Chính sách tiền tệ cấp tiến là sự thay thế cần thiết

Chính sách tiền tệ cấp tiến là sự thay thế cần thiết

17:34 13/11/2021

Đứng giữa sự lo lắng về lạm phát và nỗi sợ giảm phát, ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế phát triển có thể trả giá đắt với cách tiếp cận “chờ đợi và quan sát” (wait-and-see) như hiện nay. Cần có một cách tiếp cận mới và cấp tiến hơn để giúp các ngân hàng trung ương hoạt động hiệu quả trong thời kỳ hậu đại dịch.

* Bài viết thể hiện quan điểm của YANIS VAROUFAKIS

Hai công cụ của ngân hàng trung ương

Khi đại dịch Covid-19 đã dần được đẩy lùi, ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế phát triển ngày càng trở nên mất phương hướng khi không biết nên hành động như thế nào. Đứng giữa sự lo lắng về lạm phát và nỗi sợ giảm phát, ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế phát triển có thể trả giá đắt với cách tiếp cận “chờ đợi và quan sát” (wait-and-see) như hiện nay. Cần có một cách tiếp cận mới và cấp tiến hơn để giúp các ngân hàng trung ương hoạt động hiệu quả trong thời kỳ hậu đại dịch.

Các ngân hàng trung ương từng chỉ có một công cụ để can thiệp duy nhất, đó là lãi suất. Hạ lãi suất để hồi sinh một nền kinh tế đang bước ra khỏi khủng hoảng hoặc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát (thường phải trả giá bằng việc gây ra suy thoái). Xác định thời điểm để điều chỉnh lãi suất và quyết định mức điều chỉnh bao nhiêu chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng nhưng ít nhất họ chỉ cần quyết định tăng (hoặc giảm) lãi suất. Ngày nay, công việc của các ngân hàng trung ương phức tạp hơn nhiều bởi vì họ đã có thêm một công cụ nữa.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, công cụ thứ hai trở nên cần thiết khi mà sự điều chỉnh lãi suất đã không còn phát huy tác dụng. Mặc dù lãi suất đã được giảm xuống hết mức có thể, thậm chí rơi xuống mức âm nhưng nền kinh tế vẫn tiếp tục trì trệ. Tham khảo trường hợp của Nhật Bản, các ngân hàng trung ương lớn (dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Anh) đã sử dụng tới công cụ thứ hai, được gọi là nới lỏng định lượng (QE - Quantitative Easing). Nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng cung tiền, các ngân hàng trung ương đã mua tài sản tài chính từ các ngân hàng thương mại với hy vọng rằng các ngân hàng này sẽ bơm lượng tiền mới ấy trực tiếp vào nền kinh tế thực. Nếu lạm phát xuất hiện, tất cả những gì họ cần làm là giảm bớt tốc độ mua tài sản lại.

Tất nhiên đó là trên lý thuyết. Bây giờ lạm phát đang diễn ra, các ngân hàng trung ương đang ở trong trạng thái lo lắng. Họ không biết có nên thắt chặt chính sách QE lại hay không?

Nếu không, họ có thể sẽ phải nhận những lời chỉ trích nặng nề giống như những người tiền nhiệm năm 1970 đã trải qua khi cho phép lạm phát tác động tiêu cực lên giá cả và tiền lương của người dân. Nhưng nếu họ làm theo hướng ngược lại, tức là vừa giảm QE vừa tăng nhẹ lãi suất, họ có thể gây ra hai cuộc khủng hoảng cùng lúc:

Thứ nhất, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt khi lãi suất gia tăng làm giảm tổng cầu lẫn đầu tư.

Thứ hai sự sụp đổ tài chính xuất hiện khi thị trường chứng khoán, các tập đoàn phát triển và mở rộng quá mức nhờ lượng tiền rẻ từ chính sách QE. Nhưng sau đó thì lại hoảng loạn trước viễn cảnh tiền không còn rẻ như trước nữa. Giống như “Taper tantrum” năm 2013, xảy ra sau khi Fed đề xuất giảm tốc độ mua tài sản theo chương trình QE lại.

Viễn cảnh trên là điều mà nhiều ngân hàng trung ương ngại nhất vì nó sẽ khiến cả hai công cụ ưa thích của họ trở nên vô dụng. Sau khi lãi suất tăng, các ngân hàng trung ương sẽ có rất ít dư địa để giảm nó trở lại trong tương lai. Chính sách QE sẽ gặp nhiều bất cập về mặt chính trị khiến tốc độ mua tài sản sẽ trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách đang ở thế tiến thoái lưỡng nan, họ đứng giữa hai lựa chọn và không tài nào tìm ra được lựa chọn hợp lý.

Tuy nhiên, các ngân hàng hiện tại đang theo một lối mòn rằng hai chính sách trên nên được thực hiện một cách tuần tự như những gì từng làm. Đúng là trong quá khứ, chính sách QE được tạo ra chỉ sau khi những điều chỉnh về lãi suất đã ngừng phát huy tác dụng. Nhưng tại sao chúng ta cứ phải bám lấy giả định rằng với việc lạm phát tăng trở lại, trình tự thực hiện bây giờ nhất thiết phải được đảo ngược bằng cách dừng QE trước và sau đó là tăng lãi suất. Tại sao không thể thực hiện cả 2 công cụ này cùng một lúc?

Cần phải tăng lãi suất

Lãi suất đúng ra nên được tăng lên. Chúng ta đừng quên, ngay cả trong thời điểm lãi suất ngân hàng bằng 0 thì vẫn có đến 50% dân số (thuộc tầng lớp thu nhập thấp) không đủ điều kiện để tiếp cận tín dụng giá rẻ mà phải đi vay với lãi suất cao thông qua các khoản vay ngắn hạn, thẻ tín dụng… Chỉ những người giàu mới được hưởng lợi từ chương trình lãi suất thấp. Đối với chính phủ, trong khi lãi suất thấp cho phép họ chuyển đổi nợ với giá rẻ, các ràng buộc về chính sách tài khóa dường như không thể nới lỏng tương ứng. Do vậy mà đầu tư công vẫn đối mặt với tình trạng thiếu hụt. Vì hai lý do này, 13 năm lãi suất cực thấp đã góp phần gây ra bất bình đẳng lớn.

Sự bất bình đẳng ngày càng lớn đã làm tăng tình trạng dư thừa tiền tiết kiệm vì những người siêu giàu hầu như không thể tiêu hết số tiền tích góp của họ. Lượng tiền tiết kiệm lớn trên đại diện cho cung tiền, trong khi các khoản đầu tư nhỏ giọt thể hiện nhu cầu đối với nó, kết quả là cung tiền nhiều hơn cầu, khiến lãi suất vẫn neo giữ ở mức 0% và có trường hợp còn thấp hơn mức này. Do đó, các ngân hàng trung ương phải can đảm tăng lãi suất để phá vỡ vòng luẩn quẩn của sự bất bình đẳng và sự trì trệ không cần thiết này.

Tất nhiên, các ngân hàng trung ương lo ngại rằng việc tăng lãi suất sẽ khiến các chính phủ phá sản và gây ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao việc tăng lãi suất cần được hỗ trợ bởi hai chính sách quan trọng được đề cập dưới đây.

Thứ nhất, vì việc tái cơ cấu cả nợ công và nợ tư nhân là rất cấp thiết, các ngân hàng trung ương không nên lẩn tránh việc này. Giữ lãi suất dưới 0 để kéo dài thời gian cho các tổ chức dường như đã mất khả năng thanh toán (có thể kể đến như Hy Lạp, Ý và một số lượng lớn các công ty đang sống vật vờ chờ phá sản), những gì mà Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Fed hiện đang làm là bước đi ngu ngốc. Thay vào đó, chúng ta hãy cơ cấu lại các khoản nợ không trả được ấy và tăng lãi suất sớm để ngăn chặn việc hình thành thêm các khoản nợ mất khả năng thanh toán trong tương lai.

Thứ hai, thay vì dừng chính sách QE, cung tiền nên được chuyển hướng khỏi các ngân hàng thương mại và các khách hàng doanh nghiệp (vốn đã chi phần lớn tiền cho việc mua cổ phiếu và làm thị trường chứng khoán tăng liên tục). Số tiền này nên được sử dụng cho mục đích gia tăng thu nhập cơ bản của người dân và tài trợ cho chương trình chuyển đổi xanh (thông qua các định chế như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu). Hình thức QE này sẽ không gây ra lạm phát nếu thu nhập cơ bản của tầng lớp trung lưu bị đánh thuế nặng hơn và đầu tư cho môi trường bắt đầu tạo ra năng lượng sạch và hàng hóa thiết yếu mà nhân loại đang cần.

Các ngân hàng trung ương sẽ không bị giới hạn trong việc phải lựa chọn giữa việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hay thắt chặt. Một chính sách tiền tệ tiến bộ hơn sẽ hướng tới nâng mức lãi suất và cùng với đó là gia tăng đầu tư công nhằm hưởng lợi từ môi trường xanh và giảm bất bình đẳng thu nhập.

Giới thiệu tác giả Yanis Varoufakis

Yanis Varoufakis sinh năm 1961 tại Athens, Hy Lạp. Ông từng là giáo sư kinh tế tại Anh, Úc và Mỹ trong nhiều năm trước khi bước chân vào chính phủ với vai trò là Bộ trưởng tài chính Hy Lạp và là lãnh đạo của đảng MeRA25. Ông hiện đang là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Athens (Hy Lạp).

Kể từ khi từ chức Bộ tài chính Hy Lạp, ông đồng sáng lập phong trào DiEM25, vận động cho sự hồi sinh của nền dân chủ ở châu Âu và nói chuyện với hàng nghìn khán giả trên toàn thế giới.

Ông cũng là tác giả của một số cuốn sách bán chạy như: Adults in the Room: My Battle with the European and American Deep Establishment, Talking to My Daughter About the Economy or, How Capitalism Works and How It Fails, And the Weak Suffer What They Must?: Europe's Crisis and America's Economic Future,…

Link gốc tại đây.

Theo Vietstock

Broker listing

Cùng chuyên mục

Làm thế nào để được Trump tuyển dụng?
Thái Linh

Thái Linh

Junior Editor

Làm thế nào để được Trump tuyển dụng?

Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 - khi còn là một ngôi sao truyền hình thay vì một cựu tổng thống – ông Donald Trump đã điều hành quá trình chuyển giao Nhà Trắng như thể đó là một tập phim gay cấn của "The Apprentice".
Trump 2.0: Điều gì đang chờ đợi Đông Nam Á?
Thái Linh

Thái Linh

Junior Editor

Trump 2.0: Điều gì đang chờ đợi Đông Nam Á?

Đông Nam Á có thể sẽ không phải là ưu tiên trong chương trình nghị sự đối ngoại của ông Trump, nhưng khu vực này cần phải có chiến lược đối phó với các lập trường về thương mại và an ninh của Tổng thống đắc cử, cũng như cách tiếp cận mang tính giao dịch của ông.
Nhịp đập kinh tế Trung Quốc: Con đường phục hồi chông gai và những thách thức còn bỏ ngỏ
Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

Nhịp đập kinh tế Trung Quốc: Con đường phục hồi chông gai và những thách thức còn bỏ ngỏ

Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 10 của Trung Quốc cho thấy bức tranh tương đối phức tạp. Điểm sáng đến từ tăng trưởng doanh số bán lẻ vượt kỳ vọng, trong khi đó sản xuất công nghiệp và đầu tư bất động sản lại có dấu hiệu chậm lại. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng đầu tư tài sản cố định (tính từ đầu năm) duy trì ổn định so với tháng trước.
Kinh tế Châu Âu tăng trưởng chậm lại, ECB tiếp tục cắt giảm lãi suất
Thái Linh

Thái Linh

Junior Editor

Kinh tế Châu Âu tăng trưởng chậm lại, ECB tiếp tục cắt giảm lãi suất

Chỉ số PMI, một chỉ báo kinh tế quan trọng của khu vực eurozone, đang tiến gần ngưỡng suy thoái trong tháng thứ hai liên tiếp. Do đó, chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng cho nửa cuối mùa đông. Thêm vào đó, do lạm phát có khả năng giảm nhờ giá năng lượng thấp hơn, chúng tôi dự kiến ECB sẽ có thêm 5 đợt cắt giảm lãi suất (lãi suất tiền gửi giữa năm 2025: 2.0%). Trong khi đó, kinh tế Mỹ vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ