Westpac IQ – Điểm tin sáng: Mỹ chính thức áp thuế, loạt tuyên bố trả đũa được đưa ra, USD nhảy vọt, thị trường sôi động ngay khi vừa mở cửa

Westpac IQ – Điểm tin sáng: Mỹ chính thức áp thuế, loạt tuyên bố trả đũa được đưa ra, USD nhảy vọt, thị trường sôi động ngay khi vừa mở cửa

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

07:49 03/02/2025

Bản tin sáng từ Ngân hàng Westpac.

Điểm chính

  • Chứng khoán biến động mạnh vào cuối phiên giao dịch sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa từ Canada, Mexico và Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 01/02. Đây được xem là dấu hiệu báo trước những biến động tiếp theo.
  • Chỉ số đo lường biến động VIX tăng vọt, khiến các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ quay đầu giảm điểm và đóng cửa trong sắc đỏ. USD tăng mạnh, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn dài cũng nhích lên theo.
  • Các đối tác thương mại bị ảnh hưởng đã ngay lập tức tuyên bố sẽ có biện pháp trả đũa Mỹ trong cuối tuần.
  • Đầu giờ sáng nay, USD tiếp tục tăng giá so với hầu hết các đồng tiền G10, bao gồm cả AUD, hiện đã giảm xuống còn 0.6100. CAD rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003, EUR và MXN cũng chịu áp lực bán đáng kể, giảm mạnh hơn 2% so với USD.

Chứng khoán

Phố Wall khởi đầu phiên giao dịch với sắc xanh sau khi dữ liệu về tiền lương cho thấy tín hiệu tích cực, và chỉ số Nasdaq có lúc tăng đến 1.5%. Dù vậy, tình hình đảo chiều nhanh chóng khi tin tức về việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên ba đối tác thương mại lớn được công bố.

Chỉ số VIX tăng gần 3 điểm, vượt mốc 17, kéo theo đà giảm trên diện rộng của thị trường chứng khoán với 9/11 nhóm ngành đóng cửa trong sắc đỏ. Kết phiên, S&P 500, Dow Jones và Nasdaq giảm lần lượt 0.5%, 0.8% và 0.3%.

Mặt khác, các thị trường chứng khoán lớn ở Châu Âu và Châu Á kết phiên tăng điểm do đóng cửa trước khi tin tức về thuế quan được công bố. Euro Stoxx 50 và FTSE 100 (Anh) tăng lần lượt 0.1% và 0.3%, trong khi DAX (Đức) đi ngang. Chỉ số ASX 200 (Úc) tăng 0.5% vào thứ Sáu, kết tuần trong sắc xanh với mức tăng 1.5%. Trong đó, 9/11 nhóm ngành tăng điểm, dẫn đầu là cổ phiếu vật liệu.

Lợi suất

Đường cong lợi suất TPCP Mỹ dốc lên, với lợi suất kỳ hạn 2 năm giảm 1 bps xuống 4.20%, trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 2 bps lên 4.54%. Hiện tại, thị trường tiền tệ dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng khoảng 46 bps trong phần còn lại của năm 2025.

Lợi suất TPCP tại Châu Âu nhìn chung giảm. Điển hình, lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Đức giảm 6 bps xuống còn 2.46%, trong khi của Anh giảm 2 bps xuống còn 4.54%. Hiện tại, thị trường tiền tệ dự đoán Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất tổng cộng khoảng 85 bps cho đến hết năm 2025, sau lần nới lỏng tuần trước. Bên cạnh đó, thị trường cũng kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng gần 80 bps.

Ở mặt trận khác, lợi suất hợp đồng tương lai TPCP Úc kỳ hạn 3 năm tăng 3 bps lên 3.84%, trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 2 bps lên 4.48%. Với khả năng gần như tuyệt đối, dự kiến Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 04/2025. Ngoài ra, xác suất cho một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 02/2025 hiện rơi vào khoảng 93%. Song, tổng mức cắt giảm dự kiến trong năm 2025 là khoảng 85 bps.

Ngoại hối

Chỉ số DXY nhảy vọt vào đầu giờ sáng nay, chạm mức cao 109.79 và dao động quanh mức 109.65 tại thời điểm viết bài. Mặt khác, các đồng tiền nhạy cảm với rủi ro, bao gồm cả AUD, và các đồng tiền chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc chiến thương mại đang chịu áp lực bán mạnh do bất ổn gia tăng và những tác động tiêu cực tiềm ẩn đến nền kinh tế.

AUD/USD gần như không đổi ở mức 0.6218 vào cuối phiên giao dịch thứ Sáu. Dù vậy, khi thị trường mở cửa sáng nay, cặp tiền đã giảm khoảng 1%, xuống mức thấp nhất là 0.6154. EUR/USD sụt mạnh hơn 2%, xuống còn 1.0211, mức thấp nhất kể từ năm 2022, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố "chắc chắn" sẽ áp thuế lên hàng hóa từ EU. GBP/USD cũng giảm 1%, trong khi USD/CAD vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2003.

Yên Nhật là điểm sáng với USD/JPY tăng nhẹ lên 155.54 tại thời điểm viết bài. Sau động thái thắt chặt tiền tệ cách đây hai tuần, thị trường tiền tệ dự đoán Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay.

Hàng hóa

Giá dầu thô tăng do cuộc chiến thương mại leo thang. Khoảng 40% lượng dầu thô tiêu thụ tại Mỹ đến từ nhập khẩu, trong đó Canada và Mexico đóng góp lần lượt 60% và 11%. Các nhà phân tích cảnh báo rằng nếu nguồn cung bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, giá dầu Brent có thể tăng lên 93 USD/thùng.

Giá kim loại đồng loạt đi xuống, với đồng và nhôm giảm lần lượt 0.9% và 1.24%. Hiệp hội Nhôm Hoa Kỳ đã ra tuyên bố kêu gọi Tổng thống Trump miễn trừ thuế đối với nhôm nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, đồng thời tiếp tục các biện pháp chống lại nhôm Trung Quốc bị bán phá giá.

Giá quặng sắt vẫn duy trì trên mức 105 USD/tấn, được hỗ trợ bởi thông tin Trung Quốc sẽ bị áp thuế, cộng hưởng với những gián đoạn nguồn cung gần đây.

Nhịp đập vĩ mô

Kinh tế Úc

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 0.8% trong Q4/2024, đồng thời ghi nhận mức tăng 3.7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý thứ hai liên tiếp tốc độ tăng PPI hàng năm giảm. Chi phí đầu vào cho xây dựng nhà ở tăng 0.5% so với quý trước, 1.6% so với cùng kỳ năm ngoái và đã duy trì ở mức này trong bốn quý liên tiếp. Sự giảm tốc của chi phí đầu vào đang phản ánh rõ nét trong chi phí đầu ra (hay chi phí xây dựng nhà ở mới), khi chỉ tăng 4.3% so với cùng kỳ năm ngoái trong Q4, mức tăng thấp nhất kể từ Q3/2021. Mặc dù có sự sụt giảm, Cục Thống kê Úc (ABS) lưu ý rằng "hoạt động trong thị trường phi nhà ở, cùng với áp lực từ lĩnh vực xây dựng nhà ở và dân dụng, tiếp tục gây ra sự cạnh tranh gay gắt đối với các nguồn lực hạn chế như lao động."

Ở một diễn biến khác, tín dụng tư nhân tăng 0.6% trong tháng 12, đạt mức tăng 6.5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tín dụng doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 0.8% so với tháng trước và 8.9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn đáng kể so với mức trung bình trước đại dịch. Bên cạnh đó, tín dụng nhà ở cũng ghi nhận mức tăng nhẹ 0.5% trong tháng, đạt mức tăng 5.5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kinh tế Eurozone

Ước tính sơ bộ cho thấy lạm phát HICP của Đức giữ nguyên ở mức 2.8% trong tháng 1, phù hợp với dự báo của thị trường. So với tháng trước, lạm phát toàn phần giảm 0.2% trong tháng 1, sau khi tăng 0.7% vào tháng 12.

Kinh tế Nhật Bản

Lạm phát Tokyo (một chỉ báo sớm cho lạm phát toàn quốc) tăng 3.4% trong tháng 1, vượt mức 3.1% hồi tháng 12 và dự báo 3.0% của thị trường. Đây là mức tăng nhanh nhất trong gần hai năm, một phần do giá thực phẩm. Lạm phát lõi (không bao gồm thực phẩm) tăng 2.5%, phù hợp với dự báo của thị trường và cao hơn một chút so với mức 2.4% hồi tháng trước. Đây cũng là tốc độ tăng nhanh nhất trong một năm.

Dữ liệu thị trường lao động cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ mức 2.5% trong tháng 11 xuống 2.4% vào tháng 12, đồng thời khớp với dự báo của thị trường. Số lượng việc làm tăng thêm 140,000, đạt mức cao kỷ lục mới là 68.2 triệu việc làm. Tỷ lệ số việc làm trên số người tìm việc vẫn ở mức 1.25 trong tháng 1 (tức là cứ 100 người tìm việc thì có 125 việc làm).

Sản lượng công nghiệp tăng 0.3% vào tháng 12, sau khi giảm 2.2% trong tháng 11. Kết quả này cao hơn một chút so với dự báo 0.2% của thị trường. Sản lượng chất bán dẫn và thiết bị điện tử là động lực chính cho mức tăng này, phản ánh nhu cầu chip mạnh mẽ trên toàn cầu.

Kinh tế Mỹ

Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% lên hàng hóa Mexico và hàng hóa phi năng lượng của Canada, cùng với 10% lên năng lượng nhập khẩu từ Canada, đồng thời tăng thêm 10% thuế suất áp lên hàng hóa Trung Quốc. Ước tính cho thấy các biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại trị giá khoảng 1.3 nghìn tỷ USD (tổng giá trị hàng hóa có khả năng bị ảnh hưởng), chiếm 43% tổng kim ngạch nhập khẩu và gần 5% GDP của Mỹ.

Ba đối tác thương mại này đã cam kết sẽ trả đũa. Canada tuyên bố áp thuế 25% lên 106 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ (chiếm khoảng 40% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu từ nước này). Mexico và Trung Quốc cũng cam kết sẽ có biện pháp trả đũa, tuy nhiên chưa công bố chi tiết.

Chỉ số chi phí việc làm (ECI) tăng 0.9% trong Q4, phù hợp với dự báo của thị trường. Chi phí bồi thường tăng nhanh hơn ở khu vực tư nhân, nhưng chậm lại ở khu vực công. So với cùng kỳ năm ngoái, ECI tăng 3.8%, giảm nhẹ so với mức 3.9% của Q3/2024 và là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ Q3/2021. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng chi phí việc làm vẫn phù hợp với mục tiêu lạm phát của Fed, xét đến những kết quả năng suất lao động gần đây.

Về tiền lương, thu nhập cá nhân tăng 0.4% trong tháng 12, đúng như dự báo của thị trường. Mức tăng này chủ yếu đến từ khoản bồi thường cho người lao động, tăng 0.4%, thấp hơn một chút so với con số 0.5% của tháng 11.

Chi tiêu cá nhân tăng mạnh 0.7% trong tháng 12, vượt dự báo 0.5% của thị trường. Kết quả của tháng 11 cũng được điều chỉnh tăng từ 0.4% lên 0.6%. Đà tăng mạnh mẽ của chi tiêu (đặc biệt là chi tiêu cho hàng hóa lâu bền) có thể phản ánh hành vi mua sắm tích trữ của người tiêu dùng Mỹ trước khi các mức thuế mới được áp dụng, làm tăng giá hàng nhập khẩu.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 0.3% trong tháng 12, đúng như dự báo của thị trường. Chỉ số PCE lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) tăng 0.2%, cũng phù hợp với dự báo. So với cùng kỳ năm ngoái, PCE lõi vẫn ở mức 2.8% trong tháng thứ ba liên tiếp. Dù vậy, nếu tính theo năm trên cơ sở sáu tháng, PCE lõi đang ở mức 2.3%, tiến gần hơn đến mục tiêu 2.0% của Fed.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Chicago tăng từ mức 36.9 trong tháng 12 lên 39.5 vào tháng 1, nhưng vẫn thấp hơn một chút so với dự báo 40.0 của thị trường. Mặc dù có sự cải thiện, kết quả này vẫn thấp hơn mức trung bình của năm 2024. Các đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng, trong khi việc làm giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 06/2020.

Westpac IQ

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ