Bản tin sáng ngày 03/09 - Westpac IQ: Chứng khoán, hàng hóa, câu chuyện lãi suất, ngoại hối và bánh xe vĩ mô
Thành Duy
Junior editor
Bản tin sáng ngày 03/09 từ Westpac IQ.
Tin chính
Đóng cửa vào ngày lễ Lao động, thị trường chứng khoán Mỹ và chỉ số DXY không có nhiều diễn biến đáng chú ý. Thị trường chứng khoán châu Âu tăng điểm nhẹ. Giá hàng hóa nhìn chung vẫn giảm, với quặng sắt giảm xuống dưới 100 USD do lo ngại về ngành bất động sản của Trung Quốc. Giá dầu thô phục hồi khi câu chuyện nguồn cung quay trở lại.
Thị trường chứng khoán
Chứng khoán Mỹ đóng cửa vào ngày lễ Lao động và không có nhiều diễn biến đáng chú ý.
Chứng khoán châu Âu nhìn chung giao dịch tích cực trong phiên hôm qua, với Euro Stoxx 50 tăng 0.3%, DAX của Đức tăng 0.1%, trong khi FTSE 100 của Anh giảm 0.2%. Một diễn biến đáng chú ý là Volkswagen (+1.3%) thông báo đang xem xét đóng cửa nhà máy ở Đức lần đầu tiên trong nỗ lực cắt giảm chi phí sâu hơn.
Chứng khoán Trung Quốc đã có một phiên giao dịch nhọc nhằn vào ngày hôm qua, với Hang Seng và CSI 300 giảm 1.7%, do lo ngại về sự phục hồi của nền kinh tế của Trung Quốc vẫn hiện hữu. Trong khi đó, Nikkei của Nhật Bản và NIFTY của Ấn Độ lần lượt tăng 0.1% và 0.2%.
Chứng khoán Úc giao dịch tương đối lạc quan, với ASX 200 tăng 0.2% vào ngày hôm qua. Đà tăng chủ yếu được dẫn dắt bởi lĩnh vực tài chính và tiện ích, trong khi lĩnh vực truyền thông và vật liệu có diễn biến tiêu cực. Sự yếu kém của lĩnh vực vật liệu có thể đang phản ánh phần nào tâm lý e ngại rủi ro đối với nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là sự suy giảm của thị trường bất động sản nước này.
Lãi suất
Hợp đồng tương lai lợi suất TPCP Úc không có nhiều biến động, với kỳ hạn 3 năm, 10 năm giảm lần lượt 1 bps, 2 bps xuống còn 3.61% và 4.04%.
Tương tự, kỳ vọng về lãi suất không có nhiều thay đổi vào ngày hôm qua. Thị trường vẫn dự đoán khả năng RBA cắt giảm lãi suất là 65% vào cuối năm (17 bps) và khoảng 75 bps trong năm 2025.
Lợi suất TPCP châu Âu và Anh dốc hơn trong phiên giao dịch hôm qua, Bund kỳ hạn 2 năm và 10 năm lần lượt tăng 3 và 4 bps, trong khi Gilt kỳ hạn 2 năm và 10 năm lần lượt tăng 1 và 4 bps.
Ngoại hối
Chỉ số DXY giao dịch trong phạm vi hẹp 101.60-101.80 và không có nhiều biến động.
AUD/USD tăng 0.4% lên 0.6794. Sau khi chạm mức cao nhất trong năm vào tuần trước (0.6824), AUD/USD đã giao dịch trong phạm vi 0.6750-0.6780. Biến động tiếp theo có lẽ sẽ được thúc đẩy bởi số liệu GDP Q2 của Úc, được công bố vào thứ Tư và bài phát biểu của Thống đốc Bullock vào ngày hôm sau. Bảng lương phi nông nghiệp tháng 8 của Mỹ yếu hơn dự kiến vào thứ Sáu có thể sẽ tạo động lực cho AUD.
JPY mất giá so với USD, với USD/JPY tăng 0.5% lên 146.87.
Hàng hóa
Giá dầu thô WTI cuối tuần qua giảm 3.1%, thủng mức 73 USD/thùng trước khi được kéo trở lại mức 74 USD/thùng. Đà phục hồi xuất phát từ việc Libya thông báo đóng cửa thêm các mỏ dầu, làm giảm nguồn cung dầu trên thị trường. Bloomberg đưa tin, sản lượng tại Công ty Dầu khí Waha đã giảm từ 320,000 thùng/ngày xuống chỉ còn 175,000 thùng/ngày, trong khi mỏ Sarir (145,000 thùng/ngày) đã đóng cửa. Điều này tiếp nối việc đóng cửa mỏ Sharara với sản lượng 270,000 thùng/ngày vào đầu tháng.
Giá quặng sắt giảm xuống dưới 100 USD do các nhà giao dịch vẫn bị chi phối bởi sự yếu kém ngày càng trầm trọng của thị trường bất động sản Trung Quốc. Doanh số nhà mới tại 100 ông lớn bất động sản đã giảm 27% so với cùng kỳ trong tháng 8, phát đi tín hiệu thị trường suy yếu hơn nữa.
Nhìn chung, giá kim loại vẫn dễ bị tổn thương do lo ngại về tình hình thị trường bất động sản yếu kém của Trung Quốc.
Kinh tế Úc
Hàng tồn kho của doanh nghiệp Úc tăng nhẹ 0.1% trong Q2, tiếp nối mức tăng 1.5% (đã được điều chỉnh từ ước tính ban đầu là 1.3%) trong Q1. Với kết quả này, dự kiến tồn kho hàng hóa của các doanh nghiệp tư nhân phi nông nghiệp sẽ kéo giảm 0.5% GDP Úc trong Q2.
Lợi nhuận của các công ty niêm yết giảm 5.3%. Nguyên nhân chính là do lợi nhuận ngành khai thác giảm 10.9%, bởi giá hàng hóa yếu hơn. Lợi nhuận phi khai thác cũng giảm 0.9% trong Q2, sau mức tăng 0.7% trong Q1. Lợi nhuận phi khai thác không bao gồm dịch vụ tài chính giảm 0.8% trong Q2. Điều này cho thấy tăng trưởng lợi nhuận phi khai thác tiếp tục yếu đi do nhu cầu trong nước đình trệ.
Tăng trưởng tiền lương danh nghĩa tiếp tục chậm lại, khi chỉ nhích nhẹ 0.7% so với Q1 trong Q2 và 5.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng theo tháng chậm nhất kể từ Q3/2021 và thậm chí còn thấp hơn trung bình 1.0% trước đại dịch trong thập kỷ qua. Tính theo tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong sáu tháng, tiền lương danh nghĩa chỉ tăng 3.1%, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình trước đại dịch.
Chỉ số giá nhà do CoreLogic tính toán tăng 0.5% trong tháng 8, bằng với mức tăng trong hai tháng trước đó và tiếp tục đà giảm kể từ cuối năm ngoái. So với cùng kỳ, chỉ số này dù tăng 7.1% nhưng đã giảm đáng kể từ mức đỉnh 10.9% vào tháng 2. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản Úc đang có sự phân hóa rõ rệt với mức tăng giá mạnh tại Perth, Adelaide và Brisbane; trong khi Sydney tăng chậm hơn và Melbourne thậm chí ghi nhận mức giảm giá.
Phê duyệt xây dựng nhà ở mới đã tăng trưởng mạnh mẽ 10.4% trong tháng 7, hoàn toàn đảo ngược mức giảm 6.4% của tháng 6. Thị trường chứng kiến sự biến động lớn trong vài tháng qua, chủ yếu do số lượng dự án căn hộ cao tầng được phê duyệt lên xuống thất thường. Tuy nhiên, các phân khúc ổn định hơn như nhà ở riêng lẻ, hay các dự án nhà ở quy mô vừa và nhỏ đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi, dù khởi điểm khá thấp. Tại Tây Úc, thị trường chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể. Trong khi đó, sự biến động của thị trường căn hộ cao tầng đã tác động lớn đến New South Wales và Victoria.
Chỉ số lạm phát của Viện Melbourne giảm 0.1% trong tháng 8, sau mức tăng 0.4% trong tháng 7. Đây là mức giảm đầu tiên trong gần 6 tháng và phần lớn phản ánh việc hạ giá điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ.
Số lượng tin tuyển dụng tiếp tục giảm 2.1% trong tháng 8, theo sau con số 2.7% (đã được điều chỉnh tăng) trong tháng 7. Số lượng tin tuyển dụng đã giảm 29.8% từ đỉnh vào tháng 11/2022, nhưng vẫn cao hơn 11.4% so với mức trước đại dịch.
Kinh tế Trung Quốc
Chỉ số PMI Sản xuất Caixin tăng lên 50.4 trong tháng 8, từ 49.8 trong tháng 7. Con số này cao hơn một chút so với mức 50.0 mà thị trường kỳ vọng. Đơn đặt hàng mới được cải thiện do nhu cầu phục hồi và các biện pháp khuyến mãi. Tuy nhiên, đơn đặt hàng xuất khẩu giảm xuống 49.4 trong tháng 8, từ 50.5 trong tháng 7, mức dưới 50.0 đầu tiên trong năm nay và thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Đơn đặt hàng từ nước ngoài đối với hàng tiêu dùng đặc biệt yếu. Kết quả này có phần trái ngược với chỉ số PMI Sản xuất chính thức của Trung Quốc, vốn đã duy trì dưới mức 50.0 trong bốn tháng liên tiếp.
Kinh tế châu Âu
Tổng thể, chỉ số PMI Sản xuất tháng 8 (HCOB) ước tính cuối cùng đã được điều chỉnh tăng nhẹ từ mức 45.6 ban đầu lên 45.8. Chỉ số PMI cho thấy hoạt động sản xuất vẫn yếu trong Q3. Cụ thể, chỉ số PMI Sản xuất tăng từ 47.4 trong tháng 7 lên 49.4 tại Ý, nhưng giảm ở tất cả các quốc gia khác. Đáng chú ý, chỉ số PMI Sản xuất ở Pháp và Đức vẫn suy giảm mạnh.
Westpac IQ