Đằng sau những tranh cãi xoay quanh lệnh cấm vận nhiên liệu nhắm vào Nga
Nguyễn Long Hà
Junior Analyst
Các quốc gia nên tham gia cấm vận nhiên liệu hóa thạch của Nga hay đứng ngoài và chuẩn bị cho những biện pháp trong dài hạn? Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ ba và là nước xuất khẩu các sản phẩm dầu lớn nhất thế giới. Trong khi EU phải đối mặt với lời kêu gọi từ các nước phương Tây cấm dầu của Moscow, một số quốc gia thành viên đang chống lại động thái này vì lo ngại về sự gián đoạn kinh tế.
“Việc châu Âu đột ngột ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga đẩy các chính phủ đối mặt với sự khan hiếm về nguồn cung và có nguy cơ dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu”.
Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s đã đưa ra cảnh báo nói trên khi các nhà lãnh đạo của khu vực EU ngày một chịu sức ép lớn hơn, tới từ chính các lệnh cấm vận nhằm trừng phạt Moscow vì cuộc xâm lược vào Ukraine.
Những nhà lãnh đạo ở các quốc gia này đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: Tiếp tục chi khoảng 1 tỷ euro mỗi ngày cho Moscow để củng cố nguồn cung cấp năng lượng cho toàn lục địa, hoặc đối mặt với thảm họa kinh tế và nhân đạo ở ngay tại chính quốc gia của mình.
Nhà phân tích Laura Perez của Moody’s đã viết trong báo cáo của mình rằng hành động đột ngột cắt giảm nhập khẩu với dầu và khí đốt của Nga sẽ thúc đẩy lạm phát, khiến giá hàng hóa tăng vọt lên mức cao kỷ lục. Ngoài ra việc tự giới hạn nguồn cung năng lượng có thể đóng cửa hàng loạt ngành sản xuất lớn ở châu Âu và gây bất ổn về mặt chính trị.
“Việc cắt giảm nguồn cung năng lượng từ Nga sẽ làm suy giảm niềm tin của chính người tiêu dùng và doanh nghiệp, điều này lan tỏa theo các liên kết thương mại của Châu Âu trong phạm vi khu vực và trên toàn thế giới có thể dẫn đến suy thoái kinh tế ở châu Âu và làm tăng nguy cơ suy thoái toàn cầu” Perez viết.
Hiện tại, các nhà lãnh đạo châu Âu đang từ chối lời kêu gọi tham gia trừng phạt dầu và khí đốt của Nga. Thay vào đó, họ tập trung lên kế hoạch cho việc không sử dụng nhiên liệu từ Nga trong những năm tiếp theo, bằng cách tăng cường mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ, Qatar, Algeria và các nơi khác.
Emily Haber, đại sứ của Đức tại Hoa Kỳ, vào hôm thứ Tư đã viết trên Twitter rằng “việc đột ngột cắt giảm nhiên liệu hóa thạch từ Nga sẽ gây ra sự gián đoạn lớn ngay tức khắc”.
Bà cũng nhắc lại những lời cảnh báo rằng, suy thoái kinh tế và chính trị sẽ không chỉ xảy ra ở Châu Âu.
“Bạn không thể bật tắt các nhà máy công nghiệp hiện đại như một công tắc đèn. Các tác động dây chuyền thậm chí sẽ vượt ra ngoài biên giới của Đức, đầu tàu kinh tế của EU và là nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới,” bà nói.
Một báo cáo từ các nhóm nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Berlin cảnh báo rằng lệnh cấm vận toàn diện đối với dầu khí của Nga sẽ khiến nền kinh tế suy giảm 2.2% trong năm tới và xóa sổ hơn 400,000 việc làm. Trong vòng 2 năm tới, các nhà kinh tế cũng cảnh báo rằng lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Moscow sẽ mang đến ảnh hưởng mạnh hơn đối với nền kinh tế Đức khi so sánh với những tác động từ đại dịch.
Haber lập luận trong một bài viết trên Twitter rằng, việc tự làm suy yếu sức mạnh kinh tế của Đức sẽ chỉ chứng tỏ sự thất bại của chính họ trong việc chống lại cuộc sự xâm lược của Nga trên lãnh địa Ukraine.
Liệu các nhà khai thác dầu ở lưu vực Permian có đang chuẩn bị tăng sản lượng?
Số lượng phê duyệt khai thác ở lưu vực Permian đạt mức kỷ lục vào tháng trước, một dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy các nhà khai thác đang đặt nền móng để đẩy mạnh sản xuất.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Rystad Energy, mỏ dầu đá phiến trữ lượng lớn nhất của Mỹ đã trao 904 giấy phép vào tháng 3 - cao hơn nhiều so với mức trung bình hàng tháng là 400-500.
“Đây là một tín hiệu rõ ràng cho thấy các nhà khai thác trong lưu vực đang đạt được tốc độ cao trong kế hoạch phát triển của họ, định vị mức độ hoạt động tăng lên đáng kể và tăng tốc mở rộng sản lượng trong vài tháng tới khi các nút thắt trong chuỗi cung ứng dần được giải quyết” Artem Abramov, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu đá phiến của Rystad Energy cho biết.
Việc tăng số lượng giấy phép có chuyển thành tăng sản lượng hay không phụ thuộc vào số lượng khai thác và tốc độ nhanh như thế nào. Một số giấy phép sẽ không được sử dụng cho việc khai thác, trên thực tế các nhà khai thác thường để không giấy phép trong thời gian dài.
Baker Hughes cho biết 332 giàn khoan đã hoạt động ở lưu vực Permian vào tuần trước, tăng gần 50% so với thời điểm này năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh hơn 550 vào thời điểm bùng nổ dầu đá phiến năm 2014.
Trong khi đó, nhà cung cấp dữ liệu Primary Vision cho biết, 152 đội khai thác dầu đang hoạt động và con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình của những năm gần đây. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo con số nêu trên sẽ khó tăng mạnh hơn trong thời gian tới vì những hạn chế của chuỗi cung ứng.
Abramov cho biết việc tăng cấp phép sẽ làm tăng số lượng giàn khoan trong nửa cuối năm, điều này sẽ báo trước một “sự gia tăng đáng kể” về nguồn cung trong năm tới.
Các nhà khai thác đã nhiều lần cảnh báo rằng tình trạng thiếu hụt các yếu tố sản xuất từ lao động đến cát sẽ ngăn cản sự bùng nổ trong hoạt động. Các công ty khai thác của nhà nước cũng khẳng định họ không thể quay trở lại đà tăng trưởng cho đến khi được Phố Wall ủng hộ, trong khi phố Wall luôn quan tâm đến lợi nhuận thu được của cổ đông.
Phần lớn các giấy phép mới - khoảng 500 giấy phép - nằm trong tay các nhà khai thác tư nhân, vốn ít bị giám sát hơn, nhưng một số nhà khai thác công lớn hơn cũng đang tích trữ những giấy phép này. Theo Rystad, Diamondback Energy đã có 59 giấy phép - “cao bất thường”, trong khi Pioneer Natural Resources, công ty khoan dầu đá phiến lớn nhất của lưu vực, được trao một số lượng giấy phép kỷ lục: 99 giấy phép. (Myles McCormick)
Google kêu gọi khởi động lại chính sách loại bỏ các-bon khỏi mạng lưới điện
Theo Google, kế hoạch làm xanh lưới điện của chính quyền Biden sẽ thất bại trừ khi chính sách có sự thay đổi lớn.
Trong khi Nhà Trắng đang khó thúc đẩy chương trình nghị sự về khí hậu của mình trước một Quốc hội chia rẽ, gã khổng lồ công nghệ đã cân nhắc các chiến lược của riêng mình để khử cacbon, tập trung vào việc triển khai công nghệ sạch và khởi động lại thị trường điện.
Caroline Golin, người đứng đầu về chính sách khí hậu và năng lượng của Google cho biết: “Chúng tôi sẽ không cắt giảm tiêu thụ các-bon cho mạng lưới điện theo cấu trúc hiện tại”. “Lộ trình chính sách” được công ty đưa ra để kêu gọi hành động lập pháp nhanh hơn và một tiếng nói có trọng lượng hơn cho các tập đoàn trong các cuộc tranh luận về năng lượng sạch.
“Chúng tôi cần Google và chúng tôi cần tất cả các công ty tham gia và ủng hộ đối với chính sách năng lượng sạch” bà nói.
Gã khổng lồ công nghệ sử dụng một lượng lớn năng lượng để giữ cho các trung tâm dữ liệu của mình hoạt động. Vào năm 2020, Google đã công bố mục tiêu năng lượng không có carbon “24/7”, nhằm mục đích chạy hoàn toàn bằng năng lượng sạch vào cuối thập kỷ này. Ít nhất 64 công ty bao gồm cả Microsoft đã đưa ra cam kết tương tự.
Chính quyền Biden muốn loại bỏ hoàn toàn carbon khỏi lưới điện vào năm 2035. Nhưng Google lập luận rằng mục tiêu này không thể đạt được theo luật hiện hành. Hôm thứ Năm, công ty kêu gọi các nhà lập pháp nhanh chóng thông qua các chính sách thúc đẩy đầu tư vào công nghệ mới, mở rộng thị trường và thuyết phục người tiêu dùng chuyển sang sử dụng năng lượng sạch.
Trọng tâm của kế hoạch này là đại tu thị trường điện bán buôn để làm cho chúng cạnh tranh hơn đồng thời đơn giản hóa quá trình mua năng lượng sạch trực tiếp đối với các doanh nghiệp.
Công ty lập luận: “Các thị trường điện cạnh tranh trong khu vực, khi được thiết kế và quản lý phù hợp là cách nhanh nhất để khử carbon hiệu quả về chi phí cho lưới điện, thúc đẩy và mở rộng quy mô các giải pháp đổi mới, đồng thời khai thác toàn bộ tiềm năng kinh tế của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch”.
Google né tránh bình luận về sự bế tắc của quốc hội về luật khí hậu và sự thất bại của dự luật Build Back Better của Tổng thống Joe Biden có ý nghĩa như thế nào đối với mục tiêu khử cacbon - khẳng định rằng họ đang tiếp cận vấn đề từ lập trường trung lập về mặt chính trị.
Golin nói: “Chúng tôi không thực sự nghĩ về chính sách năng lượng liên bang theo cánh tả hay cánh hữu. “Chúng tôi nghĩ về tác động của nó.” (Amanda Chu)
Công ty phân tích OilX mới đưa ra một nhận định rằng Nga có thể đang đánh giá thấp sự sụt giảm sản lượng dầu. Tuần trước, phó thủ tướng Alexander Novak cho biết sản lượng dầu có thể giảm 4-5% từ tháng 3 đến tháng 4 do các vấn đề về bảo hiểm và sử dụng tàu. Nước này hiện đạt mức trung bình 9.8 triệu thùng/ngày, giảm so với sản lượng trung bình của tháng 3 là 11 triệu thùng/ngày.
Nhưng một dự báo mới từ OilX cho rằng sản lượng dầu sụt giảm sẽ lớn hơn nhiều so với dự đoán của Nga. Theo OilX, sản lượng dầu trong nước dự kiến sẽ đạt trung bình 9.5 triệu thùng/ngày trong tháng 4, ít hơn khoảng một triệu thùng mỗi ngày so với dự đoán của Novak.
“Kho dự trữ trong nước đã đầy lên nhanh chóng và các nhà máy lọc dầu của Nga đang gặp khó khăn trong hoạt động do dự trữ quá nhiều sản phẩm. Hiện tại, xuất khẩu đang được giữ vững nhưng nếu vấn đề vẫn tiếp diễn, Nga sẽ buộc phải cắt giảm sản lượng hơn nữa”, Florian Thaler, giám đốc điều hành của OilX cho biết.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán mức giảm tương tự lớn hơn trong báo cáo dầu hàng tháng của mình. Cơ quan này dự kiến sự kết hợp của các biện pháp trừng phạt quốc tế và cắt giảm nhà máy lọc dầu sẽ dẫn đến thiệt hại trung bình 1.5 triệu thùng/ngày trong tháng 4 và gần 3 triệu thùng/ngày từ tháng 5 trở đi.
Financial Times