Danske Bank Research: Kịch tính đến những phút cuối cùng - FOMC sẽ cắt giảm lãi suất 25 hay 50 bps?
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của Danske Bank Research.
Điểm nóng hôm nay
Tâm điểm chú ý hôm nay sẽ là quyết định lãi suất của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào lúc 01:00 ngày 19/09 theo giờ Việt Nam. Chúng tôi dự kiến FOMC sẽ giảm 25 bps, đưa lãi suất quỹ liên bang xuống phạm vi 5.00-5.25%. Tuy nhiên, thị trường sáng nay lại định giá xác suất giảm 50 bps lên tới 65%. Mặc dù Fed được cho là sẽ bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất, chúng tôi dự kiến sẽ không có thay đổi nào về tốc độ thắt chặt định lượng (QT). Trong dự báo cập nhật về lãi suất, chúng tôi kỳ vọng sẽ có tổng cộng 3 lần cắt giảm 25 bps trong năm nay (so với trước đó là 1 lần); tiếp đó là 6 lần tương tự trong năm 2025 (so với trước đó là 4 lần).
Châu Âu sẽ công bố ước tính cuối cùng cho dữ liệu lạm phát tháng 8. Dữ liệu này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn sâu hơn về các yếu tố tác động đến lạm phát trong tháng 8, đặc biệt là chỉ số lạm phát trong nước “LIMI”. Lạm phát nội địa duy trì ở mức cao là nguyên nhân chính khiến chúng tôi tin rằng Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ chỉ áp dụng cách tiếp cận thận trọng và chậm rãi trong việc cắt giảm lãi suất.
Tại Thụy Điển, báo cáo lực lượng lao động tháng 8 sẽ được công bố vào chiều nay. Dự báo cho thấy tỷ lệ thất nghiệp sau khi điều chỉnh các yếu tố mùa vụ sẽ tăng nhẹ lên 8.5%. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả là biến động số lượng việc làm, cũng như giờ làm việc, vì chúng là những chỉ số then chốt để đánh giá tăng trưởng thu nhập hộ gia đình và hoạt động sản xuất. Cả hai yếu tố này đều giảm bất ngờ trong tháng 7, nhưng chúng tôi kỳ vọng sẽ có sự phục hồi trong tháng 8.
Diễn biến tin tức
Dữ liệu doanh số bán lẻ của Mỹ được công bố tối qua ghi nhận mức tăng 0.1% trong tháng 8. Kết quả này dù thấp hơn đáng kể so với mức tăng 1.0% của tháng trước nhưng lại là tín hiệu tích cực nếu đặt cạnh dự báo giảm 0.2%, cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng vẫn ổn định. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp cũng tăng trưởng mạnh mẽ với 0.8%, trong khi tháng trước giảm 0.9% và dự báo chỉ đạt 0.2%. Chúng tôi không cho rằng những số liệu này sẽ ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Fed hôm nay. Như đã đề cập, chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo về việc cắt giảm lãi suất 25 bps.
Tại Đức, chỉ số ZEW – thước đo tâm lý kinh tế – giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 9. Chỉ số kỳ vọng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một năm; trong khi chỉ số tình hình hiện tại giảm xuống mức thấp nhất kể từ đại dịch Covid-19. Nhìn chung, chỉ số tình hình hiện tại đã ở mức thấp trong suốt năm qua và chỉ số kỳ vọng đã giảm trong ba tháng liên tiếp sau đợt phục hồi mạnh mẽ vào mùa xuân.
Ở mặt trận khác, chỉ số CPI của Canada tăng 2.0% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8 (trước đó và dự báo lần lượt là 2.5% và 2.1%). So với tháng trước, chỉ số CPI giảm 0.2% (trước đó tăng 0.4% và dự báo không đổi). Số liệu lạm phát thấp hơn dự kiến đã làm dấy lên suy đoán rằng Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) có thể cắt giảm lãi suất tới 50 bps tại cuộc họp tháng 10. Trong thông báo chính sách tiền tệ hồi đầu tháng, Thống đốc BoC Tiff Macklem cho biết BoC cần phải thận trọng hơn với khả năng lạm phát giảm xuống dưới mục tiêu do tăng trưởng kinh tế yếu. Mặc dù thị trường vẫn đánh giá mức 25 bps là khả thi nhất, nhưng xác suất cắt giảm 50 bps hiện tại đã tăng lên 47% sau khi số liệu lạm phát được công bố.
Thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng nhẹ vào ngày hôm qua nhưng nhìn chung vẫn trong trạng thái thận trọng chờ đợi quyết định từ cuộc họp FOMC. Tuy nhiên, tâm lý trước thềm công bố là khá tích cực, thậm chí chỉ số S&P 500 có thời điểm đã vượt đỉnh lịch sử ghi nhận hồi giữa tháng 7. Các cổ phiếu có tính chu kỳ cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt, được thúc đẩy bởi kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất 50 bps, trong đó nhóm vốn hóa nhỏ lại có hiệu suất vượt trội hơn. Thị trường chứng khoán châu Á giao dịch trái chiều vào sáng nay, trong khi chứng khoán Mỹ vẫn tương đối tích cực và chứng khoán Châu Âu giảm nhẹ.
Quan điểm của Danske Bank Research
Sự kiện chính của hôm nay là cuộc họp FOMC, nơi các nhà đầu tư sẽ tập trung theo dõi xem Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 hay 50 bps, cũng như các thông điệp của ngân hàng trung ương này về chính sách tiền tệ trong tương lai. Hiện tại, thị trường vẫn đang chia rẽ quan điểm về mức độ cắt giảm lãi suất. Chúng tôi cho rằng Fed sẽ cắt giảm 25 bps và phản ứng của thị trường sẽ phụ thuộc phần lớn vào luận điệu của họ sau cuộc họp. Một động thái cắt giảm 25 bps cùng với luận điệu “ôn hòa” có thể sẽ được thị trường đón nhận tích cực hơn.
Thị trường ngoại hối
Thị trường ngoại hối giao dịch trầm lắng trong ngày hôm qua, không có biến động đáng kể nào ở nhóm G10, khi các nhà đầu tư chờ đợi kết quả từ cuộc họp FOMC. Nhìn chung, USD tăng nhẹ, EUR/USD giao dịch quanh ngưỡng 1.1100, trong khi USD/JPY tăng trở lại trên 142.00. Các đồng tiền Bắc Âu cũng ít biến động với EUR/NOK và EUR/SEK giao dịch quanh ngưỡng 11.80 và 11.30. Điều này càng thể hiện rõ sự thận trọng của thị trường trong lúc chờ đợi quyết định của Fed, một yếu tố “then chốt” sẽ định hình tâm lý giao dịch và xu hướng của thị trường ngoại hối trong thời gian tới.
Nhận định
Các cặp tiền chính
EUR/USD giao dịch đi ngang trong phiên hôm qua khi các nhà đầu tư chờ đợi quyết định lãi suất của Fed. Dữ liệu doanh số bán lẻ của Mỹ dường như không có tác động đáng kể đến thị trường. Hiện tại, mọi sự chú ý đều đang đổ dồn vào Fed và chúng tôi duy trì quan điểm rằng USD sẽ tăng giá trong ngắn hạn do khả năng ngân hàng trung ương này sẽ chỉ cắt giảm lãi suất 25 bps. Do đó, thị trường có thể sẽ phản ứng tiêu cực nếu Fed đưa ra quyết định “diều hâu” hơn dự kiến, đặc biệt khi mức cắt giảm 39 bps đã được định giá. Điều này có thể dẫn đến việc nhà đầu tư nhanh chóng thoát các vị thế bán USD.
Các đồng tiền Bắc Âu
Quyết định lãi suất của Fed cũng sẽ là yếu tố chính chi phối diễn biến của các đồng tiền Bắc Âu trong thời gian tới. Rủi ro tiềm ẩn là Fed có thể thông qua mức 25 bps và đi kèm thông điệp “diều hâu” hơn dự kiến, hoặc thậm chí là mạnh tay cắt giảm 50 bps nhưng với luận điệu bi quan về triển vọng kinh tế. Điều này có thể sẽ tác động tiêu cực đến khẩu vị rủi ro, đồng thời gia tăng áp lực bán tháo lên SEK và NOK. Ngược lại, nếu Fed đưa ra quyết định cắt giảm 25 bps hoặc thậm chí 50 bps, đi kèm lập trường “ôn hòa” hơn, SEK và NOK có thể hưởng lợi và tăng giá so với USD. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm lạc quan về NOK trong ngắn hạn, nhưng lưu ý rằng diễn biến của đồng tiền này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khẩu vị rủi ro của thị trường.
Thị trường trái phiếu
Lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng nhẹ vào ngày hôm qua sau khi dữ liệu doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp của Mỹ khả quan hơn một chút so với dự kiến.
Châu Âu sẽ không công bố thêm báo cáo kinh tế quan trọng nào ngoài ước tính cuối cùng cho CPI, vốn thường không có tác động đáng kể đến thị trường. Tuy nhiên, một số bài phát biểu của các quan chức ECB trong ngày hôm nay sẽ được giới đầu tư theo dõi sát sao để tìm kiếm manh mối về định hướng chính sách tiền tệ của ECB.
Trên thị trường trái phiếu Châu Âu, tâm điểm chú ý là phiên đấu giá kép trái phiếu chính phủ (TPCP) Đức kỳ hạn 30 năm, với lãi suất coupon lần lượt là 2.5% và 1.8%, đáo hạn vào năm 2054 và 2053. Kỳ hạn 30 năm được cho là vẫn hấp dẫn do chênh lệch ASW (phần bù rủi ro so với lãi suất hoán đổi) vẫn ở mức cao, mặc dù lợi suất đang có xu hướng đảo ngược nhẹ từ kỳ hạn 20 năm đến 30 năm. Do đó, chúng tôi kỳ vọng lượng cầu sẽ khá dồi dào tại phiên đấu giá này.
Chính phủ Ý cũng sẽ tổ chức phiên đấu giá TPCP kỳ hạn từ 8 đến 13 năm. Kế hoạch ngân sách của chính phủ Ý nhằm giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới ngưỡng 3% vào năm 2026 được cho là sẽ hỗ trợ nhu cầu đối với TPCP Ý. Bên cạnh đó, chênh lệch lợi suất giữa TPCP Ý và Đức cũng có khả năng thu hẹp hơn nữa do kế hoạch này được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện điểm tín nhiệm của Ý trong mắt các tổ chức xếp hạng.
Về phía Đan Mạch, Cục Quản lý nợ công sẽ tổ chức phiên đấu giá TPCP kỳ hạn 2 năm và 10 năm và chúng tôi cho rằng nhu cầu sẽ ở mức cao, bất chấp chênh lệch lợi suất so với TPCP Đức tương đối thấp.
Danske Bank Research