Westpac IQ: Điểm tin sáng - Làn sóng "risk-off" lan tràn, chứng khoán giảm điểm, giá vàng tăng vọt, Bitcoin lập kỷ lục mới

Westpac IQ: Điểm tin sáng - Làn sóng "risk-off" lan tràn, chứng khoán giảm điểm, giá vàng tăng vọt, Bitcoin lập kỷ lục mới

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

09:36 20/11/2024

Bản tin sáng từ Westpac IQ.

Bức tranh chung

Làn sóng tâm lý e ngại rủi ro (risk-off) bao trùm thị trường, dẫn đến việc dòng vốn tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro và đổ xô đi tìm nơi trú ẩn. Nguyên nhân chính xuất phát từ diễn biến mới nhất từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân nếu lãnh thổ Nga bị tấn công, sau đợt phản công đầu tiên của Ukraine vào sâu bên trong nước này.

Nhu cầu đối với trái phiếu chính phủ (TPCP) tăng mạnh, kéo lợi suất kỳ hạn dài giảm tại cả Mỹ và Châu Âu. USD gần như đi ngang, cho thấy đồng tiền này đang chịu ảnh hưởng từ các yếu tố khác. AUD tăng giá nhờ biên bản cuộc họp tháng 11 của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) cho thấy lập trường cứng rắn hơn dự kiến.

Phố Wall diễn biến trái chiều, với tâm lý risk-off ban đầu dần được thay thế bởi kỳ vọng vào báo cáo tài chính sắp tới của Nvidia, trong khi chứng khoán Châu Âu đồng loạt giảm. Giá vàng tăng vọt, Bitcoin lập kỷ lục mới trên 94,000 USD, trong khi dầu mỏ và quặng sắt cũng đóng cửa trong sắc xanh.

Chứng khoán

Phố Wall khép lại phiên giao dịch đầy biến động với kết quả trái chiều, chỉ số VIX đo lường mức độ biến động tăng khoảng 2.8%. Mở cửa trong sắc đỏ do lo ngại về xung đột Nga-Ukraine, thị trường sau đó đã phục hồi trở lại nhờ kỳ vọng vào báo cáo tài chính của Nvidia. Cổ phiếu công nghệ vào vai “nhạc trưởng”, dẫn đầu là Nvidia với mức tăng 3%. Kết phiên, chỉ số S&P 500, NASDAQ (thiên về công nghệ) tăng lần lượt 0.3% và 1.1%, trong khi Dow Jones giảm nhẹ 0.3%.

Chứng khoán Châu Âu đồng loạt giảm do lo ngại leo thang căng thẳng tại khu vực. Chỉ số Euro Stoxx 50, DAX (Đức) và FTSE 100 (Anh) giảm lần lượt 0.8%, 0.7% và 0.1%. Ở mặt trận khác, chứng khoán Châu Á phần lớn đóng cửa trong sắc xanh, với chỉ số Nikkei 225 (Nhật) và Hang Seng (Hồng Kông) tăng lần lượt 0.5% và 0.4%. Riêng thị trường Úc, chỉ số ASX 200 xác lập chuỗi tăng bốn phiên, với sắc xanh lan tỏa trên diện rộng, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu tài chính.

Câu chuyện lãi suất

Nhìn chung, lợi suất TPCP toàn cầu đều giảm trong phiên hôm qua do nhu cầu gia tăng sau thông tin liên quan đến xung đột Nga-Ukraine. Về kỳ vọng nới lỏng chính sách, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 12 hiện ở mức khoảng 55%. Bên cạnh đó, thị trường dự báo mức cắt giảm tổng cộng khoảng 75 bps cho đến cuối năm 2025.

Đối với Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA), kỳ vọng về lần cắt giảm lãi suất đầu tiên đã được đẩy lên trở lại, và khả năng cao sẽ rơi vào tháng 05/2025, sớm hơn hai tháng so với dự báo trước đó. Biên bản cuộc họp tháng 11 của RBA cho thấy ngân hàng trung ương này sẽ cần chứng kiến dữ liệu lạm phát tích cực trong ít nhất hai quý liên tiếp trước khi tự tin khẳng định lạm phát đang bền vững trở lại mục tiêu. Điều này đồng nghĩa với việc cuộc họp tháng 05/2025 sẽ là thời điểm sớm nhất RBA có thể bắt đầu nới lỏng chính sách, với điều kiện không có biến động lớn nào xảy ra. Hiện tại, thị trường dự báo RBA sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng khoảng 46 bps trong năm 2025.

Ngoại hối

Chỉ số DXY giảm phiên thứ hai liên tiếp, giao dịch quanh 106.20 tại thời điểm viết bài. Điều đáng ngạc nhiên là USD không được hưởng lợi nhiều từ tâm lý risk-off, cho thấy đồng tiền này đang chịu tác động từ các yếu tố khác, chẳng hạn như biến động của lợi suất.

AUD tăng giá nhờ biên bản họp tháng 11 của RBA cho thấy lập trường cứng rắn hơn dự kiến. AUD/USD kết phiên hôm qua tăng 0.4% lên 0.6532, giao dịch quanh 0.6540 tại thời điểm viết bài. Nhìn chung, lập trường “diều hâu” của RBA có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ AUD trong ngắn hạn.

EUR/USD giao dịch khá ổn định và gần như đi ngang ngay dưới mốc 1.0600. Rủi ro vẫn nghiêng về chiều giảm do bất ổn chính trị tại Châu Âu và triển vọng kinh tế ảm đạm của khu vực. Yên Nhật ngày hôm qua cũng không mấy biến động. USD/JPY có lúc giảm tới 0.9% trong phiên, sau đó kéo về giao dịch ổn định quanh mức 154.70.

Hàng hóa

Giá dầu giằng co mạnh khi thị trường chuyển hướng chú ý từ hy vọng ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah sang diễn biến của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Dầu thô WTI và Brent kết phiên tăng nhẹ lên lần lượt 69.25 và 72.88 USD/thùng. Ngoài ra, kim loại công nghiệp nhìn chung cũng tăng giá nhờ USD suy yếu. Đáng nói, giá quặng sắt tăng trở lại trên mức 100 USD/tấn khi thị trường kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế mới từ Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương dự kiến diễn ra vào giữa tháng 12.

Biến động vĩ mô

Úc: RBA tiếp tục duy trì quan điểm phụ thuộc vào dữ liệu và không loại trừ bất kỳ khả năng nào liên quan đến việc điều chỉnh lãi suất trong tương lai. Về tổng thể, biên bản họp tháng 11 của ngân hàng trung ương này không có nhiều thay đổi so với trước đó. RBA vẫn đánh giá rằng lạm phát đang ở mức “quá cao”, chính sách tiền tệ thắt chặt, và sẽ có lúc cần phải cắt giảm lãi suất, nhưng “chưa cần thiết phải điều chỉnh ngay lập tức”.

Dù vậy, có một số điểm đáng chú ý trong biên bản họp. RBA nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “hướng tới tương lai, tránh phụ thuộc quá mức vào dữ liệu quá khứ”, nhưng đồng thời cũng cho rằng cần phải có “nhiều hơn một dữ liệu lạm phát hàng quý khả quan” để có thể tự tin khẳng định lạm phát đang bền vững trở lại mục tiêu. Đây là một sự thay đổi đáng kể so với biên bản họp tháng 8, khi RBA cho rằng nên ưu tiên dữ liệu thực tế hơn là các dự báo hoặc chỉ số về kỳ vọng.

Mỹ: Số lượng nhà ở khởi công giảm 3.1% trong tháng 10, nối tiếp mức giảm 1.9% của tháng 9, xuống còn 1.311 triệu căn, gần chạm đáy năm. Giấy phép xây dựng cũng giảm 0.6% xuống còn 1.416 triệu trong tháng 10. Nhìn chung, mặc dù tâm lý kinh doanh trong ngành xây dựng đã được cải thiện đáng kể theo khảo sát của NAHB công bố hôm qua, nhưng các số liệu trên cho thấy những nhà thầu xây dựng vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do lãi suất thế chấp cao tiếp tục kìm hãm nhu cầu nhà mới.

Canada: Lạm phát toàn phần tháng 10 của Canada đạt 0.4%, cao hơn một chút so với dự báo 0.3% của thị trường. So với cùng kỳ, lạm phát toàn phần đạt 2.0%, đúng bằng mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Canada (BoC). Nguyên nhân chính đằng sau mức tăng trên được cho là do hiệu ứng cơ sở (cùng kỳ năm ngoái thấp do giá xăng giảm mạnh).

Eurozone: Số liệu lạm phát HICP chính thức cho tháng 10 trùng khớp với ước tính sơ bộ (toàn phần và lõi ở mức lần lượt 2.0% và 2.7%). Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ vẫn dai dẳng, tăng 4.0%, cao hơn một chút so với ước tính sơ bộ và gần như không đổi trong suốt một năm qua. Dự báo lạm phát có thể sẽ tăng tạm thời trong thời gian tới do hiệu ứng cơ sở.

Westpac IQ

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ