Còn quá sớm để nói rằng đồng USD đã đạt đỉnh
Đạt Nguyễn
Currency Analyst
Việc thị trường bán tháo các tài sản rủi ro đã tạm dừng trong tuần trước, đồng USD đã giảm lại sau khi thanh khoản USD thế giới được hỗ trợ bởi FED và các NHTW cộng với tâm lý rủi ro được cải thiện. Tuy nhiên, còn quá sớm để nói rằng đồng USD đã đạt đỉnh.
1. Cốt lõi của khủng hoảng vẫn chưa được giải quyết
Sự can thiệp chính sách lớn chưa từng thấy vẫn tiếp tục được triển khai để chống lại sự gia tăng ngày càng đáng báo động của COVID-19 (đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ). Mức độ suy thoái đang hình thành còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cả về chiều sâu, chiều rộng và tốc độ. Đối với các nền kinh tế phát triển (DM) trong nửa đầu năm 2020, mức độ suy thoái hiện được dự báo sẽ nghiêm trọng gần gấp đôi so với khủng hoảng 2008 (hơn nữa, điều này chỉ xảy ra trong 2 quý, nhanh hơn nhiều so với khoảng 1.5 năm trong khủng hoảng 2008). Một yếu tố khác biệt quan trọng nữa là Trung Quốc lần này sẽ không thể là cầu kéo tăng trưởng toàn cầu giống như năm 2008 (vì Trung Quốc nơi bùng phát dịch được dự báo sẽ sụt giảm nghiêm trọng 10% GDP trong Quý 1).
Mặc dù các NHTW và các chính phủ đã đưa ra những hành động quyết liệt trong chính sách tiền tệ và tài khóa để ngăn chặn thiệt hại kinh tế nghiêm trọng và kéo dài. Nhưng vì cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính lần này cốt lõi là một cuộc khủng hoảng về sức khỏe, các biện pháp chính sách kinh tế chỉ có thể làm giảm bớt hậu quả kinh tế và tài chính. Thị trường sẽ chạm đáy và đồng USD sẽ chỉ đạt đỉnh khi có giải pháp về y tế và sức khỏe cộng đồng.
2. Sự biến động của thị trường FX trong lần suy thoái này tuy nhanh về tốc độ, nhưng không quá lớn về quy mô
Quan sát mức độ biến động giá theo thời gian của đồng USD gần đây so với 05 cuộc suy thoái trước đó của kỷ nguyên tỷ giá hối đoái thả nổi, có thể thấy rằng: USD bật tăng nhanh và mạnh ngay ở thời kỳ đầu của “khủng hoảng corona”, nhưng về mức độ tăng thì tương tự với 3/5 lần suy thoái trước đó. Như vậy, khó có thể nói rằng thị trường FX đã phản ứng thái quá (“overreact”) trong thời gian vừa qua.
3. Sự can thiệp chính sách để điều chỉnh tỷ giá là chưa có cơ sở
Như vừa đề cập, biến động của thị trường FX gần đây không phải là mức độ phản ứng thái quá so với mô hình lịch sử qua các cuộc suy thoái trong quá khứ. Hơn nữa, giá trị của đồng USD hiện tại chỉ nhỉnh hơn 1-sigma (một lần độ lệch chuẩn) so với mức trung bình lịch sử dài hạn của nó. Sự tăng giá lần này chưa lớn đến mức cần phải có sự can thiệp điều chỉnh bằng chính sách. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh hiện tại khi các nhà hoạch định chính sách có nhiều vấn đề cấp bách hơn phải giải quyết hơn là khả năng cạnh tranh đồng tiền trong thương mại quốc tế khi mà phần lớn hoạt động trong nước và xuất nhập khẩu đã bị đình trệ.
4. Nhu cầu USD của thế giới vẫn còn rất lớn
Việc bán tháo các tài sản được tài trợ bằng đồng USD trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng vẫn là một nguyên nhân gây áp lực quan trọng đối với thanh khoản USD - mặc dù về ngắn hạn vấn đề đã được giải quyết. Nhu cầu funding USD để đáp ứng thanh khoản của các ngân hàng nước ngoài thời gian vừa rồi chỉ là một lý do đẩy đồng tiền này rơi vào trạng thái căng thẳng. Nguyên nhân đáng chú ý hơn là sự mất cân đối giữa phần tài sản và nợ bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp phi ngân hàng bên ngoài nước Mỹ. Tổng các khoản nợ của các doanh nghiệp này hiện khoảng 12 nghìn tỷ USD. Điều này có khả năng làm cho funding USD căng thẳng trở lại và sự tăng giá của đồng USD trong suy thoái là không thể tránh khỏi. Đó là lý do tại sao chúng ta chưa sẵn sàng để nói rằng đồng USD đã tạo đỉnh.