Danske Bank Research: Điểm lại một số diễn biến đáng chú ý gần đây – Cuộc chiến thương mại, rủi ro địa chính trị, dữ liệu kinh tế và câu chuyện niềm tin
![Thành Duy Thành Duy](/uploads/2024/03/25/photo2024-03-2423-24-34-3b90c44f7efb470c6342e95d01a07511.jpg)
Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.
![](/uploads/2025/02/10/1.-a-9c18363866c5bc8f239e779437c6fed2.png)
Điểm nhấn tuần
Chiều nay, chỉ số Sentix sẽ cung cấp cho chúng ta những tín hiệu ban đầu về niềm tin của nhà đầu tư tại Châu Âu trong tháng 2. Ở tuần này, dữ liệu quan trọng nhất sẽ là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Mỹ, bên cạnh những diễn biến chính trị tại nước này. Cùng với đó, bài phát biểu trước Quốc hội của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell (thứ Tư) và dữ liệu doanh số bán lẻ (thứ Sáu) cũng sẽ được theo dõi sát sao. Ở một diễn biến khác, giới đầu tư đang chờ đợi xem liệu cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn bị hủy bỏ trong tuần trước do Bắc Kinh tung đòn trả đũa thuế quan, có được nối lại hay không. Lịch kinh tế Eurozone sẽ mỏng hơn, tuy nhiên, báo cáo việc làm Q4 công bố vào thứ Sáu được kỳ vọng sẽ là điểm sáng. Ngoài ra, Hội nghị An ninh Munich sẽ khai mạc vào thứ Sáu, với trọng tâm dự kiến xoay quanh cuộc chiến tại Ukraine và khả năng đàm phán hòa bình.
Những diễn biến đáng chú ý gần đây
Mỹ
Báo cáo thị trường lao động tiếp tục cho thấy những dấu hiệu tích cực. Khảo sát doanh nghiệp cho thấy bảng lương phi nông nghiệp tháng 1 tăng 143,000 việc làm sau điều chỉnh theo mùa, gần với ước tính của chúng tôi là 150,000 (dự báo đồng thuận: 170,000), trong khi dữ liệu của hai tháng trước được điều chỉnh tăng 100,000. Bên cạnh đó, tăng trưởng thu nhập trung bình theo giờ đạt 0.5% so với tháng trước (đã điều chỉnh theo mùa), nhưng chủ yếu là do số giờ làm việc trung bình giảm.
Khảo sát hộ gia đình bị ảnh hưởng đáng kể bởi việc cập nhật điều chỉnh dân số, dẫn đến ước tính về lực lượng lao động và việc làm hộ gia đình tăng 2.2 triệu. Đây là hiệu ứng kỹ thuật thống kê thuần túy và không tác động mấy đến thị trường. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4.1% xuống 4.0%, nhưng do dựa trên khảo sát hộ gia đình nên khó có thể đánh giá chính xác liệu con số này có phản ánh đúng tình trạng thắt chặt trở lại của thị trường lao động hay không. Việc điều chỉnh chuẩn hàng năm đối với dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp trong khoảng 04/2023 - 03/2024 là -598,000, ít tiêu cực hơn so với ước tính ban đầu là -818,000. Nhìn chung, khi liên hệ đến chính sách tiền tệ, báo cáo không mang đến kỳ vọng quá diều hâu hoặc ôn hòa đối với thị trường, nếu loại bỏ các yếu tố gây nhiễu.
Niềm tin người tiêu dùng giảm từ 71.1 trong tháng 1 xuống 67.8 vào tháng 2. Điều đáng chú ý là kỳ vọng lạm phát 1 năm tăng từ 3.3% lên 4.3%, trong khi kỳ vọng 5 năm hầu như không thay đổi. Mặc dù cử tri Đảng Cộng hòa đã tỏ ra lạc quan hơn nhiều về tương lai vào tháng 11 và 12 năm ngoái, nhưng giờ đây cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa dường như đều bày tỏ lo ngại về những hậu quả tiêu cực của chính sách thuế quan. Song, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago – Austan Goolsbee (khuynh hướng ôn hòa và không có quyền biểu quyết) lại không bày tỏ thêm bất kỳ lo ngại nào về lạm phát, đồng thời khẳng định Mỹ đang trên đà trở lại mức lạm phát mục tiêu 2%.
Hôm Chủ nhật, Tổng thống Trump đã công bố kế hoạch áp thuế 25% mới đối với toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu, cộng thêm các mức thuế hiện hành. Điều này, cùng với những biện pháp thuế quan trả đũa tương xứng với mức thuế của các quốc gia khác, dự kiến sẽ được công bố trong ngày hôm nay.
Eurozone
Bài viết được bàn luận sôi nổi nhất về cập nhật của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) liên quan đến lãi suất trung lập đã được xuất bản vào ngày 07/02. Mặc dù bài viết nhấn mạnh những điều nên và không nên làm khi sử dụng ước tính cho các quyết định chính sách tiền tệ trong thời gian thực, nhưng nó cũng tóm tắt phạm vi ước tính rộng, cho thấy lãi suất danh nghĩa trung lập có thể nằm trong khoảng từ 1.75% - 2.25%.
Sản lượng công nghiệp của Đức tiếp tục suy yếu trong tháng 12, giảm 2.4% so với tháng trước, khiến tổng sản lượng Q4 giảm 0.9% so với Q3. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do ngành công nghiệp ô tô và hàng hóa tư bản (máy móc, thiết bị,...). Do đó, những khó khăn trong ngành công nghiệp Đức vẫn chưa được giải quyết và chúng tôi dự báo sản lượng sẽ tiếp tục giảm trong những quý tới. Dù vậy, chỉ số PMI sản xuất phục hồi trong tháng 1, cùng với triển vọng cắt giảm lãi suất từ ECB, đã mang lại một tia hy vọng, có thể giúp ổn định ngành công nghiệp này kể từ nửa cuối năm 2025.
Trung Quốc
Chỉ số CPI cao hơn dự kiến, tăng từ 0.1% lên 0.5% so với cùng kỳ năm trước (dự báo: 0.4%), chủ yếu là do lạm phát lõi tăng từ 0.4% lên 0.6%. Chi tiêu cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến mức tăng này. Việc CPI tăng và nền kinh tế Trung Quốc thoát khỏi vùng giảm phát là một tín hiệu tích cực, nhưng nhìn chung, áp lực giá cả vẫn còn ở mức thấp. Ngoài ra, giá sản xuất tiếp tục giảm, giữ nguyên ở mức -2.3% so với cùng kỳ năm trước.
Địa chính trị
Tổng thống Trump được cho là đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối tuần qua về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Ông Putin cho biết sẵn sàng thảo luận về một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine, nhưng bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ.
Khí tự nhiên
Kho dự trữ khí đốt tự nhiên của Châu Âu đã giảm xuống dưới 50% công suất, đẩy giá lên mức cao nhất trong hơn hai năm. Thị trường khí đốt Châu Âu đang ngày càng khan hiếm, làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng mới trong năm nay. Kịch bản tích cực nhất cho thị trường năng lượng Châu Âu là mùa xuân đến sớm, giúp giảm nhu cầu sưởi ấm. Ngược lại, giá khí đốt tự nhiên tăng cao sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động công nghiệp và tác động đến nhu cầu khí đốt, tương tự như cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022. Với lượng dự trữ đang ở mức báo động, giá khí đốt có thể sẽ neo cao trong suốt năm nay, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn đỉnh điểm hồi năm 2022.
Chứng khoán
Nhìn chung, thị trường chứng khoán toàn cầu nhuộm đỏ vào thứ Sáu, với chỉ số MSCI World giảm 0.7%. Khẩu vị rủi ro đã đảo chiều so với phiên trước, khi tất cả các lĩnh vực đều giảm điểm và chỉ số đo lường biến động VIX tăng. Mặt khác, thị trường chứng khoán Châu Âu lại có màn thể hiện tốt hơn so với Mỹ, vốn chịu ảnh hưởng bởi sự tụt hậu của nhóm các công ty công nghệ lớn.
Những yếu tố tác động cơ bản vẫn còn đó: lợi suất tăng do tiền lương và kỳ vọng lạm phát của hộ gia đình tăng, cùng với dự báo đáng thất vọng từ Amazon (liên quan đến tiền tệ) và kế hoạch đầu tư vốn lớn. Tuy nhiên, tâm lý e ngại rủi ro trong phiên giao dịch hôm qua không đến mức cực đoan, khi cổ phiếu ngân hàng và công nghiệp vẫn tương đối ổn định. Song, thị trường dường như không bị ảnh hưởng bởi thông tin về thuế quan đối với thép của Tổng thống Trump, khi hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ tăng điểm vào đầu giờ chiều nay và thị trường Hồng Kông tăng 1.7%. Chúng tôi hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết (ví dụ như các trường hợp ngoại lệ), tuy nhiên, thuế quan có thể sẽ có lợi cho các nhà sản xuất Bắc Âu, vốn là những nhà sản xuất địa phương tại Mỹ trong một thị trường nhập khẩu ròng, và đã từng hưởng lợi khi thuế quan được áp dụng trước đây.
Lợi suất
Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) toàn cầu biến động mạnh sau báo cáo việc làm của Mỹ hôm thứ Sáu, mặc dù số liệu nhìn chung phù hợp với dự báo. Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 5 bps sau khi báo cáo được công bố và giữ nguyên trong cho đến hết phiên. Dù vậy, kết quả tháng 1 thường chứa nhiều biến động và điều chỉnh thống kê, khiến việc phân tích tín hiệu chính sách trở nên khó khăn. Ban đầu, phản ứng của thị trường Mỹ đã kéo theo lợi suất TPCP Đức kỳ hạn 10 năm tăng, nhưng sau đó lại đảo chiều vào cuối phiên và đóng cửa gần như không đổi. Hiện tại, thị trường dự đoán ECB sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng 85 bps cho đến cuối năm.
Ngoại hối
Mặc dù Mỹ tăng thuế quan, nhưng áp lực lên Nhân dân tệ đã giảm bớt trong những tuần gần đây. Điều này phản ánh sự suy yếu nhẹ của đồng bạc xanh khi lợi suất ngắn hạn của Mỹ đã giảm trong tháng qua. Sau báo cáo việc làm của Mỹ hôm thứ Sáu, USD/CNH đã tăng trở lại trên 7.3000. Chúng tôi dự báo USD/CNH sẽ tiếp tục tăng lên 7.6000 trong 12 tháng tới do cuộc chiến thương mại dự kiến sẽ leo thang trong năm nay. Ở một diễn biến khác, EUR/CNH đã ổn định trong khoảng 7.5200 - 7.6000 suốt tháng qua, tương tự với xu hướng của EUR/USD. Hôm thứ Sáu, EUR/CNH chạm mức thấp nhất của biên độ giao dịch là 7.5400, cùng với sự sụt giảm của EUR/USD sau báo cáo việc làm phi nông nghiệp.
CAD đã có một tuần giao dịch đầy biến động, chủ yếu do những thay đổi liên tục trong chính sách thuế quan của Tổng thống Trump. USD/CAD tăng mạnh vào thứ Hai, lên gần mức cao nhất trong nhiều năm là 1.4800 do ông Trump áp đặt thuế quan mạnh tay đối với Canada. Dù vậy, đà tăng này đã nhanh chóng bị đảo ngược khi Mỹ và Canada đạt được thỏa thuận về thuế quan, trì hoãn việc áp thuế trong 30 ngày để đàm phán. Kết quả là, USD/CAD kết thúc tuần ở mức khoảng 1.4300, tăng 1.1%. Điều này cho thấy bất kỳ tin tức nào liên quan đến Mỹ, đặc biệt trong vấn đề thuế quan, đều là yếu tố tác động chủ đạo đến biến động của USD/CAD hiện tại và trong thời gian tới. Chúng tôi tin rằng CAD vẫn có tiềm năng tăng giá, do vị thế short CAD đang ở mức cao, cùng với khả năng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung bớt leo thang và/hoặc dữ liệu kinh tế Mỹ yếu hơn. Mục tiêu ngắn hạn của chúng tôi cho USD/CAD là 1.4200.
Danske Bank Research