Bài toán khó cho nỗ lực kiềm chế lạm phát của Fed
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Bất chấp tỷ lệ lạm phát gia tăng, tốc độ phục hồi còn chậm của thị trường việc làm được cho là lý do khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ vững lập trường chính sách tiền tệ và tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp.
Áp lực lạm phát ngày càng gia tăng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 5 tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Theo CNBC, tỷ lệ lạm phát có tầm quan trọng thiết yếu đối với quỹ đạo phát triển kinh tế. Việc lạm phát tăng quá cao có thể buộc Fed phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến, dẫn đến những tác động lớn lên một nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào nợ và bị ràng buộc chặt chẽ với mức lãi suất thấp.
Giới chức Fed liên tục đưa ra lời cam đoan rằng, phần lớn nguyên nhân đẩy lạm phát Mỹ tăng nhanh là do các yếu tố tạm thời, và các yếu tố này được kỳ vọng sẽ giảm bớt khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi và trở lại bình thường sau cú sốc chưa từng có vì đại dịch Covid-19.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm này của Fed. Ông William Foster - Phó chủ tịch phụ trách tín dụng cao cấp tại Moody’s Investors Service nhận định: “Tôi nghĩ mức lạm phát cao hơn đang bị thúc đẩy bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là đối với chất bán dẫn và thị trường ô tô. Các yếu tố này sẽ dần lắng dịu trong phần còn lại của năm nay, khi mọi thứ được bình thường hóa”.
Thị trường việc làm - ưu tiên hàng đầu của Fed
Theo CNBC, nếu quan điểm về lạm phát của Fed chiếm ưu thế, một số vấn đề quan trọng sẽ phải được điều chỉnh đúng hướng, đặc biệt là việc đưa người Mỹ quay trở lại làm việc.
Giải quyết vấn đề việc làm đang là nhiệm vụ hóc búa nhất đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Các số liệu mới nhất do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy, gần 10 triệu người Mỹ trong độ tuổi lao động vẫn đang trong tình trạng thất nghiệp, dù số vị trí việc làm còn trống đã đạt mức kỷ lục 9,3 triệu trong tháng 4.
Trên thực tế, thời gian để đưa người dân Mỹ quay trở lại làm việc càng lâu, các doanh nghiệp sẽ càng phải chi trả nhiều hơn để thu hút lao động. Khi đó, mức lương cao hơn so với trợ cấp thất nghiệp của chính phủ sẽ đẩy giá cả hàng hóa tăng lên và có thể dẫn đến các áp lực lạm phát dài hạn trên mức bình thường, điều mà Fed đang cố gắng tránh.
“Thật không may, chúng tôi nhận ra những lý do chính đáng để cho rằng việc người dân tham gia thị trường lao động có thể sẽ không sớm phục hồi về mức trước đại dịch”, ông Ian Shepherdson, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty tư vấn kinh tế Pantheon Macroeconomics bình luận.
Còn theo ông Omari Swinton - Trưởng khoa kinh tế Đại học Howard, vấn đề “mang tính hệ thống” của tình trạng thiếu hụt lao động mới là mục tiêu quan trọng hơn trong các cuộc họp về chính sách của Fed, nhất là khi nguồn cung lao động có thể bị thu hẹp vĩnh viễn sau đại dịch. “Không ai biết liệu mọi người có đi làm trở lại hay không”, ông Swinton chia sẻ với AFP. “Vì vậy, việc Fed tập trung vào bảo đảm thị trường việc làm phục hồi mạnh mẽ là ưu tiên quan trọng hơn so với việc kiềm chế lạm phát”.
Trong khi tỷ lệ thất nghiệp chính thức của Mỹ đã giảm xuống 5,8% trong tháng 5, các số liệu khác cho thấy những tín hiệu kém tích cực hơn. Tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ da màu vẫn cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình, đạt mức 9,1%.
Người lao động đối mặt với nhiều rào cản
Kết quả nhiều cuộc khảo sát gần đây chỉ ra rằng có nhiều yếu tố đang cản trở người lao động Mỹ trở lại thị trường việc làm, từ nỗi lo ngại về đại dịch vẫn hoành hành; vấn đề chăm sóc trẻ em, nhất là đối với phụ nữ; cho tới các khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung đang bị thu hồi ở khoảng một nửa trong số các bang và sẽ chấm dứt hoàn toàn vào tháng 9.
Còn ở phía doanh nghiệp, nỗi lo ngại về việc người lao động không có đủ kỹ năng phù hợp, vốn âm ỉ trong vài năm trở lại đây, đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong thời kỳ dịch bệnh. Đơn cử, một cuộc khảo sát từ Công ty học trực tuyến Coursera cho thấy Mỹ đã tụt xuống thứ hạng 29 trên thế giới về các kỹ năng kỹ thuật số cần thiết cho các công việc có nhu cầu cao.
Tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong nhân sự đang là vấn đề phổ biến trong giới doanh nghiệp Mỹ hiện nay.
“Fed đang bị mắc kẹt”
Fed hiện đang đánh cược rằng, việc người dân tiếp tục quay trở lại thị trường lao động, đặc biệt là phụ nữ, sẽ giúp giảm áp lực tiền lương và giữ lạm phát trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, quan điểm này đang phải đối mặt với sự phản đối ngày càng gia tăng từ các đảng viên Cộng hòa phản đối kế hoạch chi tiêu của Tổng thống Joe Biden.
“Fed đang bị mắc kẹt”, ông Joseph LaVorgna, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Mỹ tại Ngân hàng đầu tư Natixis và là cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ nhận định. “Áp lực chính trị đối với việc không thay đổi chính sách sẽ rất dữ dội khi nợ chính phủ tăng lên. Nếu Fed không thể loại bỏ các chính sách dư thừa khi nền kinh tế đang bùng nổ, thì làm thế nào các nhà hoạch định chính sách có thể thực hiện điều đó khi tốc độ tăng trưởng chậm lại?”.
Cựu Phó chủ tịch Fed Donald Kohn cho biết: “Cường độ lạm phát hiện tại cùng những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng và thị trường lao động lớn hơn tôi dự đoán”. Ông Kohn cũng chia sẻ quan điểm của giới chức Fed rằng, việc lạm phát gia tăng chỉ mang tính chất tạm thời, song cho biết, “Đây cũng có thể là chỉ dấu cho thấy cán cân cung cầu cơ bản sẽ không được điều chỉnh một cách dễ dàng và thoải mái như Fed mong đợi trước đó”.
Các số liệu cũng cho thấy, triển vọng lạm phát tại Mỹ không hoàn toàn lạc quan như những kỳ vọng của giới chức Fed. Theo chi nhánh của Fed tại bang Atlanta, thước đo lạm phát “cố định” (dựa trên giá các hàng hóa có xu hướng không biến động nhiều theo thời gian) trong tháng 5 đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4-2009.
Link gốc tại đây.
TheSaigontimes tổng hợp theo CNBC, AFP, Reuters, WSJ