. Giới đầu tư dường như đã “chai sạn” với những leo thang căng thẳng thương mại. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu thông báo sắp tới của ông Trump về thuế quan đáp trả có tiếp tục bị thị trường làm ngơ hay không.
Trong tuyên bố hôm thứ Hai, ông Trump đã nâng thuế nhôm từ 10% lên 25% và xóa bỏ các trường hợp miễn trừ đặc biệt dành cho một số quốc gia, bao gồm cả hạn ngạch và ngoại lệ dành cho những sản phẩm nhôm thép cụ thể. Biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 04/03.
Tuy tuyên bố "không có ngoại lệ", ông Trump sau đó lại tỏ ra mềm mỏng và bóng gió khả năng miễn trừ cho Úc, viện dẫn lý do thâm hụt thương mại của nước này với Mỹ. Do vậy, vẫn còn nhiều ẩn số về việc quốc gia và sản phẩm nào cuối cùng sẽ được miễn trừ khỏi mức thuế cao hơn.
Thị trường vẫn đang chờ đợi thêm chi tiết về kế hoạch thuế quan đáp trả của ông Trump, dự kiến công bố trong khoảng từ hôm nay đến ngày mai. Kế hoạch này có thể áp đặt thuế mới lên hàng loạt mặt hàng nhập khẩu để bù đắp cho mức thuế mà các đối tác thương mại áp lên hàng Mỹ. Liên minh Châu Âu (EU) được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mức thuế 10% đánh vào ô tô Mỹ – cao hơn nhiều so với mức 2.5% mà Mỹ áp lên xe nhập khẩu.
Bên cạnh diễn biến thương mại, thị trường cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho bài phát biểu trước Quốc hội của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vào cuối ngày hôm nay, cùng với dữ liệu CPI quan trọng của Mỹ sẽ được công bố vào ngày mai. Bài phát biểu của ông Powell có thể ẩn chứa những thông điệp về triển vọng lãi suất, hơn hết là lời giải cho câu hỏi liệu các nhà hoạch định chính sách có đang cân nhắc tạm dừng nới lỏng tiền tệ lâu hơn hay không, khi mà thị trường lao động gần đây khởi sắc và lạm phát vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Về thị trường tiền tệ, tính đến thời điểm viết bài, USD đang là đồng tiền mạnh nhất kể từ đầu tuần, theo sau là AUD và CHF. Ngược lại, NZD có hiệu suất kém nhất, kế đến là GBP và JPY. EUR và CAD nằm ở nhóm giữa.
Tin vắn thị trường chứng khoán: Nhật Bản nghỉ lễ. Tính đến thời điểm viết bài, chỉ số Hang Seng (HSI) – Hồng Kông, Thượng Hải (SSE) – Trung Quốc và Strait Times – Singapore giảm lần lượt 0.72%, 0.16% và 0.41%. Đêm qua, Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 0.38%, 0.67% và 0.98%. Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ lên 4.493%.
Tình hình kinh tế Úc
Niềm tin người tiêu dùng Westpac tăng nhẹ: Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Westpac tăng 0.1% so với tháng trước lên 92.2 trong tháng 2. Sau khi cải thiện đáng kể từ nửa cuối năm 2024, tâm lý người tiêu dùng đã có dấu hiệu chững lại trong ba tháng gần đây. Westpac nhận định áp lực tài chính lên các hộ gia đình vẫn còn và bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn cũng góp phần làm giảm sự lạc quan.
Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) có thể bắt đầu nới lỏng chính sách tại cuộc họp ngày 17-18/02: Westpac cho rằng dữ liệu kinh tế gần đây về lạm phát lõi, tăng trưởng tiền lương và chi tiêu tiêu dùng cho thấy lạm phát đang "trở lại mục tiêu nhanh hơn" dự kiến. Điều này giúp RBA tự tin giảm lãi suất 25 bps trong tháng này, khởi động chu kỳ nới lỏng ở mức độ "vừa phải" dự kiến kéo dài suốt năm 2025.
Niềm tin doanh nghiệp NAB hồi phục nhưng điều kiện kinh doanh vẫn ảm đạm: Chỉ số niềm tin doanh nghiệp của NAB đã tăng mạnh từ -2 lên 4 trong tháng 1, trở lại vùng tích cực. Dù vậy, điều kiện kinh doanh cơ bản lại xấu đi. Chỉ số điều kiện kinh doanh giảm từ 6 xuống 3. Cụ thể, điều kiện giao dịch giảm từ 10 xuống 6, trong khi lợi nhuận chuyển sang âm, giảm từ 4 xuống -2. Điểm sáng duy nhất là điều kiện việc làm tăng nhẹ từ 4 lên 5. Áp lực chi phí vẫn là mối lo ngại hàng đầu của các doanh nghiệp.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE)
Quan chức BoE Catherine Mann: Cần giảm lãi suất mạnh tay hơn để gửi tín hiệu rõ ràng đến thị trường, vị quan chức đã giải thích lý do bà bất ngờ bỏ phiếu cho việc cắt giảm lãi suất 50 bps vào tuần trước. Trong bài phỏng vấn với Financial Times, Catherine Mann nhấn mạnh "Nhu cầu hiện tại yếu hơn đáng kể so với trước đây", buộc bà phải đánh giá lại rủi ro lạm phát. Bà cho rằng áp lực lạm phát đang giảm nhanh hơn, và với xu hướng này, dự kiến lạm phát sẽ tiệm cận mục tiêu 2% trong năm tới. Quan điểm này trái ngược hẳn so với lập trường “cứng rắn” trước đây của bà, vốn luôn ủng hộ việc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Catherine Mann tin rằng, cần giảm lãi suất mạnh tay hơn để gửi tín hiệu dứt khoát đến thị trường tài chính. Bà lập luận rằng việc cắt giảm lãi suất 50 bps sẽ giúp "loại bỏ nhiễu" và đưa ra thông điệp rõ ràng hơn về việc nới lỏng điều kiện tài chính tại Anh.
Phân tích kỹ thuật giá vàng (XAU/USD)
Về mặt kỹ thuật, giới phân tích đang theo dõi sát sao diễn biến của giá vàng tại mốc tâm lý 3,000 USD/oz, cũng như ngưỡng Fibonacci mở rộng 38.2% (1,810 - 2,789 - 2,584) tại 2,958 USD/oz. Kháng cự mạnh tại vùng giá giữa hai mốc này có thể hạn chế đà tăng của vàng trong lần kiểm nghiệm đầu tiên. Ở chiều ngược lại, nếu vàng xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 2,852 USD/oz, khả năng giá sẽ tiếp tục điều chỉnh về vùng quanh 2,789 USD/oz (trước đó là kháng cự), thậm chí sâu hơn. Dù vậy, nếu giá vượt qua mốc 3,000 USD/oz một cách dứt khoát, mục tiêu tiềm năng tiếp theo sẽ là ngưỡng Fibonacci mở rộng 61.8% tại 3,189 USD/oz.
Đồ thị giá vàng khung 1D
Đồ thị giá vàng khung 4H
Action Forex