Cuộc khủng hoảng thị trường kim cương trị giá 80 tỷ USD đang khiến De Beers lao đao (Phần I)

Tạ Thị Giang
Junior Analyst
Nhu cầu sụt giảm đã đẩy De Beers vào tình trạng khó khăn và có nguy cơ làm phá sản kế hoạch của công ty mẹ trong việc bán đi thương hiệu từng thống trị ngành kim cương.

Trong nhiều thập kỷ qua, mỗi năm 10 lần, giới tinh hoa của ngành kim cương lại tham gia một sự kiện riêng tư, nơi hàng trăm triệu USD đá quý thô được giao dịch trong vòng vài ngày.
Nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi.
Những cuộc hội họp kín do De Beers tổ chức là kênh phân phối chính của công ty trong việc bán kim cương thô cho một nhóm khách hàng được chọn lọc kỹ lưỡng. Đây cũng là minh chứng cho sức mạnh độc quyền của De Beers: các khách hàng buộc phải chấp nhận mức giá và gói sản phẩm mà công ty đưa ra.
Mối quan hệ này từng mang lại lợi nhuận khổng lồ. Những chủ doanh nghiệp – thường là các công ty gia đình, được gọi là "Principals" trong ngành – đã trở thành triệu phú, thậm chí tỷ phú khi thị trường bùng nổ.
Tuy nhiên, những tháng gần đây, hệ thống bán hàng của De Beers đã rơi vào khủng hoảng. Cuộc suy thoái kéo dài của thị trường kim cương khiến De Beers loay hoay tìm giải pháp, trong khi các khách hàng lâu năm thì tức giận và dần rời xa công ty. Hiện tại, nhiều "Principals" thậm chí đã ngừng tham dự các phiên giao dịch.
Không chỉ đối mặt với các mối quan hệ rạn nứt và nhu cầu lao dốc, De Beers còn đang đứng trước áp lực từ công ty mẹ Anglo American Plc. CEO Duncan Wanblad đã công bố kế hoạch tái cấu trúc vào năm ngoái sau khi từ chối lời đề nghị mua lại từ BHP Group, và không bên nào muốn tiếp tục sở hữu thương hiệu kim cương danh tiếng nhất thế giới này.
Hình 1: Một kỹ thuật viên của Aurostar làm việc tại nhà máy chế tác kim cương của đối tác De Beers ở Gaborone, Botswana, vào năm 2023.
Anglo cam kết rút khỏi ngành kim cương để tập trung vào khai thác đồng và quặng sắt, nhưng việc tìm kiếm người mua trả giá cao ngày càng trở nên thách thức hơn khi De Beers lao đao giữa cơn khủng hoảng.
Năm ngoái, De Beers đã cố giữ giá kim cương trong nhiều tháng, ngay cả khi thị trường chung lao dốc – kết quả là nhiều khách hàng của họ ngừng mua hàng. Đến tháng 12, công ty buộc phải giảm giá, nhưng động thái này bị đánh giá là quá muộn và không đủ mạnh. Ngoài ra, De Beers cũng khiến khách hàng bất mãn khi tuyên bố kế hoạch cắt giảm đáng kể số lượng đối tác.
Những thông tin này được thu thập từ các cuộc phỏng vấn với hơn mười giám đốc điều hành ngành khai khoáng, các nhà giao dịch và các chuyên gia trong ngành, bao gồm cả những khách hàng lớn nhất của De Beers.
Nhiều khách hàng lớn tỏ ra thất vọng khi De Beers – công ty từng thống trị thị trường – không còn đóng vai trò dẫn dắt như trước. Tuy nhiên, De Beers cho rằng họ cần ưu tiên lợi ích của mình trước, thay vì tiếp tục duy trì mức lợi nhuận ổn định cho khách hàng như trước đây.
Công ty cho biết họ đã thực hiện hàng loạt biện pháp, bao gồm cắt giảm sản lượng, gộp các đợt bán hàng, tăng tính linh hoạt cho khách hàng và đầu tư mạnh vào tiếp thị kim cương tự nhiên. De Beers cũng hạn chế đổ thêm kim cương giảm giá vào thị trường vốn đã dư cung.
"Trách nhiệm lớn nhất của tôi là bảo vệ giá trị của De Beers," CEO Al Cook nhấn mạnh. "Và đó cũng là điều mà cả ngành công nghiệp này cần – một De Beers vững mạnh và thành công."
Sự xa cách ngày càng tăng giữa De Beers và khách hàng chỉ là một trong những biểu hiện của cuộc khủng hoảng đang nhấn chìm ngành kim cương toàn cầu trị giá 80 tỷ USD – kéo dài từ các mỏ khai thác ở Botswana đến những cửa hàng trang sức trên Đại lộ 5, New York. Xu hướng suy giảm sau đại dịch đã leo thang không kiểm soát, đến mức ngay cả những người kỳ cựu trong ngành cũng nhận định đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất họ từng chứng kiến.
Ở phân khúc kim cương giá rẻ, sự bùng nổ của kim cương nhân tạo đang nhanh chóng lấn át kim cương tự nhiên, đặc biệt trong trang sức thời trang và nhẫn đính hôn bình dân. Điều này đặt ra những câu hỏi lớn về tương lai của ngành khai thác kim cương. Đồng thời, thị trường cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụt giảm của Trung Quốc – thị trường tiêu thụ kim cương lớn thứ hai thế giới – với nhu cầu giảm 50% so với trước đại dịch.
Hệ quả đang lan rộng trên toàn cầu: Các nhà bán lẻ Trung Quốc trả lại hàng chục triệu USD kim cương tồn kho mỗi tháng. Botswana – nơi đặt các mỏ lớn nhất của De Beers – đã bầu một chính phủ mới lần đầu tiên sau sáu thập kỷ, khi doanh thu từ kim cương lao dốc gây ảnh hưởng đến nền kinh tế. Ở Ấn Độ, nhiều nhà máy chế tác đã phải đóng cửa và rao bán.
Dù gần đây có một số tín hiệu cho thấy nhu cầu tại Mỹ đang dần ổn định, nhưng các chuyên gia nhận định những thách thức cốt lõi của ngành đòi hỏi sự tái cơ cấu và điều chỉnh chiến lược toàn diện.
"Hiện tại chưa có giải pháp rõ ràng," Ben Davis, chuyên gia phân tích tại RBC Capital Markets, nhận định. "Cả thị trường cần được tái cân bằng."
Tại De Beers, Anglo American đã thừa nhận rằng việc thoái vốn nhanh là rất khó. Trong thời gian chờ đợi, ban lãnh đạo De Beers đang chịu áp lực lớn để giảm bớt gánh nặng tài chính cho tập đoàn mẹ, bao gồm cả việc cắt giảm chi phí ở mọi khía cạnh có thể.
"Các cổ đông không muốn tôi phá giá khi rút khỏi ngành này," CEO Anglo Duncan Wanblad cho biết. "Nhưng đồng thời, họ cũng không muốn nó tiếp tục tiêu tốn giá trị của công ty."
Kiểm soát chặt chẽ
Được thành lập vào năm 1888 bởi nhà đế quốc Anh Cecil Rhodes, De Beers từng kiểm soát gần 90% sản lượng kim cương toàn cầu ở thời kỳ đỉnh cao. Suốt thế kỷ 20, công ty này duy trì sự thống lĩnh thị trường bằng cách tích trữ lượng kim cương trị giá hàng tỷ USD trong các kho bảo mật tại trụ sở chính ở London.
Hình 2: Một nhà máy rửa quặng tại mỏ kim cương De Beers ở Kimberley, Nam Phi, vào khoảng năm 1900.
Hình 3: Cecil Rhodes vào khoảng năm 1890.
De Beers cũng là một trong những công ty tiếp thị thành công nhất thế giới. Hợp tác với các chuyên gia PR trên Đại lộ Madison, công ty đã định hình kim cương trở thành biểu tượng tối thượng của sự xa xỉ. Họ tạo ra khẩu hiệu “Kim cương là vĩnh cửu” và đưa ra ý tưởng về việc nên dành bao nhiêu tháng lương để mua nhẫn đính hôn.
Tuy nhiên, thế độc quyền của De Beers chấm dứt vào đầu thế kỷ 21 sau khi công ty thua kiện trong cuộc chiến pháp lý kéo dài 10 năm với chính phủ Mỹ về hành vi thao túng giá. Kể từ đó, thị phần của De Beers dần thu hẹp, nhưng công ty vẫn chiếm khoảng 1/3 nguồn cung kim cương toàn cầu.
Hiện nay, thách thức lớn nhất của De Beers đến từ Trung Quốc, nơi nhu cầu lao dốc nghiêm trọng. Các nhà bán lẻ Trung Quốc đang ồ ạt bán lại lượng lớn kim cương không có người mua, khiến thị trường toàn cầu càng rơi vào khủng hoảng.
Liu Houxiang, chuyên gia tư vấn tại phòng thí nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm định Đá quý Quốc gia Thượng Hải, nhận định rằng người tiêu dùng ít mua trang sức kim cương hơn vì lo ngại về tài chính và tốc độ tăng trưởng thu nhập của họ. Đồng thời, các bài đăng trên mạng xã hội về kim cương nhân tạo cũng khiến giới trẻ Trung Quốc giảm hứng thú với kim cương tự nhiên.
“Thị trường ở Trung Quốc đang chết dần,” William Lamb, CEO của Lucara Diamond Corp., công ty chuyên khai thác các viên kim cương lớn nhất thế giới, nhận xét. “Tôi không thấy khả năng phục hồi trong vài năm tới.”
Hình 4: Một cửa hàng trang sức De Beers ở Hồng Kông vào tháng Năm.
Hình 5: Một hội chợ thương mại về kim cương nhân tạo tại Trịnh Châu, Trung Quốc, vào năm 2023.
Các nhà giao dịch và chuyên gia ngành ước tính mỗi tháng có khoảng 30 - 40 triệu USD kim cương chế tác dư thừa từ Trung Quốc đổ về thị trường bán buôn Ấn Độ, với tổng giá trị ước tính khoảng 700 triệu USD. Riêng tại Trung Quốc, hơn 1 tỷ USD kim cương đã được tái lưu thông.
Những viên kim cương tồn kho – nhiều viên được khắc laser thương hiệu của các nhà bán lẻ xa xỉ Trung Quốc – đang được giao dịch trên thị trường bán buôn với mức chiết khấu hơn 10% so với giá thông thường. Hệ quả là một ngành kinh doanh mới đã hình thành, chỉ để xử lý và tái đánh bóng những viên kim cương mang logo của các thương hiệu bán lẻ Trung Quốc.
Giá kim cương thô đã giảm gần 50% trong hai năm qua, trong khi kim cương chế tác mất giá khoảng 35%.
De Beers cho biết tình trạng kim cương dư thừa từ Trung Quốc đổ vào thị trường đã qua giai đoạn tồi tệ nhất. Dù chưa có dấu hiệu phục hồi tại thị trường quan trọng này, công ty kỳ vọng sự suy giảm sẽ dần ổn định.
CEO Cook của De Beers cho biết: "Tôi tin rằng giai đoạn bán tháo sắp kết thúc. Tuy nhiên, để thị trường Trung Quốc thực sự phục hồi và nhu cầu tăng trở lại, sẽ cần thêm nhiều thời gian."
Bloomberg