Danske Bank Research: Căng thẳng Nga-Ukraine leo thang khiến Eurozone trở nên "nóng bỏng" hơn

Danske Bank Research: Căng thẳng Nga-Ukraine leo thang khiến Eurozone trở nên "nóng bỏng" hơn

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

15:31 20/11/2024

Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.

Điểm nhấn hôm nay

Hôm nay, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ công bố chỉ số tăng trưởng lương thỏa thuận trong Q3. Chỉ số này đã hạ nhiệt đáng kể xuống 3.5% so với cùng kỳ năm trước trong Q2 (từ mức 4.8% của Q1), và chúng tôi dự kiến sẽ có sự phục hồi vào Q3 do kết quả Q2 chủ yếu là do tính mùa vụ của các khoản thanh toán, đặc biệt là ở Đức. Dù vậy, chúng tôi không đặt nhiều trọng tâm vào kết quả của Q3, bởi các cuộc đàm phán gần đây cho thấy xu hướng tăng trưởng lương sẽ chậm lại đáng kể trong thời gian tới, và đó mới là yếu tố quan trọng nhất đối với ECB.

Bên cạnh đó, thị trường cũng sẽ theo dõi sát sao một số bài phát biểu từ các quan chức ECB và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để tìm kiếm thêm manh mối về định hướng chính sách tiền tệ. Ngoài ra, báo cáo tài chính của Nvidia được công bố hôm nay cũng thu hút khác nhiều sự chú ý. Một kết quả kinh doanh khả quan được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán.

Những diễn biến đáng chú ý gần đây

Trung Quốc

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản (LPR) đúng như dự kiến, với LPR 1 năm và 5 năm lần lượt ở mức 3.1% và 3.6%. Quyết định này một phần xuất phát từ đà mất giá mạnh của đồng Nhân dân tệ (CNY) gần đây, khiến PBOC tạm thời giữ nguyên lãi suất để tránh gây thêm áp lực lên đồng nội tệ. Nhìn lại tuần trước, PBOC tiếp tục niêm yết tỷ giá trung tâm USD/CNY hàng ngày cao hơn tỷ giá giao ngay, cho thấy nỗ lực kiểm soát đà mất giá của CNY.

Eurozone

Lạm phát HICP chính thức cho tháng 10 được công bố ở mức 2.0% so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 0.3% so với tháng trước). Bên cạnh đó, lạm phát lõi giữ nguyên ở mức 2.7%, bất chấp việc lạm phát dịch vụ tăng nhẹ từ 3.9% lên 4.0%. Chỉ số lạm phát nội địa LIMI giữ ổn định ở mức 4.2%, cho thấy áp lực giá vẫn dai dẳng. Dù vậy, đà tăng đã chậm lại, báo hiệu xu hướng giảm tiếp tục trong thời gian tới khi tăng trưởng lương suy yếu. Nhìn chung, xu hướng giảm của lạm phát về cơ bản vẫn đang tiếp diễn, củng cố thêm kỳ vọng về việc ECB cắt giảm lãi suất.

Đức

Lương thỏa thuận tăng mạnh 8.8% so với cùng kỳ năm ngoái trong Q3 (từ mức 3.1% của Q2). Ngay cả khi loại trừ các khoản thanh toán đặc biệt, tiền lương vẫn tăng 5.6% - một con số đáng kể. Đối với ECB, triển vọng tăng trưởng lương trong tương lai mới là yếu tố quan trọng nhất. Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) dự báo mức tăng lương trong các cuộc đàm phán sắp tới sẽ có xu hướng giảm do kinh tế suy yếu và lạm phát hạ nhiệt. Mặc dù vậy, mức tăng lương cao hiện tại cho thấy lạm phát dịch vụ có thể vẫn dai dẳng trong ngắn hạn. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quyết định chính sách của ECB trong bối cảnh còn nhiều bất ổn về tốc độ hạ nhiệt của tăng trưởng lương.

Địa chính trị

Xung đột Nga-Ukraine leo thang khi Ukraine tấn công một mục tiêu quân sự của Nga bằng tên lửa tầm xa do Mỹ sản xuất. Đây cũng là lần đầu tiên Ukraine sử dụng loại vũ khí này kể từ khi lệnh cấm được dỡ bỏ. Để đáp trả, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân nếu lãnh thổ Nga bị tấn công lần nữa. Điều này đã kéo theo làn sóng bán tháo chứng khoán Châu Âu và EUR, trong khi dòng tiền đổ xô vào các tài sản trú ẩn an toàn như trái phiếu chính phủ (TPCP) và vàng.

Chứng khoán

Chứng khoán toàn cầu tăng điểm hôm qua, nhưng không đồng đều giữa các khu vực. Châu Âu, đặc biệt là Đông Âu, chịu ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng địa chính trị leo thang và chiến tranh Nga-Ukraine. Ngoài ra, phân tích dữ liệu luân chuyển vốn cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa hai bờ Đại Tây Dương, với các ngành chu kỳ có hiệu suất kém ở Châu Âu nhưng ngược lại tại thị trường Mỹ. Do không có dữ liệu kinh tế vĩ mô quan trọng nào được công bố hôm qua, biến động của thị trường dường như chủ yếu đến từ sự leo thang quân sự. Đáng chú ý, cổ phiếu công nghệ vào vai “nhạc trưởng” của Phố Wall, dẫn đầu là Nvidia với mức tăng 3.0%. Kết phiên, chỉ số S&P 500, NASDAQ (thiên về công nghệ) và Russell 2000 tăng lần lượt 0.3%, 1.1% và 0.8%, trong khi Dow Jones giảm nhẹ 0.3%.

Lợi suất

Phiên hôm qua, căng thẳng gia tăng giữa Nga, Ukraine và NATO đã làm gia tăng đáng kể nhu cầu đối với TPCP Châu Âu. Điển hình, lợi suất TPCP Đức kỳ hạn 10 năm có thời điểm giảm gần 11 bps vào tối qua. Dù vậy, đà giảm này đã thu hẹp trong nửa cuối phiên giao dịch khi Ngoại trưởng Nga Lavrov lên tiếng xoa dịu lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng trong đó có sự góp mặt của vũ khí hạt nhân.

Ngoại hối

Nhìn chung, thị trường ngoại hối toàn cầu giao dịch khá ổn định hôm qua do thiếu vắng các dữ liệu kinh tế quan trọng và tâm lý thị trường phân kỳ. Các đồng tiền G10 tăng nhẹ so với USD, dẫn đầu là nhóm tiền tệ hàng hóa như NZD, AUD, CAD và NOK. EUR/USD giao dịch khá ổn định và gần như đi ngang ngay dưới mốc 1.0600. Rủi ro vẫn nghiêng về chiều giảm do bất ổn chính trị tại Châu Âu và triển vọng kinh tế ảm đạm của khu vực. Yên Nhật ngày hôm qua cũng không mấy biến động. USD/JPY có lúc giảm tới 0.9% trong phiên, sau đó kéo về giao dịch ổn định quanh mức 154.70, tuy nhiên, cặp tiền đã vượt ngưỡng 155.00 tại thời điểm viết bài nhờ đồng bạc xanh phục hồi.

Hàng hóa

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, Iran đã đồng ý ngừng sản xuất uranium gần cấp độ bom và cho phép IAEA thanh sát để xác minh. Quyết định này được xem là một tín hiệu giảm leo thang căng thẳng ở Trung Đông. Dẫu vậy, thị trường dầu mỏ không phản ứng mạnh với tin tức này, có lẽ do rủi ro địa chính trị đã phản ánh phần nào vào giá.

Ở một diễn biến khác, lượng khí đốt dự trữ tại Châu Âu đã giảm nhanh chóng trong những tuần gần đây do điều kiện thời tiết bất lợi. Mặc dù lượng dự trữ hiện vẫn ở mức khoảng 90% - ngưỡng trung bình cho thời điểm này trong năm – nhưng người tiêu dùng vẫn phải trả giá khí đốt cao hơn do nguồn cung khan hiếm.

Danske Bank Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ