Westpac IQ: Điểm tin sáng - Căng thẳng Nga-Ukraine tiếp tục leo thang; USD tăng áp đảo các đồng tiền G10

Westpac IQ: Điểm tin sáng - Căng thẳng Nga-Ukraine tiếp tục leo thang; USD tăng áp đảo các đồng tiền G10

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

08:07 21/11/2024

Bản tin sáng từ Westpac IQ.

Điểm chính

  • Phố Wall trải qua một phiên giao dịch đầy biến động khi các nhà đầu tư hồi hộp chờ đợi kết quả kinh doanh của NVIDIA, vốn được công bố sau khi thị trường đóng cửa.
  • Căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang sau khi Ukraine lần đầu tiên sử dụng tên lửa do Anh cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự tại Nga. Đại sứ quán Mỹ và các nước Châu Âu tại Kyiv đã tạm thời đóng cửa trước nguy cơ Nga tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn.
  • USD tăng giá so với tất cả các đồng tiền G10, đảo ngược phần lớn đà giảm của tuần trước. Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ nhích nhẹ sau phiên đấu giá TPCP kỳ hạn 20 năm kém sôi động.
  • Giá dầu thô biến động thất thường, đảo ngược đà tăng nhẹ của phiên trước đó, trong bối cảnh thị trường cân nhắc giữa diễn biến xung đột Nga-Ukraine và dữ liệu tồn kho của Mỹ.

Chứng khoán

Phố Wall rung lắc mạnh trước thời điểm NVIDIA công bố báo cáo tài chính, với chỉ số đo lường biến động VIX tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Chỉ số S&P 500 và NASDAQ đóng cửa giảm 0.1% sau khi hồi phục nhẹ vào cuối phiên.

Ở mặt trận khác, chỉ số ASX 200 (Úc) giảm 0.6% vào hôm qua sau khi chạm mức cao kỷ lục mới trong phiên giao dịch trước đó. Chứng khoán Trung Quốc ghi nhận sắc xanh nhẹ với cả chỉ số CSI 300 và Hang Seng đều tăng 0.2%, trong khi Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 0.2%.

Lợi suất

TPCP Mỹ ghi nhận phiên bán tháo đầu tiên sau chuỗi ngày đi ngang, đẩy lợi suất tăng nhẹ trên toàn bộ kỳ hạn. Nhu cầu yếu trong phiên đấu giá TPCP kỳ hạn 20 năm đã gây áp lực lên tâm lý thị trường. Dù vậy, nhu cầu đối với TPCP kỳ hạn này vốn đã không mấy khả quan kể từ khi Kho bạc Mỹ tái phát hành vào năm 2020. Lợi suất kỳ hạn 2 năm và 10 năm tăng lần lượt 3 bps và 2 bps lên 4.31% và 4.41%, nhìn chung vẫn dao động trong biên độ giao dịch của hai tuần gần đây. Kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang (Mỹ) tiếp tục nới lỏng chính sách trong ngắn hạn đã được điều chỉnh giảm nhẹ, với thị trường OIS ngụ ý xác suất khoảng 33% Fed sẽ hạ lãi suất vào cuộc họp tháng 12.

Lợi suất TPCP Anh ban đầu tăng trước thông tin lạm phát cao hơn dự kiến, khiến các nhà giao dịch hạ dự báo về quy mô cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trong năm tới. Dẫu vậy, đà tăng này đã nhanh chóng bị đảo ngược, với kỳ vọng về lãi suất gần như không đổi so với phiên trước và lợi suất kỳ hạn 2 năm đóng cửa gần như đi ngang với mức giảm 1 bps.

Lợi suất hợp đồng tương lai TPCP Úc tăng 2 bps vào sớm nay ở cả kỳ hạn 3 năm và 10 năm, lần lượt đạt 4.10% và 4.59%. Kỳ vọng của thị trường về việc Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) cắt giảm lãi suất lần đầu tiên đã được lùi sang tháng 7 năm sau. Dù vậy, xác suất ngân hàng trung ương này cắt giảm lãi suất vào tháng 5 vẫn ở mức khoảng 90%.

Ngoại hối

Chỉ số DXY chạm mức cao 106.92 trong phiên hôm qua, giao dịch quanh 106.60 tại thời điểm viết bài, thu hẹp phần lớn mức giảm trong tuần trước. Nhìn chung, biến động gần đây cho thấy xu hướng củng cố đà tăng hơn là tiền đề cho nhịp đảo chiều giảm mạnh sau cuộc bầu cử.

AUD/USD chạm đỉnh 0.6545 trong phiên trước khi chịu áp lực bán tháo mạnh và lùi về dưới mốc 0.6500. AUD nhìn chung thể hiện tốt hơn so với hầu hết các đồng tiền G10 khác trong đợt bán tháo này nhưng về cơ bản vẫn chịu ảnh hưởng mạnh từ USD. GBP/USD cũng chung cảnh ngộ nhưng vẫn thể hiện tốt hơn so với nhóm G10. EUR/USD sau nhiều phiên giằng co dưới mốc 1.0600, hôm qua đã vượt lên kiểm tra ngưỡng kháng cự quanh 1.0610, tuy nhiên, kết quả vẫn thất bại và cặp tiền giảm mạnh về đáy của vùng giao dịch tuần trước. USD/JPY vượt ngưỡng 155.00, chạm đỉnh phiên tại 155.89, tiệm cận vùng tiềm ẩn khả năng can thiệp cao từ phía các nhà chức trách Nhật Bản.

Hàng hóa

Giá dầu thô đảo ngược đà tăng nhẹ của phiên trước trong bối cảnh thị trường biến động khi các nhà giao dịch luân phiên chú ý đến diễn biến xung đột Nga-Ukraine và báo cáo tồn kho của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Cụ thể, báo chí đưa tin Ukraine lần đầu tiên sử dụng tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga. Động thái này diễn ra sau khi Mỹ sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa tấn công Nga trước đó một hôm. Các đại sứ quán Mỹ và Châu Âu tại Kyiv đã đóng cửa do lo ngại về một cuộc tấn công quy mô lớn từ phía Nga. Mặt khác, báo cáo tồn kho của EIA được thị trường đánh giá là tiêu cực, với lượng dầu thô dự trữ của Mỹ tăng tuần thứ ba liên tiếp do nhập khẩu mạnh vào khu vực Bờ Vịnh. Dự trữ dầu thô và xăng tăng lần lượt 545,000 thùng và 2.05 triệu thùng. Sản lượng dầu thô giảm 199,000 thùng/ngày, xuống còn 13.2 triệu thùng/ngày, một phần do ảnh hưởng của các cơn bão.

Giá kim loại giảm nhẹ do USD mạnh lên, trong khi quặng sắt dao động quanh mốc 100 USD. Hiện tại, thị trường đang hướng sự chú ý vào cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc, thường diễn ra vào đầu tháng 12, và sau đó là Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, dự kiến giữa tháng 12.

Biến động vĩ mô

Trung Quốc: Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản (LPR) đúng như dự kiến, với kỳ hạn 1 năm và 5 năm lần lượt ở mức 3.1% và 3.6%. Quyết định này được đưa ra sau khi Trung Quốc đã cắt giảm 35 bps đối với cả hai loại lãi suất kể từ tháng 6, cùng với các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ khác, bên cạnh những thông báo tài khóa gần đây nhằm hỗ trợ giảm nợ cho chính quyền địa phương và thúc đẩy thị trường bất động sản.

Anh: Lạm phát cao hơn dự kiến trong tháng 10, với chỉ số CPI tăng 0.6% so với tháng trước, đạt mức 2.3% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng trước: 1.7%). Kết quả này chủ yếu do giá điện tăng mạnh khi chương trình hỗ trợ của chính phủ hết hiệu lực.

Lạm phát lõi cũng nhích nhẹ từ 3.2% lên 3.3% so với cùng kỳ trong tháng 10 do lạm phát dịch vụ vẫn ở mức cao, tăng từ 4.9% lên 5.0%. Kết quả này có thể sẽ khiến BoE duy trì cách tiếp cận thận trọng hoặc hơn thế trong việc nới lỏng chính sách do lo ngại về áp lực lạm phát dai dẳng trong lĩnh vực dịch vụ.

Mỹ: Phát biểu của các quan chức Fed gần đây về cơ bản ủng hộ một chu kỳ nới lỏng chính sách thận trọng. Michelle Bowman cho biết bà muốn cân nhắc kỹ lưỡng trước khi hạ lãi suất thêm do đà giảm lạm phát đã chậm lại, trong khi Lisa Cook nhận định các rủi ro vẫn "cân bằng."

Westpac IQ

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ