Bản tin sáng ngày 10/09 - Westpac IQ: Khẩu vị rủi ro cải thiện, sắc xanh lan tỏa trên nhiều thị trường
Thành Duy
Junior editor
Nhận định từ Westpac IQ.
Điểm chính
- Chứng khoán Mỹ và châu Âu đã mở đầu tuần mới bằng một nốt nhạc lạc quan, phục hồi phần nào sau phiên bán tháo "đẫm máu" hôm thứ Sáu.
- Thị trường trái phiếu Mỹ giao dịch trầm lắng trong bối cảnh thiếu vắng dữ liệu kinh tế quan trọng. Giới đầu tư đang hướng sự chú ý vào số liệu lạm phát của Mỹ trong tuần này để dự đoán quy mô cắt giảm lãi suất của Fed vào tháng 9. Thị trường lãi suất hiện đang định giá 30% khả năng Fed sẽ giảm 50 bps.
- Đồng bạc xanh tiếp tục phục hồi, trong khi AUD vẫn "lẹt đẹt" do giá hàng hóa suy yếu và dữ liệu lạm phát của Trung Quốc gây thất vọng.
Chứng khoán
Mỹ: Wall Street đã "lấy lại phong độ" sau cú "vấp ngã" vào cuối tuần trước, khi cả ba chỉ số chính là S&P 500, Dow Jones và NASDAQ đều tăng 1.2%.
Châu Âu: Chứng khoán châu Âu cũng hân hoan chào đón tuần mới với sắc xanh ngập tràn. Euro Stoxx 50 tăng 0.9%, trong khi FTSE 100 tăng 1.1%, mức tăng ấn tượng nhất trong ngày kể từ đầu tháng 8. DAX của Đức cũng ghi nhận mức tăng 0,8%.
Châu Á: Khác với sự khởi sắc ở phương Tây, chứng khoán châu Á lại chìm trong sắc đỏ khi bắt kịp với đà giảm của tuần trước. Nikkei 225 (Tokyo) giảm 0.5%, Hang Seng (Hồng Kông) giảm 1.4% và Shanghai Composite (Thượng Hải) giảm 1.2%.
Úc: ASX 200 đã lấy lại đà tăng trong ngày sau khi mở cửa giảm 0.8% do ảnh hưởng từ pha bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ vào cuối tuần trước. Sau cùng, chỉ số này cuối cùng vẫn đóng cửa giảm 0.3%. Tuy nhiên, ASX 200 đã mở cửa "tươi sáng" hơn vào sáng nay, theo sau đà tăng của chứng khoán Mỹ.
Lãi suất
Mỹ: Thị trường TPCP Mỹ biến động nhẹ, với lợi suất phẳng hơn một chút. Lợi suất kỳ hạn 2 năm tăng 2 bps lên 3.67%, trong khi kỳ hạn 10 năm giảm 1 bps xuống 3.70%. Thị trường vẫn đang đặt cược 30% khả năng Fed sẽ "xuống tay" mạnh mẽ với 50 bps vào tháng 9. Tuy nhiên, kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất trong dài hạn đã giảm bớt, với 240 bps cho đến cuối năm 2025.
Úc: Lợi suất TPCP Úc giảm điểm đêm qua. Lợi suất tương lai TPCP kỳ hạn 3 năm giảm 2 bps xuống 3.52%, trong khi kỳ hạn 10 năm giảm 5 bps xuống 3.92%. Sau khi RBA đưa ra định hướng rõ ràng, thị trường không còn kỳ vọng ngân hàng trung ương này sẽ hạ lãi suất trong năm nay, nhưng vẫn dự đoán khoảng 100 bps cắt giảm cho đến cuối năm 2025, với lần đầu tiên vào tháng 2/2025.
Ngoại hối
Đồng bạc xanh tiếp tục tăng giá sau phiên bán tháo hôm thứ Sáu, phục hồi so với hầu hết các đồng tiền chính. Đêm qua, chỉ số DXY đã chạm mức cao nhất gần 101.70, trước khi ổn định tại 101.63, khép lại ngày giao dịch với sắc xanh 0.5%.
Đồng Yên Nhật suy yếu so với USD, với USD/JPY tăng 0.6% lên 143.16. Trong khi đó, AUD "hụt hơi", giảm 0.1% so với USD. Sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong ngày là 0.6648 do giá hàng hóa suy yếu và dữ liệu lạm phát của Trung Quốc gây thất vọng, AUD/USD đã ổn định và đóng cửa tại 0.6662. Áp lực từ giá hàng hóa yếu và tâm lý e ngại rủi ro toàn cầu có thể sẽ tiếp tục đè nặng lên đồng tiền này trong thời gian tới.
Hàng hóa
Dầu thô tăng giá do dự báo bão nhiệt đới Francine sẽ gây ra sóng lớn nguy hiểm cho một phần bờ biển Texas và Louisiana, ảnh hưởng đến nguồn cung. Hợp đồng tương lai dầu thô WTI giao tháng 10 tăng 1.5% lên 68.71 USD/thùng.
Giá kim loại nhìn chung được hưởng lợi từ khẩu vị rủi ro chung cải thiện, với giá đồng tăng trở lại trên 9,000 USD/tấn trước khi giảm nhẹ và đóng cửa ngay dưới mốc này. Quặng sắt ổn định ở mức 92.75 USD/tấn sau cú "rơi tự do" xuống dưới 90.00 USD/tấn.
Dữ liệu kinh tế
Nhật Bản
Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 0.7% trong Q2, thấp hơn so với dữ liệu sơ bộ và dự báo là 0.8%. Tăng trưởng tiêu dùng cá nhân và đầu tư kinh doanh thấp hơn một chút so với ước tính ban đầu. Mặc dù có sự điều chỉnh giảm, kết quả của Q2 vẫn là mức tăng trưởng theo quý mạnh nhất kể từ Q2/2023.
Thặng dư tài khoản vãng lai tăng từ 2,800 tỷ Yên vào tháng 7 năm ngoái lên 3,200 tỷ Yên trong tháng 7 năm nay, vượt xa dự báo tăng 26 tỷ Yên. Sự gia tăng này chủ yếu được thúc đẩy bởi thặng dư thu nhập sơ cấp mở rộng, cùng với sự đóng góp của cán cân thương mại dịch vụ.
Trung Quốc
CPI tháng 8 chỉ tăng 0.6% so với cùng kỳ, từ mức 0.5% của tháng 7 và thấp hơn một chút so với dự báo 0.7% của thị trường. Cụ thể, nhóm lương thực tăng giá lần đầu tiên kể từ tháng 06/2023 do đà phục hồi mạnh mẽ của giá rau tươi. Trong khi đó, các mặt hàng phi lương thực tăng 0.2% so với cùng kỳ, chậm hơn nhiều so với mức 0.7% của tháng 7, do giá quần áo, nhà ở, y tế và giáo dục tăng chậm lại. CPI lõi, không bao gồm chi phí lương thực và năng lượng, tăng 0.3% so với cùng kỳ, mức chậm nhất kể từ tháng 03/2021.
PPI tháng 8 tiếp tục giảm 1.8% so với cùng kỳ, sâu hơn so với mức giảm 0.8% của tháng 7. Số liệu tháng 8 đánh dấu gần hai năm giảm phát giá sản xuất liên tiếp do nhu cầu yếu và công suất dư thừa. Giá nguyên vật liệu đầu vào và hàng tiêu dùng giảm là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả này.
Khu vực đồng Euro
Chỉ số niềm tin nhà đầu tư Sentix của khu vực đồng Euro giảm từ -13.9 trong tháng 8 xuống -15.4 cho tháng 9, thấp hơn so với dự báo -12.2. Bên cạnh đó, chỉ số điều kiện hiện tại cũng giảm từ -19.0 trong tháng 8 xuống -22.5 cho tháng 9. Chỉ số kỳ vọng phục hồi nhẹ từ mức -8.8 trong tháng 8 lên -8.0 cho tháng 9.
Hoa Kỳ
Kỳ vọng lạm phát 1 năm của người tiêu dùng do Fed New York khảo sát không đổi trong tháng 8 với 3.0%, mức cao nhất trong 5 năm trước đại dịch, khi lạm phát thấp hơn nhiều so với mục tiêu. Kỳ vọng lạm phát 5 năm cũng không đổi so với tháng 7, ở mức 2.8%. Tín dụng tiêu dùng tăng 25.5 tỷ USD trong tháng 7, cao hơn gấp đôi so với dự báo.
Westpac IQ