Bản tin sáng ngày 05/09 - Westpac IQ: Chứng khoán, câu chuyện lãi suất, ngoại hối, hàng hóa và bánh xe vĩ mô

Bản tin sáng ngày 05/09 - Westpac IQ: Chứng khoán, câu chuyện lãi suất, ngoại hối, hàng hóa và bánh xe vĩ mô

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

10:00 05/09/2024

Nhận định của Westpac IQ.

Điểm chính

  • Lợi suất trái phiếu Mỹ đồng loạt đi xuống sau khi báo cáo việc làm cho thấy số liệu yếu hơn dự kiến, phản ánh kỳ vọng của thị trường về khả năng Fed sẽ có những đợt giảm lãi suất mạnh tay hơn, bắt đầu từ tháng 9. Lợi suất trái phiếu tại châu Âu và Úc cũng đồng loạt giảm.
  • “Gã khổng lồ” chip Nvidia tiếp tục trượt dốc, nâng tổng mức giảm trong hai ngày lên 11%. Đây là mức giảm mạnh nhất trong hai ngày kể từ tháng 10/2022, kéo theo sau là nhóm cổ phiếu công nghệ và các chỉ số chứng khoán chính.
  • Chỉ số DXY, theo dõi sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ sáu đồng tiền chủ chốt, giảm về gần 101.20. Ngược lại, AUD tăng giá so với đồng bạc xanh.
  • Giá dầu thô giảm xuống dưới 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 12/2023; trong khi giá quặng sắt giảm xuống gần ngưỡng 90 USD/tấn.

Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ: Chỉ số S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 0.2% và 0.3% do ảnh hưởng của cổ phiếu Nvidia. Điểm sáng hiếm hoi là chỉ số Dow Jones, với mức tăng nhẹ 0.1%.

Chứng khoán châu Âu: Các chỉ số chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm điểm. Cụ thể, Euro Stoxx 50 giảm 1.3%, FTSE 100 giảm 0.4% và DAX giảm 0.8%.

Chứng khoán châu Á: Thị trường chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ sau phiên giảm điểm của thị trường Mỹ. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản điều chỉnh tới 4.2% - mức giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 8. Các thị trường chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải cũng giảm lần lượt 1.1% và 0.7%.

Chứng khoán Úc: Tâm lý lo ngại rủi ro lan rộng từ thị trường Mỹ khiến chỉ số ASX 200 giảm 1.9%. Tất cả các nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ, dẫn đầu là năng lượng và nguyên vật liệu với mức giảm 3%. Thị trường chứng khoán phái sinh cho thấy một số tín hiệu tích cực vào đầu phiên giao dịch sáng nay.

Lãi suất

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm giảm 11 bps xuống 3.75%; trong khi kỳ hạn 10 năm giảm 8 bps xuống 3.76%. Chênh lệch lợi suất giữa hai kỳ hạn này hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022. Thị trường hiện đang kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng 110 bps trong năm 2024 và 120 bps trong năm 2025. Kỳ vọng này đã tăng lên so với mức 97 bps cho năm 2024 được dự báo hồi đầu tuần.

Lợi suất trái phiếu tại Đức và Anh cũng giảm sau khi dữ liệu công bố cho thấy áp lực lạm phát tại các nền kinh tế này đang hạ nhiệt. Bund và Gilt kỳ hạn 2 năm lần lượt giảm 6 bps và 5 bps; trong khi kỳ hạn 10 năm lần lượt giảm 5 bps và 6 bps.

Lợi suất trái phiếu Úc cũng giảm trong bối cảnh thị trường dự báo RBA sẽ sớm phải nới lỏng chính sách tiền tệ. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 năm giảm 5 bps xuống 3.51%; trong khi kỳ hạn 10 năm giảm 5 bps xuống 3.91%. Theo dữ liệu từ thị trường hoán đổi lãi suất kỳ hạn, thị trường hiện dự báo RBA sẽ cắt giảm 22 bps vào cuối năm 2024, với một đợt ngay trong năm nay. Đợt cắt giảm gần như chắc chắn của RBA được dự báo sẽ diễn ra vào tháng 2/2025.

Ngoại hối

USD giảm 0.5% do lợi suất trái phiếu Mỹ giảm và kỳ vọng Fed hạ lãi suất tăng cao. Chỉ số DXY giảm xuống mức thấp 101.24 sau báo cáo JOLTS về thị trường lao động, trước khi khép lại phiên giao dịch tại 103.28.

AUD tăng 0.2% so với USD, lên mức 0.6724. Sau khi chạm mức thấp nhất trong ngày là 0.6686 do giá quặng sắt giảm và dữ liệu GDP Q2 không mấy khả quan, AUD/USD đã phục hồi và có thời điểm tăng lên mức 0.6749. Nếu báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ công bố vào thứ Sáu tới cho thấy số liệu yếu hơn dự kiến, AUD có thể sẽ tiếp tục tăng giá.

JPY tăng giá mạnh so với đồng bạc xanh, USD/JPY giảm 1.2% xuống 143.64. Đà tăng của JPY được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng USD và báo cáo PMI Dịch vụ của Nhật Bản cho thấy lạm phát giá đầu vào vẫn ở mức cao.

Hàng hóa

Giá dầu thô giảm 1.6%, xuống dưới mức 70 USD/thùng khi hoạt động sản xuất dầu của Libya sẽ sớm được nối lại. Điều này đã lấn át những suy đoán về việc OPEC+ có thể trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng vào cuối năm nay.

Giá quặng sắt tiếp tục giảm, xuống gần ngưỡng 90 USD/tấn do giới đầu tư lo ngại về sự suy yếu hơn nữa của thị trường bất động sản Trung Quốc.

Nhìn chung, giá kim loại có dấu hiệu ổn định trở lại sau phiên giảm mạnh do lo ngại về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Kinh tế Úc

Về tổng thể, nền kinh tế Úc đã tăng trưởng chậm lại trong Q2, với GDP chỉ tăng 0.2% so với quý trước và 1.0% so với cùng kỳ. Kết quả tổng thể nhìn chung phù hợp với dự báo của Westpac và thị trường.

Điểm đáng chú ý là chi tiêu hộ gia đình giảm 0.2% so với quý trước. Đây là mức giảm hàng quý lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 (ngoại trừ giai đoạn đại dịch). Hơn hết, mức giảm này là khá đáng kể trong bối cảnh dân số Úc tăng trưởng mạnh, 0.6% trong Q2 (mức tăng theo quý mạnh thứ hai từng được ghi nhận). Sự suy yếu kéo dài của chi tiêu hộ gia đình rõ ràng đang ảnh hưởng nặng nề hơn đến lĩnh vực kinh doanh. Đầu tư kinh doanh chỉ tăng 0.1% so với Q1 và 2.2% so với cùng kỳ trong Q2, thấp hơn nhiều khi so với mức tăng 4.5% ghi nhận trong Q1. Do đó, tổng cầu tư nhân (bao gồm chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh) không thay đổi trong Q2.

Sự yếu kém của cầu tư nhân cho thấy khả năng quá trình phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra chậm, hoặc yếu hơn so với dự báo. Đây là một rủi ro đáng kể mà chúng tôi đã từng nhấn mạnh trước đây.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Úc hiện đang thấp hơn nhiều so với xu hướng chung và là mức thấp nhất kể từ cuộc suy thoái đầu những năm 1990 (không tính giai đoạn đại dịch). Đáng chú ý, tăng trưởng GDP bình quân đầu người đặc biệt yếu kém trong bối cảnh dân số tăng 2.5%/năm. Úc hiện đã ghi nhận sáu quý liên tiếp tăng trưởng GDP bình quân đầu người âm - chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 1959 (theo ước tính hàng quý).

Áp lực chi phí cơ bản nhìn chung không thay đổi, với mức giảm trong tăng trưởng thu nhập trung bình bù đắp cho kết quả năng suất lao động yếu kém. Chi phí lao động đơn vị (một thước đo quan trọng về áp lực chi phí trong nước) đã tăng 1.8% trong vòng 6 tháng qua, gần bằng với con số của Q1 và vẫn thấp hơn mức trung bình trong năm 2019 - thời điểm mà lạm phát cơ bản vẫn duy trì dưới mục tiêu 2-3% mà RBA đề ra.

Tóm lại, dữ liệu kinh tế Q2 mang đến nhiều tín hiệu trái chiều đối với RBA. Một mặt, tăng trưởng kinh tế chậm lại cho thấy chính sách tiền tệ thắt chặt đang phát huy tác dụng trong việc kiểm soát lạm phát. Mặt khác, bức tranh ảm đạm của chi tiêu tiêu dùng cho thấy chính sách này cũng đang gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Trong khi đó, áp lực chi phí trong nước cũng là một yếu tố khiến RBA phải dè chừng.

Kinh tế Nhật Bản

Chỉ số PMI Dịch vụ Jibun Bank của Nhật Bản được điều chỉnh từ 54.0 (ước tính sơ bộ) xuống 53.7 trong tháng 8, cho thấy sự giảm sút nhẹ so với mức 54.0 ghi nhận trong tháng 7. Đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ hai liên tiếp; doanh số xuất khẩu cũng tăng trở lại, sau khi giảm trong tháng 7. Chi phí đầu vào cao hơn do tiền lương, nguyên vật liệu và vận chuyển tăng. Niềm tin kinh doanh vẫn lạc quan và cao hơn mức trung bình trong dài hạn.

Kinh tế Trung Quốc 

Chỉ số PMI Dịch vụ Caixin của Trung Quốc giảm từ 52.1 trong tháng 7 xuống còn 51.6 trong tháng 8. Nguyên nhân là do tăng trưởng đơn đặt hàng mới giảm tốc và sự điều chỉnh nhẹ trong chỉ số việc làm. Con số cũng này thấp hơn so với mức 52.2 mà thị trường dự báo. Về giá cả, lạm phát chi phí đầu vào tăng tốc lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2023. Trong khi đó, chi phí sản xuất giảm lần đầu sau 7 tháng.

Kinh tế Canada

BoC đã quyết định cắt giảm lãi suất thêm 25 bps, xuống còn 4.25% trong tháng 9. Ngân hàng trung ương này cho biết, nếu dữ liệu diễn biến như dự kiến, họ sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Các lựa chọn thay thế cho chuỗi cắt giảm 25 bps đã được thảo luận, nhưng có sự đồng thuận lớn đối với quyết định giảm 25 bps trong tháng 9. Mặc dù tăng trưởng GDP Q2 của Canada khả quan hơn kỳ vọng, nhưng BoC nhận định nền kinh tế đang có dấu hiệu "hụt hơi" và kết thúc quý trong trạng thái yếu kém. Tăng trưởng việc làm tiếp tục chậm lại, trong khi tốc độ tăng lương vẫn cao so với năng suất lao động.

Các thước đo lạm phát cơ bản ưa thích của BoC rơi vào khoảng 2.5%. Bên cạnh đó, tỷ lệ các mặt hàng/dịch vụ trong rổ tính CPI có mức tăng giá trên 3.0% đang gần với trung bình của nhiều năm trước. Lạm phát giá nhà ở vẫn là yếu tố lớn nhất kéo lạm phát chung lên, nhưng đang bắt đầu chậm lại. Bên cạnh đó, lạm phát vẫn ở mức cao trong một số dịch vụ khác. Nguồn cung dư thừa trong nền kinh tế tiếp tục tạo giúp kìm hãm lạm phát; trong khi giá nhà ở và một số dịch vụ khác tăng lại giữ lạm phát ở mức cao.

Kinh tế châu Âu

Chỉ số PMI Dịch vụ của châu Âu được điều chỉnh giảm từ mức ước tính sơ bộ là 53.3 xuống 52.9. Mặc dù vẫn cho thấy sự mở rộng, nhưng cần lưu ý rằng Olympic Paris 2024 đã có một số tác động nhất định đến kết quả khảo sát. Bức tranh kinh tế khu vực cho thấy sự tương phản rõ rệt: ngành dịch vụ tăng trưởng ổn định trong khi ngành sản xuất lại rơi vào suy thoái. Sự phân hóa cũng diễn ra giữa các thành viên, với Đức và Pháp cho thấy sự yếu kém rõ rệt, trong khi Tây Ban Nha, Ý và các nước ngoại vi lại ghi nhận hoạt động kinh tế tích cực.

Kinh tế Anh

Chỉ số PMI Dịch vụ của Anh đạt 53.7 (ước tính sơ bộ là 53.3), cho thấy hoạt động kinh tế tiếp tục tăng trưởng sau cuộc bầu cử và áp lực lạm phát giảm bớt. Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng việc tăng lương là một vấn đề đáng quan ngại.

Kinh tế Mỹ

Số lượng việc làm mới (JOLTs) trong tháng 7 là gần 7.7 triệu, so với mức 7.9 triệu đã được điều chỉnh giảm của tháng 6. Con số này cũng thấp hơn dự báo là 8.1 triệu và là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021. Tỷ lệ tuyển dụng và tỷ lệ thôi việc gần như không đổi ở mức 3.5% và 3.4%. Con số này phù hợp với giai đoạn trước đại dịch, khi tăng trưởng việc làm vững chắc nhưng lạm phát tiền lương và lạm phát tiêu dùng ở mức lành mạnh.

Thâm hụt thương mại tháng 7 sát với dự kiến ở mức 78.8 tỷ USD (dự báo và trước đó lần lượt là 79.0 và 73.0 tỷ USD) do tăng trưởng nhập khẩu 2.1% đã vượt xa con số 0.5% của xuất khẩu. Đơn đặt hàng nhà máy vẫn biến động trong tháng 7, khi con số tổng thể tăng trở lại 5.0% so với tháng trước (dự báo và trước đó lần lượt là 4.8% và giảm 3.3%). Không bao gồm vận tải, đơn đặt hàng nhìn chung vẫn ổn định, tiếp tục ghi nhận mức tăng 0.4% sau con số 0.1% trong tháng 6.

Sách Beige của Fed báo cáo mức tăng trưởng nhẹ ở 3 khu vực và tăng trưởng bằng 0 hoặc âm ở 9 khu vực. Nhìn chung, thị trường lao động được đánh giá là vẫn ổn định, mặc dù có một số báo cáo riêng lẻ về việc giảm giờ và ca làm việc. Tăng trưởng tiền lương được đánh giá là “khiêm tốn”. Các báo cáo cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng "giảm nhẹ" ở hầu hết các khu vực sau khi ổn định trong giai đoạn trước. Trong khi đó, xây dựng nhà ở có kết quả trái chiều, mặc dù doanh số bán hàng yếu hơn ở hầu hết các khu vực. Lạm phát tính theo CPI được đánh giá là đã tăng “nhẹ” trong giai đoạn báo cáo hiện tại.

Westpac IQ

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ