Bản tin tổng hợp cuối ngày 12/09 - KBC Bank: ECB cắt giảm lãi suất đúng như dự kiến và không "hé lộ" thêm bất kỳ thông tin nào
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của KBC Bank.
Điểm chính
Hôm qua, tâm điểm chú ý đổ dồn vào thị trường Mỹ với số liệu lạm phát tháng 8. Hôm nay, mọi ánh nhìn lại hướng về Frankfurt, nơi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) công bố quyết định chính sách tiền tệ. Đúng như dự kiến, ECB đã cắt giảm lãi suất 25 bps, đưa lãi suất tiền gửi về 3.5%. Đồng thời, lãi suất tái cấp vốn (MRO) và qua đêm (MLF) cũng được điều chỉnh giảm 60 bps (lần lượt là 3.65% và 3.90%) nhằm thu hẹp lại hành lang lãi suất. Tuy nhiên, trong một hệ thống thanh khoản dư thừa như hiện nay, việc điều chỉnh này không có ý nghĩa thực tế và không phản ánh bất kỳ thay đổi nào về lập trường chính sách tiền tệ.
Dự báo được cập nhật của ECB cho thấy không có thay đổi nào về triển vọng lạm phát so với tháng 6, lần lượt là 2.5%, 2.2% và 1.9% cho giai đoạn 2024-2026. Lạm phát lõi được điều chỉnh tăng nhẹ lên 2.9% và 2.3% cho năm nay và năm tới, chủ yếu do lạm phát dịch vụ cao hơn dự kiến. Nguyên nhân chính của việc điều chỉnh tăng này là do tăng trưởng lương vẫn neo ở mức cao, nhưng ECB cũng nhận định rằng áp lực chi phí lao động đang dần giảm bớt. Cùng theo dự báo, lạm phát lõi sẽ giảm xuống 2.0% vào năm 2026. Tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ giảm 0.1% trên toàn bộ kỳ hạn, lần lượt là 0.8%, 1.3% và 1.5% cho giai đoạn 2024-2026, do nhu cầu trong nước yếu hơn. Bởi quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều trở ngại, triển vọng tăng trưởng vẫn nghiêng nhiều hơn về chiều hướng tiêu cực. Những kỳ vọng này về tăng trưởng và lạm phát, cùng với niềm tin ngày càng lớn về việc đạt được mục tiêu lạm phát 2.0% (đặc biệt là trong năm 2025), cho phép ECB nới lỏng chính sách tiền tệ ở mức độ thấp hơn, nhưng vẫn cần phải duy trì sự cảnh giác. Hiện tại, ECB vẫn kiên trì với cách tiếp cận thận trọng phụ thuộc vào dữ liệu và không cam kết trước bất cứ điều gì về các động thái tiếp theo.
Với khoảng thời gian ngắn ngủi giữa cuộc họp này và cuộc họp tiếp theo (chỉ 6 tuần), cũng như những gì Chủ tịch Lagarde đã xác nhận trong buổi họp báo, chúng tôi tin rằng ECB sẽ không cắt giảm lãi suất vào ngày 17/10, mà thay vào đó là tháng 12. Các câu hỏi về những gì có thể xảy ra tiếp theo, sau cuộc họp tháng 10 đã dễ dàng bị bà Lagarde “lách qua”. Rõ ràng, bà không muốn xác nhận kỳ vọng hiện tại của thị trường về việc cắt giảm lãi suất thêm (khoảng 50 bps cho đến cuối năm), thay vào đó, bà đã giải thích rất chi tiết về cách ECB đi đến quyết định nhất trí ngày hôm nay. Bà Lagarde cũng dành thời gian để ca ngợi người tiền nhiệm Mario Draghi và báo cáo của ông đầu tuần này. Nhìn chung, tất cả diễn biến cho thấy bà Lagarde không muốn tiết lộ bất cứ thông tin mới nào.
Thị trường đã phản ứng tương ứng với quyết định của ECB, EUR/USD (1.103) và lợi suất gần như không thay đổi. Lợi suất trái phiếu Đức tăng từ 1 (kỳ hạn 30 năm) đến 5,2 bps (kỳ hạn 2 năm), nhưng phần lớn động thái này đã diễn ra trước khi quyết định của ECB được công bố. Kết quả cuộc họp ECB trùng với việc công bố một số dữ liệu thứ cấp của Mỹ. Tuy nhiên, cả số liệu lần đầu xin trợ cấp thất nghiệp (230.000) và PPI (tổng thể 0,2% so với tháng trước và 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lõi 0,3% so với tháng trước và 2,4%) đều gần với dự kiến nên không gây ảnh hưởng đáng kể đến thị trường.
Diễn biến đáng chú ý khác
Lạm phát lõi của Thụy Điển đã giảm 0.6% so với tháng trước vào tháng 8, mạnh hơn con số 0.4% theo dự kiến. Lạm phát toàn phần đã giảm xuống dưới mục tiêu 2.0% của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank) lần đầu tiên kể từ tháng 07/2021, đạt mức 1.9% so với cùng kỳ năm ngoái (từ mức trước đó và dự kiến là 2.6% và 2.1%). Chỉ số CPIF mà Riksbank ưa thích cũng giảm 0.5% so với tháng trước xuống 1.2% so với cùng kỳ năm ngoái (từ mức trước đó và dự báo là 1.7% và 1.4%). Loại trừ năng lượng, CPIF giảm 0.3% so với tháng trước và ổn định ở mức 2.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, giá thực phẩm, điện, vận tải, tour du lịch trọn gói giảm lần lượt 0.4%, 6.1%, 2.7% và 19.1% trong tháng 8. Trong khi đó, giá quần áo tăng 5.0%, con số không đáng kể so với mức giảm của các thành phần trên. Số liệu lạm phát mới nhất củng cố thêm kỳ vọng của thị trường rằng Riksbank sẽ “xuống tay” tại cả ba cuộc họp chính sách còn lại trong năm nay, mức cao nhất trong tuyên bố trước đó của họ rằng sẽ có 2-3 đợt cắt giảm. Dù vậy, Krona Thụy Điển (SEK) lại không bị ảnh hưởng mấy bởi số liệu thấp hơn dự kiến. EUR/SEK hiện giao dịch quanh mức 11.40 tại thời điểm viết bài.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã công bố Báo cáo Thị trường Dầu mỏ tháng 9, cho thấy nhu cầu dầu toàn cầu tiếp tục giảm tốc, với mức tăng trưởng nửa đầu năm 2024 được báo cáo là 800,000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ năm 2020. Nguyên nhân chính là do sự chậm lại nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc. Bên ngoài Trung Quốc, tăng trưởng nhu cầu dầu khả quan nhất cũng chỉ ở mức nhẹ. Mặt khác, nguồn cung thế giới tăng 80,000 thùng/ngày lên 103.5 triệu thùng/ngày. Sự gián đoạn do tranh chấp chính trị ở Libya kết hợp với việc bảo trì ở Na Uy và Kazakhstan đã được bù đắp bởi lượng dầu bổ sung từ Guyana, Brazil và các nguồn khác. IEA lo ngại rằng OPEC+ có thể phải đối mặt với tình trạng dư thừa đáng kể ngay cả khi các biện pháp hạn chế của họ được duy trì, bởi nguồn cung phi OPEC+ đang tăng nhanh hơn nhu cầu chung. Đầu tháng 9, tổ chức này đã tuyên bố hoãn lại hai tháng với việc bắt đầu kế hoạch nới lỏng việc cắt giảm sản lượng tự nguyện. Giá dầu thô Brent đã giảm từ mức trên 80 USD/thùng vào đầu tháng xuống còn 71 USD/thùng hiện tại do lo ngại về suy thoái và triển vọng kinh tế kém khả quan.
Các biểu đồ chính
EUR/USD không mấy biến động sau quyết định chính sách hôm nay vì ECB không đưa ra tín hiệu mới nào về lộ trình lãi suất.
Euro Stoxx 50 đang phục hồi trong tâm thế thận trọng sau khi khởi đầu tháng 9 với kết quả tồi tệ.
EUR/SEK: Krona Thụy Điển vẫn vững vàng bất chấp dữ liệu lạm phát thấp hơn dự kiến, củng cố thêm kỳ vọng về 3 lần cắt giảm lãi suất nữa của Riksbank trong năm nay.
KBC Bank