Chiến loạn Ukraine đang gây ra khủng hoảng trên nhiều phương diện.
Nguyễn Long Hà
Junior Analyst
Xung đột là “hệ số nhân” của sự gián đoạn trong một thế giới rạn nứt.
Các cuộc chiến tranh cũng đồng thời là những cú sốc kinh tế lớn. Chiến tranh Việt Nam đã từng làm mất ổn định tài chính công của Hoa Kỳ. Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 và chiến tranh Yom Kippur năm 1973 đã làm giá cả của nhiều mặt hàng quan trọng tăng đột biến. Lần này, một cuộc chiến trực tiếp liên quan đến nước xuất khẩu năng lượng khổng lồ là Nga và Ukraine - nước xuất khẩu quan trọng của nhiều mặt hàng, đặc biệt là ngũ cốc, đang làm gia tăng lạm phát và khiến thu nhập thực tế của người tiêu dùng giảm mạnh. Quan trọng hơn, cuộc chiến đã gây thêm căng thẳng cho các nền kinh tế, quan hệ quốc tế và quản trị toàn cầu. Sự vắng mặt của các bộ trưởng tài chính phương Tây và nhiều ngân hàng trung ương trong cuộc họp G20 tuần trước là một lời nhắc nhở về việc thế giới đang bị chia cắt ra sao.
Ngay cả trước khi Nga xâm lược Ukraine, thế giới vẫn chưa thật sự hồi phục trước các tác động kinh tế tiêu cực mà đại dịch Covid để lại, chưa kể đến các ảnh hưởng về mặt xã hội và chính trị. Nguồn cung bị gián đoạn và lạm phát tăng lên mức cao bất ngờ. Chính sách tiền tệ thắt chặt là giải pháp đang được áp dụng. Nguy cơ suy thoái tăng cao khi các vấn đề như đổ vỡ tài chính lần lượt xảy ra và làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra còn phải kể đến những căng thẳng ngày một gia tăng giữa Trung Quốc và các quốc gia phương Tây cũng như sự khác biệt về chính sách trong việc đối phó với đại dịch Covid.
Cuộc chiến còn kéo theo mối đe dọa về dịch bệnh và nạn đói. Đây là ba trong số bốn sự trừng phạt của Chúa. Và “cái chết” sự trừng phạt cuối cùng chắc hẳn là điều thảm khốc nhất với nhân loại.
Có thể nói, chiến tranh là “hệ số nhân” của sự gián đoạn trong một thế giới rạn nứt. Về mặt kinh tế, cuộc chiến gây nên 5 hậu quả chính: giá hàng hóa tăng cao; đứt gãy thương mại; thị trường tài chính bất ổn; các vấn đề nhân đạo và hàng triệu người tị nạn; ngoài ra còn phải kể tới các tác động của chính sách, đặc biệt là các biện pháp trừng phạt. Tất cả những vấn đề được đề cập ở trên đều góp phần làm gia tăng sự bất ổn.
Trong đánh giá mới nhất về nền kinh tế thế giới, IMF đã hạ thấp triển vọng tăng trưởng kinh tế hợp lý và nâng kỳ vọng lạm phát lần thứ hai liên tiếp. Sau khi phấn khích trước sự phục hồi nhanh chóng hậu đại dịch Covid, cảm xúc thất vọng đã quay trở lại với thị trường. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay đã giảm 1.3 điểm phần trăm kể từ tháng 10 năm 2021. Các nước có thu nhập cao dự báo giảm 1.2 điểm phần trăm, còn các nước mới nổi và đang phát triển dự báo giảm 1.3 điểm phần trăm. Các ước tính về sản lượng tiềm năng nhìn chung cũng thấp hơn kỳ vọng trước đại dịch.
Dự báo lạm phát cũng được nâng lên nhiều. Hiện tại, tỷ lệ này được dự báo sẽ đạt 5.7% ở các nền kinh tế có thu nhập cao và 8.7% ở các nước mới nổi và đang phát triển. Kết quả này không chỉ tới từ việc giá hàng hóa cao hơn và sự thiếu hụt nguồn cung. Như Jason Furman của Trường Harvard’s Kennedy nhấn mạnh, lạm phát lần này tới từ sự gia tăng nhu cầu của người dân và có khả năng sẽ tồn tại trong dài hạn. Giống như năm 1970, sự gia tăng mạnh mẽ của lượng cầu duy trì vòng xoáy giá cả và tiền lương, khi người lao động tìm cách duy trì thu nhập thực tế. IMF cho rằng dầu không còn quá quan trọng như trước đây, thị trường lao động đã thay đổi và các ngân hàng trung ương ngày càng độc lập. Tất cả điều này là sự thật. Nhưng sự tác động qua lại giữa những sai lầm trong chính sách điều hành và những cú sốc về nguồn cung vẫn có thể tạo ra tình trạng tồi tệ nhất: lạm phát đình trệ.
Không khó để tưởng tượng ra những kịch bản tồi tệ hơn so với những gì mà IMF đã đề cập đến trong dự báo, vì báo cáo này đã giả định rằng cuộc chiến vẫn chỉ giới hạn ở Ukraine, các lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ không thắt chặt hơn nữa, biến thể nguy hiểm hơn của Covid sẽ không xuất hiện, thắt chặt chính sách tiền tệ ở mức khiêm tốn và không xảy ra các cuộc khủng hoảng tài chính lớn. Tuy nhiên, bất cứ giả định nào được đề cập tới ở trên đều có khả năng xảy ra.
Một vấn đề lớn đối với phúc lợi xã hội, là khả năng xảy ra tình trạng kiệt quệ tài chính ở các nước mới nổi và đang phát triển, đặc biệt là những nước cũng bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng của giá cả hàng hóa. Như Báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu chỉ ra, một phần tư số quốc gia phát hành các khoản nợ bằng các “đồng tiền mạnh” có giao dịch nợ ở mức độ đáng quan ngại. Phương Tây hiện phải giúp đỡ các quốc gia mới nổi và đang phát triển chống chọi lại khủng hoảng và điều đó còn khó khăn hơn nhiều so với những gì họ đã làm trong cuộc chiến chống lại Covid.
Điểm tích cực của những thảm họa gần đây là chế độ độc tài tuyệt đối đang dần trở nên mất uy tín. Việc tập trung quyền lực vào tay của một người tạo ra rủi ro cao, và trong trường hợp tồi tệ nhất sẽ gây ra những thảm họa chưa từng có tiền lệ. Chế độ Putin là một lời nhắc nhở cho những gì có thể xảy ra trong một thể chế như vậy. Những nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm loại bỏ mầm bệnh có khả năng lây nhiễm cao và không đặc biệt nguy hiểm khỏi Trung Quốc là một dấu hiệu khác cho thấy quyền lực không được kiểm soát có thể gây ra những gì. Nền dân chủ có thể không phải là điều tốt đẹp nhất, nhưng ít nhất ở đó những nhà lãnh đạo có thể bị thay thế.
Tuy nhiên, chúng ta đang “chia sẻ” hành tinh với các chế độ kể trên và trong số đó có cả Trung Quốc. Không giống như Nga, Trung Quốc là một siêu cường chứ không chỉ là một cường quốc đang suy giảm với nỗi uất hận không đáy và hàng nghìn đầu đạn hạt nhân. Ít nhất, phương Tây sẽ cần hợp tác với Trung Quốc trong việc quản lý nợ của các nước đang phát triển.
Về cơ bản, chúng ta cần hòa bình, thịnh vượng và bảo vệ hành tinh. Những điều này không thể đạt được nếu không có sự hợp tác ở một mức độ nhất định. Bản thân các tổ chức Bretton Woods là tượng đài cho sự nỗ lực vươn đến những giá trị hữu hình kể trên. 25 năm trước, nhiều người hy vọng chúng ta đang trên con đường hướng tới những gì nhân loại cần. Bây giờ, chúng ta lại đang trên con đường xuống dốc dẫn đến một thế giới của sự chia rẽ, đổ vỡ và hiểm nguy.
Nếu không có cú sốc nào xảy ra nữa, thì sự đứt gãy hiện tại sẽ được khắc phục. Nhưng chúng ta đã được nhắc nhở rằng những cú sốc lớn vẫn có thể xảy ra và hầu như sẽ mang các tác động tiêu cực. Nga phải được kiềm chế. Nhưng nếu chúng ta không thể duy trì mức độ hợp tác tối thiểu, thế giới mà chúng ta đang chia sẻ sẽ không phải một nơi mà chúng ta muốn sống.
Financial Times