Danske Bank Research: Chỉ số ZEW tháng 11 của Đức liệu có tiếp nối sự cải thiện trong tháng 10?

Danske Bank Research: Chỉ số ZEW tháng 11 của Đức liệu có tiếp nối sự cải thiện trong tháng 10?

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

15:29 12/11/2024

Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.

Điểm nhấn hôm nay

Hôm nay nhìn chung sẽ khá im ắng về mặt dữ liệu, với điểm nhấn là chỉ số ZEW của Đức cho tháng 11. Điều đáng quan tâm là liệu sự cải thiện về kỳ vọng ghi nhận hồi tháng 10 có tiếp tục trong tháng 11 này hay không.

Những diễn biến nổi bật gần đây

Trung Quốc

Dữ liệu về tăng trưởng tín dụng được công bố hôm qua cho thấy sự cải thiện nhẹ trong tháng 10, nhưng nhìn chung vẫn còn yếu. Đồng thời, sự suy giảm trong cung tiền cũng được cải thiện (M1 từ -7.4% so với cùng kỳ năm ngoái lên -6.1%, M2 từ 6.8% lên 7.5%). Với việc các biện pháp kích thích đang dần phát huy tác dụng, chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện hơn nữa trong những quý tới. Mặc dù vậy, bất ổn lớn hiện nay là thời điểm và mức độ tác động của việc ông Trump dự kiến tăng thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc, và theo sau đó có thể sẽ là cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng”.

Nhật Bản

Hạ viện đã họp vào thứ Hai để bầu thủ tướng mới. Đúng như dự đoán, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) tiếp tục nắm quyền, tái bổ nhiệm Thủ tướng Ishiba bất chấp việc liên minh của ông, vốn đang vướng vào bê bối, đã mất thế đa số trong quốc hội ở cuộc bầu cử tháng trước. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi xem sự phản đối của Đảng Dân chủ vì Nhân dân (DPP) với việc tăng lãi suất có thể ảnh hưởng như thế nào đến lập trường của chính phủ về chính sách tiền tệ.

Dầu mỏ

Giá dầu giảm hơn 3% trong phiên giao dịch hôm qua, và nguyên nhân có thể đến từ nhiều yếu tố. Đầu tiên, có thể kể đến là kế hoạch kích thích kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc được công bố gần đây, kéo theo sự sụp đổ của những kỳ vọng về việc nhu cầu tiêu thụ sẽ cải thiện phần nào. Ở một góc độ khác, USD tăng giá khi thị trường chuẩn bị cho các mức thuế nhập khẩu mới của Mỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu và tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu mỏ. Hơn nữa, chiến thắng toàn diện của Đảng Cộng hòa có thể thúc đẩy việc tăng sản lượng và xuất khẩu dầu của Mỹ, làm trầm trọng hơn nữa tình trạng dư cung trong trung hạn.

Mặc dù còn nhiều bất ổn, nhưng thị trường có thể vẫn kỳ vọng rằng căng thẳng địa chính trị sẽ hạ nhiệt đáng kể sau cuộc bầu cử Mỹ, từ đó làm giảm phần bù rủi ro từ yếu tố này, gây thêm áp lực lên giá dầu. Dẫu vậy, chúng tôi không cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục giảm sâu. Nguyên nhân là vì OPEC+ đã trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng vào tháng 12. Bên cạnh đó, Mỹ cũng có thể tăng cường mua dầu cho kho dự trữ chiến lược ở mức giá thấp. Do đó, chúng tôi kỳ vọng giá sẽ phục hồi dần về mức 80 USD/thùng đối với dầu Brent.

Chứng khoán

Chứng khoán toàn cầu tăng điểm hôm qua, tuy nhiên, cần lưu ý đến sự bình lặng trên thị trường và mức giảm mạnh của các chỉ số đo lường biến động như VIX và MOVE. Hôm qua cũng thiếu vắng sự góp mặt của những sự kiện, số liệu kinh tế quan trọng, hay động thái từ các ngân hàng trung ương. Do đó, hôm nay có thể xem là ngày để các nhà đầu tư có thời gian suy ngẫm kỹ lưỡng sau phản ứng tức thì đối với cuộc bầu cử Mỹ.

Nhìn lại phiên hôm qua, các cổ phiếu chu kỳ vẫn có hiệu suất rất tốt, dẫn đầu là ngành tài chính, tiêu dùng không thiết yếu và công nghiệp. Ở chiều ngược lại, nguyên nhân đằng sau đà giảm của ngành vật liệu có thể là do những thông tin đáng thất vọng từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng tỏ ra vượt trội hơn, đặc biệt là tại Mỹ. Kết phiên hôm qua, Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 0.7%, 0.1% và 0.06%, trong khi chỉ số Russell 2000 tăng đến 1.5%. Xét đến cổ phiếu riêng lẻ, cần lưu ý rằng, nhà đầu tư không nên kỳ vọng cơn sốt hậu bầu cử của Tesla sẽ tiếp diễn. Chúng tôi cho rằng, thậm chí Tesla có nguy cơ đối mặt với những tác động tiêu cực nếu ông Trump khơi mào chiến tranh thương mại với Châu Âu và họ bắt đầu trả đũa.

Lợi suất

Lợi suất TPCP Châu Âu tiếp tục xu hướng giảm trong tuần trước. Điển hình, lợi suất TPCP Đức kỳ hạn 10 năm đã giảm gần 20 bps so với mức đỉnh tuần qua và trở lại vùng giao dịch trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Mỹ. Mặt khác, mở cửa giao dịch trở lại sau ngày lễ Cựu chiến binh, lợi suất TPCP Mỹ tăng nhẹ, thu hẹp phần nào đà giảm mạnh trong hai phiên cuối tuần trước.

Ngoại hối

Đồng bạc xanh dường như phớt lờ tâm lý risk-on (thể hiện qua việc các chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall tiếp tục vượt đỉnh) khi liên tục tăng mạnh so với EURCHF. Kể từ đầu tuần cho đến nay, câu chuyện chính trên thị trường ngoại hối chủ yếu xoay quanh đà tăng của USD và diễn biến ngược lại từ phía EUR. Phiên giao dịch hôm qua, EUR/USD đã chính thức thủng 1.0700, tiệm cận mức thấp nhất năm. Đáng chú ý, chúng tôi không nhận thấy yếu tố kích hoạt đủ mạnh nào đứng sau đà giảm này. Do đó, các nhà đầu tư dường như vẫn đang phản ứng với các chính sách thương mại tiềm năng của ông Trump, những biện pháp kích thích kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc, cùng với sự suy yếu của EUR sau cuộc bầu cử Mỹ và bất ổn chính trị gia tăng ở Đức.

Phân tích các yếu tố gần đây cho thấy, khả năng USD sẽ suy yếu trong ngắn hạn. Cụ thể, thị trường dường như đã phản ứng thái quá với khả năng Fed diều hâu hơn, cùng với việc vị thế mua ròng USD đang ở mức cao (có thể sẽ giảm bớt do hoạt động tái cơ cấu vào cuối năm khi tâm lý risk-on gia tăng) và biến động hậu bầu cử giảm. Sắp tới, chúng ta sẽ có một loạt bài phát biểu từ các quan chức Fed, bên cạnh việc công bố dữ liệu được mong đợi nhất tuần là báo cáo CPI của Mỹ vào ngày mai. Mặc dù kịch bản Fed cắt giảm lãi suất thêm 25 bps vào cuộc họp tháng 12 là tương đối khả thi với xác suất hiện tại rơi vào khoảng 50%, nhưng triển vọng cho năm 2025 vẫn còn rất bất định.

Danske Bank Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ