Danske Bank Research: Đón chờ sự trở lại của các yếu tố cơ bản hậu bầu cử, mở màn với dữ liệu lạm phát tháng 10 của Mỹ
Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.
Sau một tuần đầy biến động với nhiều sự kiện quan trọng, tuần này dự kiến sẽ diễn ra một cách trầm lắng hơn:
- Thứ Ba: Chỉ số ZEW tháng 11 của Đức.
- Thứ Tư: Lạm phát tháng 10 của Mỹ.
- Thứ Sáu: Dự báo kinh tế cập nhật của Ủy ban Châu Âu; Doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp của Mỹ.
Ngoài ra, dữ liệu tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc cũng sẽ được công bố trong tuần, nhưng chưa có thời điểm cụ thể. Dữ liệu này có thể hé lộ thêm phần nào những tác động ban đầu của các biện pháp kích thích kinh tế được đưa ra trước đó.
Những diễn biến đáng chú ý gần đây
Mỹ: Chỉ số tâm lý người tiêu dùng sơ bộ tháng 11 theo khảo sát của Đại học Michigan đạt mức cao nhất trong bảy tháng, tăng từ 70.5 lên 73.0. Bên cạnh đó, chỉ số kỳ vọng cũng đạt mức cao nhất trong ba năm rưỡi, tăng gần 6% lên 78.5. Người tiêu dùng hiện đã bớt lo ngại về áp lực giá cả trong ngắn hạn, với kỳ vọng lạm phát 1 năm giảm từ 2.7% xuống 2.6%, trong khi kỳ vọng lạm phát 5 năm nhích nhẹ từ 3.0% lên 3.1%.
Về chính trị, kết quả kiểm phiếu của bang Arizona cuối cùng đã được công bố, và không nằm ngoài dự đoán, ông Trump giành chiến thắng ở tất cả các bang chiến trường. Ngoài ra, Đảng Cộng hòa đang trên đà nắm quyền kiểm soát Hạ viện với 214 ghế đã được xác nhận, và chỉ cần thêm 4 ghế để giữ vững thế đa số. Một chiến thắng toàn diện của Đảng Cộng hòa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chương trình nghị sự của ông Trump, có thể bao gồm các chính sách tài khóa làm tăng thâm hụt ngân sách, nợ công và cuối cùng là áp lực lạm phát.
Trung Quốc: Các thông báo về chính sách tài khóa của Trung Quốc hôm thứ Sáu một lần nữa lại làm thị trường thất vọng, khi không đưa ra con số kích thích cụ thể nào mà chỉ dừng lại ở cam kết chung chung là sẽ có các biện pháp "mạnh mẽ". Dù đưa ra gói hỗ trợ 10 nghìn tỷ CNY (tương đương 1.4 nghìn tỷ USD) nhằm giải tỏa áp lực tài chính cho các chính quyền địa phương và ổn định nền kinh tế đang giảm tốc, nhưng triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc vẫn đầy bất ổn. Chưa kể, dữ liệu lạm phát tháng 10 của Trung Quốc thấp hơn dự kiến, chỉ tăng 0.3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0.3% so với tháng trước (dự báo lần lượt là tăng 0.4% và giảm 0.1%), cho thấy bóng ma giảm phát vẫn bủa vây, đồng thời làm dấy lên nghi ngại về tính hiệu quả của các biện pháp kích thích trước đó.
Đức: Thủ tướng đương nhiệm Scholz tuyên bố hôm Chủ nhật rằng ông sẵn sàng kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm trước Giáng sinh, sớm hơn đề xuất ban đầu là ngày 15/01/2025, trong bối cảnh áp lực chính trị và dư luận ngày càng tăng.
Bitcoin
Giá Bitcoin vượt mốc 80,000 USD lần đầu tiên vào Chủ nhật sau chiến thắng vang dội của ông Trump ở toàn bộ các bang chiến trường và kỳ vọng về một chính quyền ủng hộ tiền điện tử hơn.
Chứng khoán
Chứng khoán toàn cầu tăng điểm vào thứ Sáu, kết thúc tuần giao dịch trong sắc xanh. Diễn biến của các ngành hôm thứ Sáu và bức tranh từng khu vực trong phiên giao dịch sáng nay cho thấy rõ ảnh hưởng của các thông báo chính sách tài khóa từ Trung Quốc lên thị trường. Bắc Kinh đã không triển khai thêm gói kích thích tài khóa mới, được cho là để dự trữ nguồn lực đối phó với nguy cơ chiến tranh thương mại khi ông Trump nhậm chức vào năm tới. Điều này đã mang đến nỗi thất vọng lớn, kéo theo đó là sự sụt giảm của cổ phiếu ngành vật liệu nói riêng và thị trường chứng khoán Trung Quốc nói chung trong phiên giao dịch đầu tuần.
Ở một diễn biến khác vào thứ Sáu, nhóm cổ phiếu phòng thủ lại tỏ ra vượt trội so với nhóm cổ phiếu chu kỳ. Ba tháng qua, nhóm chu kỳ đã tăng trưởng mạnh (15.1%), trong khi nhóm phòng thủ chỉ tăng nhẹ (1.3%). Vì vậy, việc nhóm phòng thủ "vượt mặt" trong ngắn hạn có thể chỉ là nhịp điều chỉnh bình thường sau một giai đoạn tăng trưởng nóng của nhóm chu kỳ, chứ không phải là một sự thay đổi xu hướng cơ bản. Kết phiên thứ Sáu tại Mỹ, chỉ số Dow Jones, S&P 500, Nasdaq và Russell 2000 tăng lần lượt 0.6%, 0.4%, 0.1% và 0.7%.
Lợi suất
Nhìn chung, hôm thứ Sáu tiếp tục là một phiên giao dịch sôi động trên thị trường trái phiếu. Dù vậy, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm lại giảm nhẹ trong phiên giao dịch ảm đạm tại Mỹ. Do thế đa số có thể rất mong manh, thị trường sẽ tiếp tục giao dịch theo kịch bản "Đảng Cộng hòa thắng sít sao". Lãi suất hoán đổi EUR kỳ hạn dài đã đảo ngược phần lớn mức tăng của thứ Năm do thông báo chính sách tài khóa gây thất vọng của Trung Quốc.
Ngoại hối
Về tổng thể, tuần giao dịch đầy biến động khép lại với sự lên ngôi của USD. EUR/USD theo đó lùi về sát 1.0700; JPY phục hồi vào nửa cuối tuần, USD/JPY thủng 153.00 trước khi bật trở lại giao dịch quanh 153.80 tại thời điểm viết bài. Đà phục hồi của JPY xuất phát một phần nhờ vào kỳ vọng BoJ tăng lãi suất vào cuộc họp tháng 12. Định giá trên thị trường lãi suất đã tăng từ mức 8 bps trong tuần trước lên 11 bps tại thời điểm viết bài.
Nhận định EUR/USD: Dự kiến thị trường sẽ chuyển trọng tâm trở lại dữ liệu kinh tế trong tuần này cho đến khi có thêm thông tin rõ ràng về tình hình chính trị. Chỉ số CPI tháng 10 của Mỹ sẽ là trọng tâm chính trong tuần, mặc dù các dữ liệu khác, chẳng hạn như doanh số bán lẻ, cũng có thể tác động đến xu hướng ngắn hạn của EUR/USD.
Sự phân kỳ chính sách giữa Fed và ECB đang ngày càng rõ rệt qua lăng kính kỳ vọng của thị trường. Một mặt, ECB có thể sẽ theo hướng bồ câu hơn với khả năng cắt giảm lãi suất 50 bps vào cuộc họp tháng 12. Mặt khác, thị trường lại đang băn khoăn liệu Fed có tiếp tục cắt giảm lãi suất 25 bps trong cuộc họp cùng tháng hay không. Định giá thị trường hiện tại đang cho thấy Fed sẽ diều hâu hơn trong ngắn hạn, nhưng vẫn dự kiến ngân hàng trung ương này tiếp tục chu kỳ cắt giảm lãi suất vào tháng tới. Nếu dữ liệu sắp tới khiến thị trường kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn, USD có thể suy yếu trong ngắn hạn do các vị thế mua hiện đang ở mức quá cao.
Danske Bank Research