Westpac IQ: Phố Wall chững lại đón báo cáo lạm phát tháng 10; DXY vượt mốc 106.00 đưa USD/JPY đến gần hơn với ngưỡng can thiệp
Thành Duy
Junior editor
Bản tin sáng từ Westpac IQ.
Những điểm chính
Sau khi đưa nhiều chỉ số lên mức cao kỷ lục mới, đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Mỹ đã chững lại. Bất ổn xoay quanh dữ liệu lạm phát tháng 10 sắp được công bố tối nay đã gây áp lực lên Phố Wall. Sự vận động của các “Trump Trade” cũng góp phần tạo nên một số biến động lớn trong phiên giao dịch đêm qua. Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ 10Y-2Y dốc lên, với lợi suất kỳ hạn 10 năm tăng mạnh 13 bps.
USD tiếp tục tăng giá, với chỉ số DXY đạt mức cao nhất kể từ tháng 5. Các số liệu kinh tế sơ bộ yếu kém tại Châu Âu khiến EUR rớt xuống mức thấp nhất trong năm. Giá hàng hóa về cơ bản đi ngang.
Chứng khoán
Sau chuỗi ngày tăng trưởng ấn tượng, đưa giá cổ phiếu lên các đỉnh cao mới, thị trường chứng khoán Mỹ đã tạm dừng đà tăng khi nhà đầu tư bắt đầu thận trọng hơn và đánh giá lại nền tảng của những thành quả này. Bên cạnh đó, sự dè dặt trước thềm công bố báo cáo lạm phát tháng 10 vào tối nay và tác động tiềm tàng của dữ liệu này lên các quyết định sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đè nặng lên tâm lý thị trường. Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis - Neel Kashkari cho rằng việc cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 12 chưa phải là điều chắc chắn. Kết phiên hôm qua, S&P 500 giảm 0.3%, trong khi Nasdaq Composite giảm nhẹ 0.1% sau những nỗ lực phục hồi vào cuối phiên. Dow Jones Industrial Average diễn biến tiêu cực hơn khi giảm mạnh tới 0.9%.
Chứng khoán Châu Âu cũng chìm trong sắc đỏ sau khi dữ liệu kinh tế Anh và Đức công bố chiều qua yếu hơn dự kiến. Chỉ số Euro Stoxx 50 ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 8 với 2.3%. Bên cạnh đó, DAX của Đức và FTSE 100 của Anh giảm lần lượt 2.1% và 1.2%.
Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại các thị trường chứng khoán Châu Á, với Nikkei 225 của Nhật Bản và Hang Seng của Hồng Kông giảm lần lượt 0.4% và 2.8%. Ở mặt trận khác, kết thúc phiên giao dịch với 4/11 nhóm ngành chính chìm trong sắc đỏ, ASX 200 của Úc đóng cửa giảm 0.1%, chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất từ nhóm cổ phiếu khai khoáng và năng lượng, phản ánh diễn biến cùng chiều của giá hàng hóa.
Lợi suất
Kết phiên hôm qua, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng 9 bps lên 4.34%, sau khi chạm mức cao nhất trong phiên là 4.37%. Lợi suất TPCP 10 năm tăng mạnh hơn với 13 bps lên 4.43%. Hiện tại, xác suất Fed hạ lãi suất vào cuộc họp tháng 12 rơi vào khoảng 62%, bên cạnh kỳ vọng về mức cắt giảm tổng cộng 70 bps cho đến cuối năm 2025.
Ngoài thị trường Mỹ, lợi suất TPCP tại Châu Âu cũng tăng. Điển hình, lợi suất TPCP Anh kỳ hạn 10 năm tăng 7 bps lên 4.50%. Sau báo cáo thị trường lao động công bố hôm qua, thị trường đang định giá xác suất Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 12 là 17%.
Lợi suất hợp đồng tương lai TPCP Úc kỳ hạn 3 năm tăng 6 bps lên 4.17%, trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 8 bps lên 4.66%. Hiện tại, thị trường tiếp tục lùi kỳ vọng về lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sang tháng 08/2025, với tổng cộng khoảng 45 bps trong năm này.
Ngoại hối
USD tiếp tục mạnh lên, với chỉ số DXY tăng 0.4%, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 5. Chúng tôi đã cảnh báo về kịch bản này khi các nhà đầu tư tiếp tục đánh giá triển vọng kinh tế và lạm phát dưới thời chính quyền Donald Trump. Chưa kể, dữ liệu lạm phát công bố tối nay còn có thể thúc đẩy USD tăng mạnh hơn nữa, đặc biệt là sau những phát biểu “diều hâu” gần đây của các quan chức Fed.
AUD/USD giảm 0.6%, xuống mức thấp 0.6514 trước khi được kéo trở lại giao dịch quanh 0.6535 tại thời điểm viết bài. Về ngắn hạn, cặp tiền này vẫn dễ bị tổn thương trước đà tăng của đồng bạc xanh. Dù vậy, kỳ vọng về các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc và lập trường “diều hâu” của RBA có thể giúp xua tan phần nào áp lực cho AUD.
EUR/USD giảm 0.4%, nhúng qua ngưỡng 1.0600, chạm đáy mới của năm tại 1.0595. Niềm tin vào triển vọng của nền kinh tế Mỹ tiếp tục gia tăng, trong khi các dữ liệu sơ bộ lại cho thấy Eurozone đang đi theo chiều hướng ngược lại, gây áp lực giảm lên đồng tiền chung.
USD/JPY tăng 0.6%, chạm mức cao 154.92 và hiện vẫn neo gần ngưỡng 155.00. Nhìn chung, thị trường vẫn tiếp tục “cân đo đong đếm” những tác động tiềm tàng của chính sách thuế quan từ Mỹ lên các thị trường Châu Á, và điều này đang gây sức ép lên JPY.
Hàng hóa
Giá dầu tiếp đà giảm nhẹ do USD mạnh lên và việc OPEC một lần nữa hạ dự báo nhu cầu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường. Giá dầu thô WTI và Brent giao dịch quanh mức 68.30 và 71.80 USD/thùng tại thời điểm viết bài.
Kim loại công nghiệp giảm giá phiên thứ ba liên tiếp. Đáng chú ý, giá đồng giảm 2% xuống mức thấp nhất trong hai tháng là 9,144 USD/tấn, trong khi giá nhôm diễn biến ít tiêu cực hơn, chỉ giảm 0.83% xuống 2,565 USD/tấn. Mặt khác, giá quặng sắt nhìn chung đi ngang, với hợp đồng tương lai tại Singapore giao dịch quanh mức 100.45 USD/tấn.
Nhịp đập vĩ mô
Úc: Chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Viện Melbourne tăng 5.3%, từ mức 89.8 điểm trong tháng 10 lên 94.6 điểm vào tháng 11. Niềm tin người tiêu dùng tiếp tục được củng cố sau mức tăng của tháng trước, với chỉ số đánh giá về tình hình hiện tại chỉ còn thấp hơn 5.4 điểm so với mốc trung lập là 100.0 điểm. Nhìn chung, người tiêu dùng Úc cảm thấy áp lực tài chính gia đình đang giảm bớt, và họ không còn quá lo lắng về nguy cơ lãi suất tăng cao hơn nữa, đồng thời tự tin hơn về triển vọng kinh tế.
Chỉ số điều kiện kinh doanh tổng thể giữ nguyên ở mức +7 điểm, xấp xỉ với mức trung bình nhiều năm và mười tháng đầu năm 2024. Các chỉ số phụ của khảo sát về cơ bản cũng ghi nhận kết quả tương tự như tháng trước và mức trung bình nhiều năm. Với bối cảnh điều kiện kinh doanh đang dần ổn định, các doanh nghiệp Úc tỏ ra lạc quan hơn về tương lai, thể hiện qua việc chỉ số niềm tin kinh doanh tăng vọt 7 điểm trong tháng 10 (mức tăng mạnh nhất trong năm) lên +5 điểm (cao nhất trong gần hai năm và tương đương với mức trung bình nhiều năm).
Ngoài ra, tăng trưởng chi phí lao động giảm 0.5% xuống mức tương đương hàng quý là 1.4%, trong khi chỉ số chi phí mua hàng đạt 0.9%, yếu nhất kể từ cuối năm 2020. Những yếu tố này góp phần làm giảm lạm phát chi phí đẩy, hiện ở mức khoảng 0.5% so với quý trước.
Eurozone: Lạm phát toàn phần tại Đức tăng lên 2.0% so với cùng kỳ trong tháng 10, từ mức 1.6% của tháng 9. Con số này là phù hợp với ước tính ban đầu và kỳ vọng của thị trường. Bên cạnh đó, lạm phát lõi tăng nhẹ 0.1% lên 3.0%.
Đáng chú ý, triển vọng tăng trưởng ngắn hạn của Eurozone xấu đi đáng kể trong khảo sát ZEW, có thể do kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ và bất ổn chính trị gia tăng tại Đức. Chỉ số kỳ vọng kinh tế trong sáu tháng tới giảm từ 20.1 điểm xuống còn 12.5 điểm, đánh bay phần lớn mức tăng của tháng trước. Xét trung bình ba tháng qua, chỉ số này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm ngoái.
Mỹ: Các doanh nghiệp nhỏ đã phấn khởi hơn trong tháng 10, với chỉ số lạc quan theo khảo sát của NFIB đạt 93.7 điểm, cao hơn 2.0 điểm so với tháng 8 và tháng 9, nhưng vẫn nằm dưới mức trung bình nhiều năm là 98.0. Niềm lạc quan về triển vọng kinh tế dường như là động lực chính của sự cải thiện này. Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy mức độ bất ổn tăng mạnh.
Điều kiện tín dụng nhìn chung ổn định trong Q3 theo Khảo sát Cán bộ Cho vay Cấp cao. Các tiêu chuẩn cho vay thắt chặt hơn đối với doanh nghiệp nhỏ, nhưng không thay đổi đối với doanh nghiệp lớn, cho thấy sự cải thiện so với quý trước.
Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond - Thomas Barkin, nhận định rằng nền kinh tế đang ở trạng thái tốt và việc người tiêu dùng nhạy cảm với giá cả có thể giúp kiềm chế lạm phát, điều này sẽ tạo thêm điều kiện cho Fed hạ lãi suất. Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis - Neel Kashkari cho rằng, bất kỳ dấu hiệu nóng lên nào trong báo cáo lạm phát sắp tới đều có thể cản trở việc cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 12, và hơn hết là có thể mất một đến hai năm để đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
Anh: Được công bố vào chiều qua, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã tăng từ 4.0% trong Q2 lên 4.3% vào Q3, vượt dự báo 4.1% của thị trường và là mức cao nhất kể từ tháng 5. Số lượng người có việc làm tăng 220,000, thấp hơn đáng kể so với mức 373,000 của giai đoạn trước và cả dự báo 287,000 của thị trường. Bên cạnh đó, tỷ lệ người có việc làm thứ hai trên tổng số người có việc làm cũng giảm xuống 3.7%.
Về tình hình lương bổng, thu nhập trung bình hàng tuần (không bao gồm tiền thưởng) tăng 4.8% so với cùng kỳ trong Q3, thấp hơn một chút so với mức 4.9% của Q2. Mặt khác, thu nhập trung bình (bao gồm tiền thưởng) tăng 4.3% so với cùng kỳ. Về tổng thể, tăng trưởng tiền lương chậm lại ở khu vực tư nhân nhưng tăng tốc ở khu vực công, do ảnh hưởng của các thỏa thuận lương mới cho lực lượng vũ trang và cảnh sát.
New Zealand: Doanh số bán lẻ tăng 0.6% trong tháng 10. Các ngành hàng tăng trưởng bao gồm hàng tiêu dùng lâu bền, may mặc, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Ngược lại, doanh số bán xe cơ giới (không bao gồm nhiên liệu) ghi nhận giảm. So với cùng kỳ năm trước, doanh số bán lẻ chỉ giảm 1.1%, cải thiện đáng kể so với mức giảm 5.6% của tháng 9. Nhìn chung, lĩnh vực bán lẻ đang có dấu hiệu phục hồi, với tháng 10 là tháng tăng trưởng thứ ba liên tiếp, nhờ vào việc cắt giảm thuế hồi cuối tháng 7 và việc Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách từ tháng 8.
Westpac IQ