Chưa chắc chứng khoán 2023 đã phục hồi đâu
Nguyễn Thu Thủy
Junior Analyst
Sự lao dốc trong 2 năm liền là tương đối hiếm , tuy nhiên điều này hoàn toàn có thể xảy ra
Xuống rồi chắc chắn phải lên lại và năm sau cũng sẽ theo quy luật này. Ít nhất, giả định này sẽ giải thích tại sao năm nay là năm tốt thứ hai được ghi nhận đối với dòng vốn chảy vào các quỹ ETF tập trung vào cổ phiếu.
Theo thống kê của Bank of America, bất chấp thực tế các cổ phiếu blue-chip của Hoa Kỳ đã chứng kiến hiệu suất tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 với mức giảm 1/5, các nhà đầu tư đã rót 510 tỷ USD vào các quỹ ETF cổ phiếu. Dòng vốn lớn nhất đổ vào các qũy đầu tư chỉ số khổng lồ và các quỹ đầu tư thụ động vào các cổ phiếu vốn hóa lớn đã gánh chịu nhiều tổn thất trong năm nay.
Theo nhà môi giới LPL Financial, cũng hoàn toàn có cơ sở cho sự lạc qaun khi cổ phiếu tăng trung bình 20% trong 12 tháng kể từ khi chạm đáy. Theo LPL, thị trường giá xuống hiện tại đã kéo dài khoảng một năm, dài hơn mức trung bình 11 tháng kể từ Thế chiến II. Ngoài ra, trong gần 100 năm qua, chỉ có 4 lần S&P 500 chứng kiến sự sụt giảm trong 2 năm dương lịch liên tiếp
Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu năm 2023 tiếp tục đánh dấu năm thứ năm không may mắn và đồng thời đây chưa phải là dấu chấm hết?
Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, đã suy đoán vào tuần trước về khả năng xảy ra "sự hoảng loạn trên diện rộng" giữa các nhà đầu tư trong một cuộc phỏng vấn với podcast All-in. Trong một thị trường hỗn loạn, ông cảnh báo người nghe không nên sử dụng cổ phiếu làm tài sản thế chấp cho khoản vay và khuyến khích họ duy trì tiền mặt trong tay.
“Một số diễn biến cực đoan có thể xảy ra khi thị trường đi xuống”, doanh nhân này cảnh báo, đồng thời dự đoán về các tình huống “bão tố” trong 18 tháng tới. Sự bi quan của ông chủ Tesla là quá đỗi dễ hiểu khi giá trị công ty của ông đã giảm hơn 2/3 trong một năm, trong khi còn đang phải đối mặt với khoản hóa đơn 44 tỷ đô la cho phi vụ thâu tóm Twitter đầy thị phi.
Tuy nhiên, Musk không phải là người duy nhất lo ngại về triển vọng, đặc biệt là khi các ngân hàng trung ương đã tuyên bố dứt khoát rằng họ sẽ tiếp tục chống lạm phát với lãi suất cao hơn bất chấp những dự báo về sự giảm tốc của nền kinh tế, đây thậm chí còn là kịch bản lạc quan nhất.
Năm nay đã có rất nhiều dự đoán về khả năng sụp đổ của thị trường trái phiếu, nguyên nhân là đến từ sự vỡ nợ khi lãi suất tăng, hoặc do một con voi trong phòng bị lãng quên bất ngờ làm tắc nghẽn hệ thống trên diện rộng, như đã xảy ra với trái phiếu chính phủ ở Anh vào tháng 9, thứ đã kéo theo chiếc ghế của thủ tướng đất nước này. Nhưng thị trường cổ phiếu cũng đã hứng chịu những tổn thất riêng.
Dự báo của các nhà phân tích cho năm 2023 cho thấy một loạt các dấu hiệu bất ổn. Một cuộc khảo sát của Reuters trong 41 dự báo vào cuối tháng 11 chỉ ra kỳ vọng trung bình đối với S&P sẽ kết thúc ở mức 4,200, cao hơn gần 3% so với mức tại thời điểm đó và cao hơn khoảng 10% so với mức hiện tại. Tuy nhiên, cuộc thăm dò cũng ước tính gần 20% cho mỗi chiều từ mức trung bình trên.
Trong khi các thước đo truyền thống về sự biến động dự kiến như chỉ số Vix không nhấp nháy màu đỏ ngày hôm nay, thì các thước đo khác cho thấy tình hình đang căng thẳng hơn. Theo Bespoke Investment Group, S&P 500 đã ghi nhận kỷ lục với 16 ngày thứ Sáu giảm ít nhất 1% trong năm nay. Chỉ số này cũng đã có 15 lần đóng cửa tuần trong năm nay với mức tăng tối thiểu 1%, một tần suất chưa từng thấy kể từ thời kỳ lạc quan quá mức của năm 1999.
Các ngày thứ Sáu có ý nghĩa quan trọng bởi vì ngoại trừ các sự kiện lớn vào cuối tuần, chúng có thể thiết lập xu thế cho tuần tiếp theo và bởi vì chúng thường là những ngày để chốt lời và giảm thiểu rủi ro, thay vì đặt cược một cách liều lĩnh.
Lịch sử cũng cho thấy rằng có thể mất nhiều thời gian để thị trường chứng khoán phục hồi sau những cú sốc đã giáng xuống trong năm nay. Nếu những dự đoán về dấu chấm hết là đúng, thì một viễn cảnh ảm đạm có thể diễn ra như thảm họa bong bóng dotcom.
Phải mất bảy năm sau sự sụp đổ của bong bóng đó, S&P 500 mới phục hồi và sau đó vượt qua mức cao nhất đã đạt được trong thời kỳ bùng nổ đó. Quá trình giảm 49% của S&P 500 từ đỉnh xuống đáy kéo dài hai năm rưỡi do sự hào hứng đối với giá trị của các công ty công nghệ giảm dần.
Hoàn cảnh thị trường ngày nay giống với hoàn cảnh của quá khứ như thế nào?
Một so sánh đáng tin cậy là tỷ lệ giá/ thu nhập được điều chỉnh theo chu kỳ do Robert Shiller của Đại học Yale phổ biến. Để làm mượt chu kỳ kinh tế, số liệu này tính toán trung bình thu nhập doanh nghiệp được điều chỉnh theo lạm phát trong khoảng thời gian 10 năm.
Tỷ lệ Barclays Cape hiện tại đối với cổ phiếu của Hoa Kỳ dựa trên các chỉ số của MSCI là 29, thấp hơn đáng kể so với mức kỷ lục 47 được thấy trong cơn sốt bong bóng dotcom, đồng thời tỷ lệ này giảm từ mức cao nhất là 39 vào một năm trước. Tuy nhiên, nó vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn của chỉ báo là khoảng 16. Nó vẫn cao hơn mức 25 đạt được vào ngày 1 tháng 1 năm 2008, thời điểm trước khi cuộc khủng hoảng tài chính khiến S&P 500 sụt giảm 38% trong năm.
Tất nhiên, những người lạc quan ủng hộ ETF có thể đúng. Việc kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine hoặc việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch một cách suôn sẻ có thể cải thiện triển vọng đáng kể. Tuy nhiên vẫn cần phải suy ngẫm về các tình huống giá giảm, đặc biệt là kể từ khi dòng vốn ETF lớn nhất từ trước đến nay xảy ra vào năm 2021 và những cú cá cược đó vẫn chưa được đền đáp.
Financial Times