Scotiabank - Điểm tin ngày 18/09: Điều gì có thể "ngăn cản" kỳ vọng của thị trường về mức cắt giảm 50 bps, khi giờ đây ngay cả giới chuyên gia cũng chào thua?

Scotiabank - Điểm tin ngày 18/09: Điều gì có thể "ngăn cản" kỳ vọng của thị trường về mức cắt giảm 50 bps, khi giờ đây ngay cả giới chuyên gia cũng chào thua?

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

22:39 16/09/2024

Nhận định của Scotiabank.

Cuộc tranh luận về lãi suất ngày càng trở nên thú vị

Thị trường tài chính đang cho thấy niềm tin "mãnh liệt" vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm 50 bps trong phiên họp tới đây, với xác suất lên đến hơn 80%. Không chỉ vậy, giới đầu tư còn dự đoán mức giảm tổng cộng trong năm nay có thể lên tới 125 bps.

Điều đáng nói là quan điểm này hoàn toàn trái ngược với dự báo từ giới chuyên gia. Theo khảo sát của Bloomberg, 93% chuyên gia cho rằng Fed sẽ chỉ giảm 25 bps và vỏn vẹn 7% ủng hộ mức 50 bps (sau khi loại trừ một số dự báo giữ nguyên lãi suất được đưa ra trước đó và không còn phù hợp). Sự khác biệt lớn chưa từng có này cho thấy Fed đã không quản lý tốt kỳ vọng của thị trường, dẫn đến những bất đồng lớn ngay trước thềm cuộc họp quan trọng.

Nếu Fed không sớm có động thái điều chỉnh kỳ vọng, lựa chọn ít gây sốc nhất với họ sẽ là thực hiện đúng như mong đợi của thị trường, đó chính là cắt giảm 50 bps. Tuy nhiên, động thái này sẽ phá vỡ cam kết trước đó của Fed về lộ trình giảm lãi suất “không đối xứng” so với chu kỳ thắt chặt trước đó (tức nhẹ nhàng, từ tốn hơn). Liệu có đủ cơ sở để Fed hành động vội vàng như vậy hay không, vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Nguồn: Scotiabank Economics, Bloomberg Consensus

Bóng đen chính trị bao trùm Canada

Quốc hội Canada đã chính thức nhóm họp trở lại trong bối cảnh nhiều rủi ro chính trị đang hiện hữu, ngay trước thềm công bố kết quả của hai cuộc bầu cử bổ sung tại Montreal và Winnipeg. Điều này được cho là sẽ có tác động không nhỏ đến vị thế của Đảng Tự do cầm quyền và cả Đảng Dân chủ mới. Trong khi đó, thủ lĩnh Đảng Bảo thủ đối lập, ông Poilievre, tuyên bố sẽ thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay khi quốc hội nhóm họp, dù thời điểm cụ thể vẫn chưa được xác định, nhưng đã làm gia tăng thêm bất ổn cho chính trường nước này.

Giữa lúc tình hình rối ren, Khối Québécois đã ngỏ ý sẵn sàng hỗ trợ Đảng Tự do cầm quyền nếu cần thiết. Động thái này, dù có thể giúp chính phủ trụ vững, lại vô tình tạo nên một hình ảnh kém tích cực khi phải nương tựa vào một đảng khu vực chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng Quebec.

Phát biểu “úp mở” của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada

Bài phỏng vấn gần đây với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada (BoC), ông Macklem, trên tờ Financial Times đã thu hút sự chú ý lớn. Tuy nhiên, những phát biểu của ông khá úp mở và dễ gây hiểu nhầm, khiến tiêu đề bài báo trở nên có phần phóng đại. Ông Macklem cho biết BoC có thể cân nhắc đẩy nhanh tốc độ giảm lãi suất nếu tăng trưởng kinh tế kém hơn dự báo. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng điều kiện tiên quyết là một loạt các yếu tố khác như năng suất lao động và chi phí nhà ở phải được cải thiện.

Thực chất, những phát ngôn của ông Macklem chẳng cung cấp thêm thông tin gì mới mẻ và giới đầu tư đã "rào" trước việc BoC sẽ cắt giảm 75 bps trong hai cuộc họp sắp tới, dựa trên những dữ liệu kinh tế hiện tại. Vấn đề nằm ở chỗ, ông Macklem không nói rõ BoC cần theo dõi tăng trưởng trong bao lâu trước khi quyết định thay đổi chính sách. Liệu một quý tăng trưởng kém hơn dự báo có đủ để thúc đẩy BoC hành động, hay họ cần một giai đoạn suy giảm kéo dài hơn?

Một số nhà phân tích cho rằng, ông Macklem đang cố tình “tung hỏa mù”. Bằng cách đưa ra những tuyên bố mơ hồ, ông muốn tạo ấn tượng rằng BoC luôn chủ động và đi trước Fed trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, thực tế là BoC vẫn đang chậm chân hơn so với nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới như Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) hay tại một số nước Mỹ Latinh.

Quyết định của Fed vào thứ Tư tới đây có thể sẽ phần nào hé lộ chiến lược thực sự của ông Macklem. Nếu Fed quyết định giảm mạnh lãi suất, BoC sẽ phải đối mặt với áp lực rất lớn trong việc lựa chọn giữa việc kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Giảm lãi suất có thể kích thích tăng trưởng, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ đẩy lạm phát tăng cao.

Cá nhân tôi cho rằng, BoC sẽ chỉ đẩy nhanh tốc độ giảm lãi suất nếu tăng trưởng và lạm phát thực sự có dấu hiệu xấu đi. Ngược lại, việc vội vàng nới lỏng chính sách có thể khiến nhu cầu bị dồn nén được giải phóng, gây ra những hệ lụy khó lường cho nền kinh tế. Nguy cơ này càng trở nên đáng ngại trong bối cảnh chính phủ Canada có thể sẽ tung ra các gói kích thích kinh tế để thu hút cử tri trong năm bầu cử sắp tới. Sự kết hợp của chính sách tiền tệ nới lỏng, cùng với kích thích tài khóa có thể khiến nền kinh tế Canada rơi vào trạng thái “quá nhiệt” và dễ mất kiểm soát, nhất là lạm phát.

Nhìn chung, thị trường tài chính trong năm tới sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 có thể sẽ tác động mạnh mẽ đến chính sách tài khóa, thương mại, cũng như lãi suất, ngoại hối và lạm phát toàn cầu.

Lịch kinh tế ảm đạm

Lịch kinh tế trong ngày hôm nay khá ảm đạm, với chỉ một số dữ liệu không quá quan trọng từ Canada và Mỹ. Doanh số bán hàng sản xuất tháng 7 của Canada khá tích cực, +1.4% so với trước đó và dự báo lần lượt là -2.1% và +1.1%. Trong khi đó, chỉ số sản xuất Empire State của Fed New York trong tháng 9 đạt mức 11.5, vượt xa dự báo và trước đó lần lượt là ​​-4.1 và -4.7. Đây cũng là khởi đầu cho chuỗi dữ liệu sản xuất khu vực trước thềm báo cáo ISM của Mỹ.

Scotiabank

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ