Bản tin thị trường liên ngân hàng Việt Nam tháng 2/2022

Bản tin thị trường liên ngân hàng Việt Nam tháng 2/2022

Tú Đỗ

Tú Đỗ

Senior Economic Analyst

12:08 13/03/2022

Việc các yếu tố trong nước và quốc tế đồng loạt diễn biến bất lợi đã khiến thị trường liên ngân hàng Việt Nam năm nay dậy sóng ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.

Bản tin thị trường liên ngân hàng Việt Nam tháng 2/2022
Bản tin thị trường liên ngân hàng Việt Nam tháng 2/2022

Thị trường ngoại hối: Tỷ giá chứng kiến bước tăng mạnh khi áp lực gia tăng

Tỷ giá USD/VND LNH đã chứng kiến những bước tăng điểm rất đáng chú ý trong tháng 2 với bước nhảy khoảng 150 điểm từ mức 22650 lên mức 22830 - mức cao nhất trong ba tháng qua. Áp lực gia tăng lên tỷ giá đến từ những yếu tố tác động có xu hướng bớt thuận lợi hơn, cụ thể:

  • Cung cầu ngoại tệ trong nước kém khả quan: Cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt lên tới 3,9 tỷ USD trong nửa đầu tháng 2 và 2 tỷ USD trong cả tháng. Việc cán cân thương mại thâm hụt giai đoạn sau Tết là điều không bất ngờ khi hàng hóa thường được ghi nhận thông quan sau Tết; tuy nhiên mức thâm hụt lần này có phần mạnh hơn kỳ vọng do việc tắc cửa khẩu tại biên giới và nhu cầu nhập khẩu gia tăng hàng tồn kho từ sớm phòng ngừa rủi ro tăng giá hàng hóa. Ngoài ra, thị trường cũng thiếu đi động lực từ các nguồn cung ngoại tệ cơ bản khác như FDI, FII, hoạt động vay nợ nước ngoài trong giai đoạn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
  • Tâm lý thị trường trở nên thận trọng rõ nét trước những vấn đề của thị trường trong nước cùng với những dịch chuyển kém tích cực từ môi trường quốc tế như: (i) Chiến tranh giữa Nga và Ukraine diễn biến hết sức phức tạp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; (ii) Rủi ro lạm phát kéo dài khi giá dầu thế giới tăng mạnh; (iii) Kì vọng việc Fed mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ với khoảng 5-7 lần tăng lãi suất trong năm nay.

Diễn biến tỷ giá USD/VND liên ngân hàng

Trong tháng 3, mặc dù các yếu tố kém thuận lợi từ phía cung cầu ngoại tệ và căng thẳng quốc tế dự kiến vẫn sẽ tiếp tục duy trì, tuy nhiên với động thái bán ngoại tệ kỳ hạn ra thị trường của NHNN trong giai đoạn cuối tháng 2 tới đầu tháng 3 (ước khoảng hơn 2 tỷ USD) có thể phần nào giúp thị trường hạ nhiệt bớt trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, tỷ giá cũng đã tiến gần tới mức giá chặn trên của NHNN là ngưỡng tỷ giá bán kỳ hạn quy đổi (22900). Dự kiến biên độ giao động trong tháng 3 sẽ vào khoảng 22800 - 23870.

Thị trường tiền tệ VNĐ: Lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao

Mặt bằng lãi suất VNĐ liên ngân hàng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán có xu hướng tăng mạnh khoảng 90-150 điểm trong một vài phiên đầu tiên lên mức 3,5-4,0%/năm với kỳ hạn ON-1W trước khi dần hạ nhiệt về khoảng 2,4-2,6%/ năm với kỳ hạn ON-1W trong thời gian còn lại của tháng. Giao dịch trên thị trường duy trì sôi động với khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 181,5 nghìn tỷ đồng – tăng 25,58% so với tháng trước và bằng khoảng 153,47% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù được hỗ trợ bởi xu hướng nới lỏng của CSTT và sự cải thiện của thanh khoản, nhưng lãi suất VNĐ nhìn chung vẫn chịu áp lực trong tháng 2 do một số yếu tố: (i) Thanh khoản VNĐ mặc dù có xu hướng cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự dồi dào do nền thanh khoản cuối tháng 1 ở mức tương đối thấp, (ii) Tâm lý thị trường cũng chuyển dịch sang trạng thái thận trọng, lo ngại khi chỉ trong một thời gian ngắn diễn ra nhiều yếu tố không thuận lợi như thiếu hụt dòng tiền mua bán ngoại tệ từ NHNN, áp lực từ tỷ giá hay căng thẳng từ môi trường quốc tế.

Diễn biến lãi suất VNĐ LNH (%/năm)

Trong tháng 3, dự báo lãi suất VNĐ LNH sẽ giảm dần khi thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện nhờ lượng tiền ngoài lưu thông trở lại hệ thống và các NHTM gia tăng việc nhận tiền gửi của KBNN. Tuy nhiên, trạng thái thanh khoản toàn hệ thống vẫn chưa thực sự cải thiện mạnh mẽ do NHNN dự kiến chưa thể mua vào được ngoại tệ, góp phần bổ sung thêm thanh khoản VNĐ cho hệ thống như cùng kỳ một số năm trước. Mặt bằng lãi suất dự kiến dao động ở mức khoảng 2.0-2.2%/năm kỳ hạn qua đêm - 1 tuần và 2.3-2.5%/năm với kỳ hạn 3 tháng.

Thị trường trái phiếu chính phủ: Giao dịch kém sôi động trên thị trường sơ cấp, lãi suất thứ cấp tăng mạnh

Trên thị trường sơ cấp tỷ lệ trúng thầu bình quân phiên đã giảm mạnh về mức 52%, thấp hơn khoảng 34% so với tháng trước. KBNN đã huy động được hơn 10 nghìn tỷ đồng trên tổng số 20 nghìn tỷ gọi thầu. Lãi suất trúng thầu tăng khoảng 4-5 điểm đối với các kỳ hạn chính so với cuối tháng 1, lên khoảng 2.12-2.42%/năm kỳ hạn 10-15 năm.

Giao dịch diễn ra sôi động hơn trên thị trường thứ cấp khi giá trị bình quân phiên đạt khoảng 8.6 nghìn tỷ, tăng khoảng 3.4% so với mức tháng 1. Mặt bằng lãi suất TPCP kỳ hạn 10 và 15 năm trong tháng 2 bật tăng khoảng 15-20 điểm, dao động quanh mức 2,22-2,24%/ năm với kỳ hạn 10 năm và 2,54-2,57%/năm với kỳ hạn 15 năm, đây cũng là mức lãi suất cao nhất kể từ cuối tháng 6/2021. Tại thời điểm cuối tháng, lãi suất TPCP các kỳ hạn 2, 5, 10, và 15 năm lần lượt là 1,32%/năm; 1,44%/năm; 2,24%/năm; và 2,60%/năm.

Khối lượng phát hành TPCP sơ cấp (Tỷ đồng)

Mặc dù vẫn được hỗ trợ bởi một số yếu tố như xu hướng nới lỏng của CSTT hay cân đối NSNN 2 tháng đầu năm tiếp tục thặng dư ở mức cao – gần 100 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên có thể thấy phần lớn các yếu tố tác động khác đều đang dịch chuyển theo chiều hướng kém thuận lợi hơn và tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất TPCP cụ thể: (i) Thanh khoản VNĐ mặc dù có xu hướng cải thiện vẫn chưa thực sự dồi dào, mặt bằng lãi suất VNĐ liên ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức cao quanh ngưỡng OMO; (ii) Bối cảnh quốc tế cũng xuất hiện nhiều yếu tố kém tích cực khiến tâm lý thị trường trở nên thận trọng. Việc tích lũy ở mức thấp trong thời gian tương đối dài đã khiến cho lãi suất TPCP có xu hướng bật tăng trở lại khá mạnh khi các yếu tố tác động đồng loạt dịch chuyển theo hướng bất lợi.

Diễn biến lãi suất TPCP thứ cấp (%/năm)

Trong tháng 3, dự báo lãi suất TPCP sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng nhẹ khi các yếu tố gây áp lực vẫn sẽ duy trì. Tuy vậy, thị trường phần nào đã phản ánh những yếu tố tiêu cực vào biến động tăng của giá trong tháng 2, do đó tâm lý thị trường nhiều khả năng sẽ ở mức thận trọng theo dõi động thái phát hành của KBNN trong thời gian tới. Lãi suất dự báo dao động ở mức khoảng 2.25-2.35%/năm kỳ hạn 10 năm trong tháng 3.

Bộ phận nghiên cứu, Ban Kinh doanh Vốn & Tiền tệ, Ngân hàng BIDV

Broker listing

Cùng chuyên mục

Trump 2.0: Điều gì đang chờ đợi Đông Nam Á?
Thái Linh

Thái Linh

Junior Editor

Trump 2.0: Điều gì đang chờ đợi Đông Nam Á?

Đông Nam Á có thể sẽ không phải là ưu tiên trong chương trình nghị sự đối ngoại của ông Trump, nhưng khu vực này cần phải có chiến lược đối phó với các lập trường về thương mại và an ninh của Tổng thống đắc cử, cũng như cách tiếp cận mang tính giao dịch của ông.
Nhịp đập kinh tế Trung Quốc: Con đường phục hồi chông gai và những thách thức còn bỏ ngỏ
Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

Nhịp đập kinh tế Trung Quốc: Con đường phục hồi chông gai và những thách thức còn bỏ ngỏ

Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 10 của Trung Quốc cho thấy bức tranh tương đối phức tạp. Điểm sáng đến từ tăng trưởng doanh số bán lẻ vượt kỳ vọng, trong khi đó sản xuất công nghiệp và đầu tư bất động sản lại có dấu hiệu chậm lại. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng đầu tư tài sản cố định (tính từ đầu năm) duy trì ổn định so với tháng trước.
Kinh tế Châu Âu tăng trưởng chậm lại, ECB tiếp tục cắt giảm lãi suất
Thái Linh

Thái Linh

Junior Editor

Kinh tế Châu Âu tăng trưởng chậm lại, ECB tiếp tục cắt giảm lãi suất

Chỉ số PMI, một chỉ báo kinh tế quan trọng của khu vực eurozone, đang tiến gần ngưỡng suy thoái trong tháng thứ hai liên tiếp. Do đó, chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng cho nửa cuối mùa đông. Thêm vào đó, do lạm phát có khả năng giảm nhờ giá năng lượng thấp hơn, chúng tôi dự kiến ECB sẽ có thêm 5 đợt cắt giảm lãi suất (lãi suất tiền gửi giữa năm 2025: 2.0%). Trong khi đó, kinh tế Mỹ vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Donald Trump là tâm điểm trong Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC tuần qua
Kiều Hồng Minh

Kiều Hồng Minh

Junior Analyst

Donald Trump là tâm điểm trong Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC tuần qua

Donald Trump đang ở cách đó 4,345 km tại Palm Beach, Florida, nhưng sự trở lại của ông vào Nhà Trắng và các chính sách mà chính quyền của ông sẽ thực hiện đã lan tỏa khắp Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, nơi quy tụ một số tên tuổi lớn nhất trong giới chính trị và kinh doanh.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ